Cụ bà 83 tuổi phải cắt bỏ gần 1m ruột non
Báo Sức Khỏe & Đời Sống thông tin, các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Hà Đông vừa cấp cứu, điều trị thành công cho nữ bệnh nhân N.T.Đ (83 tuổi, ở Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) bị shock nhiễm trùng nhiễm độc do viêm ruột hoại tử.
Được biết, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, viêm đa khớp, điều trị không theo đơn, đã phẫu thuật thay khớp háng hai bên. Trước khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện đau bụng 3 ngày, đau tăng dần, kèm sốt. Do chủ quan, bệnh nhân tự điều trị nhưng các triệu chứng càng ngày càng nặng mới đến viện.
Người bệnh vào viện trong tình trạng tỉnh, thể trạng suy kiệt, mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp dao động, dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân nặng, hội chứng Cushing do dùng corticoid kéo dài. Tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ lập tức cấp cứu hồi sức, đồng thời thực hiện các xét nghiệm cần thiết và nhanh chóng ra chỉ định phẫu thuật cấp cứu với chẩn đoán ban đầu là shock nhiễm trùng nhiễm độc - viêm phúc mạc do thủng ruột.
Trong quá trình phẫu thuật, tổn thương rất nặng nề, ổ bụng nhiều dịch mủ, kèm dịch tiêu hóa, nguyên nhân là viêm ruột hoại tử có nhiều ổ trên một đoạn ruột non dài 60cm. Các bác sĩ xác định đây là một trường hợp rất khó khăn trong việc giải quyết nguyên nhân vì hoàn toàn có thể phát sinh những ổ hoại tử mới, cũng như hồi sức sau mổ để bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nhiễm trùng rất nặng nề.
Kíp phẫu thuật đã xin ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc bệnh viện và tiến hành hội chẩn cùng các bác sĩ Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Hồi sức Tích cực, Gây mê Hồi sức để đưa ra phương án tốt nhất cho bệnh nhân. Cuối cùng, các bác sĩ thống nhất cắt đoạn ruột non dài 80 cm, đưa 2 đầu ruột ra ngoài làm hậu môn nhân tạo.
Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân được điều trị tích cực tại khoa Gây mê Hồi sức. Với sự theo dõi sát sao của các cán bộ y tế, bệnh nhân được chăm sóc toàn diện đã có quá trình hồi phục tốt. 7 ngày sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân ổn định, người bệnh có thể tự ngồi được, ăn tốt, vết mổ khô, đại tiện tốt, bên cạnh đó tình trạng nhiễm trùng được đẩy lui. Theo dự kiến, bệnh nhân sẽ được ra viện trong vài ngày tới.
Nữ bệnh nhân suy hô hấp, nhiễm trùng huyết do bị sốt mò
Theo VTC News, Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho nữ bệnh nhân 75 tuổi ở An Dương (Hải Phòng) bị sốt mò. Được biết, trước khi đến Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Việt Tiệp - Hải Phòng trong tình trạng sốt cao, tức ngực, khó thở.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, điều trị tại Bệnh viện Việt Tiệp 2 ngày không đỡ nên đã chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Ở Trung tâm Cấp cứu A9, qua thăm khám lâm sàng ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân viêm phổi-suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết và chuyển bệnh nhân đến Trung tâm Hô hấp.
Sau khi thăm khám kỹ, bác sĩ phát hiện một vết loét ở da vùng bẹn bên trái - một tổn thương khá đặc hiệu do mò cắn. Hội chẩn liên khoa, các bác sĩ Trung tâm Bệnh nhiệt đới nhận định đây là bệnh sốt mò, sau đó kết quả xét nghiệm đúng với chẩn đoán ban đầu.
PGS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết đây là ca bệnh điển hình của bệnh sốt mò do mò cắn và truyền vi khuẩn Rickettsiae tsutsugamushi vào cơ thể người với các hội chứng lâm sàng điển hình.
Con mò thường cắn ở vùng kín, vùng da mỏng và có nếp gấp như bẹn, nách, bìu, sau tai, quanh hậu môn,... đầu tiên thường gây tổn thương như nốt phỏng đường kính 0,5-1cm, không đau, không ngứa nên bệnh nhân không để ý đến.
Sau một vài ngày nốt phỏng thường tự vỡ ra, đóng một vảy đen hơi lõm xuống mặt da và xung quanh có gờ đỏ kèm theo tổn thương nổi hạch, phát ban. Một số bệnh nhân bị nặng, biểu hiện suy hô hấp, có bệnh cảnh giống nhiễm khuẩn huyết.
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nên những biến chứng cấp tính như suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm cơ tim, viêm màng não, có thể sốc giảm thể tích và tử vong.
Nam bệnh nhân phải cắt cụt 1/3 chân từ phần đùi
Bệnh viện Việt Đức cho biết tuần trước, đơn vị này tiếp nhận bệnh nhân M.Đ.N (65 tuổi, ở Nga Sơn, Thanh Hóa) được chuyển từ tuyến dưới lên với chẩn đoán nguy cơ cắt cụt chi cao, theo báo An Ninh Thủ Đô. Qua khai thác bệnh sử, người bệnh có tiền sử đau bắp chân nhiều tháng trước nhưng không đi khám bệnh.
Hơn 1 tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân đau cẳng chân nhiều lên, tự điều trị tại nhà nhưng không cải thiện nên đi khám ở bệnh viện tỉnh. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán tê bì, đau nhức, tím vùng cẳng bàn chân trái đổ xuống, thiếu máu bán cấp cẳng bàn chân bên trái, nguy cơ cắt cụt chi cao.
Bệnh nhân sau đó được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức. Sau khi thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức chẩn đoán người bệnh thiếu máu không phục hồi cẳng bàn chân trái, chỉ định cắt cụt đùi. Bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu cắt cụt 1/3 giữa đùi trái, phần chi thể cắt bỏ được chuyển xuống khoa giải phẫu bệnh để làm sinh thiết.
Sau khi ổn định, người bệnh được chuyển từ khu hậu phẫu về khoa Phẫu thuật Chi dưới điều trị tiếp. Hàng ngày, người bệnh được điều dưỡng thay băng, theo dõi tình trạng toàn thân và mỏm cụt. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân được chuyển bệnh viện tỉnh để tiếp tục điều trị và theo dõi hàng ngày.
Đinh Kim(T/h)