Người phụ nữ tử vong vì bệnh dại sau khoảng 1 tháng bị chó cắn
VOV đưa tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do bệnh dại tại địa bàn huyện Chư Sê, nâng tổng số ca bệnh dại tại Gia Lai lên 13 ca, cao nhất cả nước từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, trường hợp tử vong là chị Siu K. (SN 1991, trú tại thôn Phăm Kleo Ngol, xã Bar Măih, huyện Chư Sê). Theo lời người nhà, cách đây khoảng 1 tháng, chị K. đang đi công việc từ thôn Phăm Klăh (xã Bar Măih) về nhà thì bị một con chó chạy rông ngoài đường cắn vào cổ chân trái có vết thương sâu, chảy máu nhiều.
Chị được người nhà chở đến cơ sở y tế tư nhân tại xã Bờ Ngoong (huyện Chư Sê) để xử lý vết thương và được tiêm một mũi thuốc (không rõ chủng loại). Sau đó, bệnh nhân được tư vấn đi tiêm phòng dại nhưng đã không thực hiện.
4 ngày sau, vết thương vẫn còn sưng nề nên bệnh nhân được người nhà đưa đến cơ cở y tế tư nhân lần trước để tiêm thêm một mũi thuốc (không rõ chủng loại).
Ngày 9/12, bệnh nhân có biểu hiện đau đầu, sốt, sợ nước, sợ gió. Ở nhà bệnh nhân không sử dụng thuốc gì.
Sáng 10/12, gia đình đưa bệnh nhân đến khám tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai và được chẩn đoán theo dõi dại lên cơn. Bệnh nhân sau đó chuyển về khoa Bệnh nhiệt đới để điều trị.
Trước tình trạng bệnh ngày càng nặng, người nhà đã ký vào hồ sơ bệnh án và xin đưa bệnh nhân về nhà tại thôn Phăm Kleo Ngol (xã Bar Măih) để tiện chăm sóc. Ngày 11/12, bệnh nhân tử vong tại nhà.
Người đàn ông tê bì tay chân, rơi vào hôn mê sau khi ăn cá nóc
Báo Công Thương dẫn thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới cho biết, khoa Hồi sức tích cực - chống độc vừa tiếp nhận bệnh nhân T.Q.U. (53 tuổi, trú tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) với các triệu chứng tê vùng lưỡi, tê bì tay chân, nói ngọng và rơi vào hôn mê.
Theo lời kể của người nhà, ông U. tự chế biến thịt cá nóc và ăn tại nhà, sau khi ăn khoảng 15 phút thì xuất hiện các triệu chứng nói trên. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy để cấp cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (TP.Đồng Hới).
Tại bệnh viện, ông U. được chẩn đoán hôn mê sâu, chỉ số sinh tồn thấp, đồng tử hai bên giãn, cơ lực toàn thân mất hoàn toàn, tiên lượng rất nặng, có nguy cơ tử vong. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ nỗ lực cấp cứu cho người bệnh. Hiện, người bệnh đã qua cơn nguy kịch, sức khoẻ đang dần hồi phục, tri giác cải thiện và cai thở máy.
Bác sĩ Lê Hồng Nhân - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới chia sẻ, cá nóc chứa loại độc tố có tên tetrodotoxin, tập trung ở các cơ quan nội tạng, da, cơ bụng, túi tinh, đặc biệt trong trứng cá. Tetrodotoxin không bị phân hủy khi nấu chín hay phơi khô, được hấp thụ nhanh chóng qua đường tiêu hóa trong vòng 5 - 15 phút.
Triệu chứng ngộ độc cá nóc ban đầu là hoa mắt, chóng mặt, tê bì vùng mặt, tay chân, sau đó bệnh nhân nhanh chóng bị liệt cơ, suy hô hấp, rất dễ gây tử vong.
"Người dân không nên ăn cá nóc tươi và các sản phẩm từ cá nóc nếu không chắc chắn được chế biến đúng cách. Sau khi ăn cá nóc, nếu có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, tê bì thì nên đến cơ sở y tế gần nhất nhanh nhất có thể để được cấp cứu kịp thời", bác sĩ Nhân khuyến cáo.
Phẫu thuật nội soi lấy sỏi ống mật chủ cho bệnh nhân 66 tuổi
Báo Giáo dục và Thời Đại đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa phẫu thuật cho bệnh nhân Đ.X.T. (66 tuổi, ở phường Cẩm Phú, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) có tiền sử sỏi ống mật chủ.
Gần đây, bệnh nhân ở nhà mệt mỏi, ăn uống kém, đau âm ỉ vùng thượng vị và hạ sườn phải, vàng da, củng mạc vàng nên đến viện kiểm tra. Qua thăm khám và chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ thấy đường mật trong ngoài gan giãn nhiều, ống mật chủ có sỏi kích thước 10mm.
Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng đường mật do sỏi ống mật chủ. Hội chẩn đánh giá bệnh nhân bị viêm túi mật mạn tính, ống mật chủ có sỏi to chỉ định phẫu thuật nội soi cắt túi mật và lấy sỏi ống mật chủ.
Kíp mổ khoa Ngoại do bác sĩ CKI Nguyễn Thanh Phương - Phó Trưởng khoa Ngoại phụ trách phối hợp khoa Gây mê hồi sức thực hiện. Qua các vết rạch nhỏ trên thành bụng, phẫu thuật viên đưa camera cùng dụng cụ nội soi vào ổ bụng kiểm tra thấy túi mật viêm mạn tính, ống mật chủ giãn lớn bên trong chứa sỏi. Sau mổ, sức khoẻ bệnh nhân phục hồi tích cực, tình trạng vàng da, đau hạ sườn phải cải thiện sau vài ngày điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phương cho biết: “Thông thường, các ca cắt túi mật, lấy sỏi ống mật chủ như bệnh nhân T. sẽ không khâu đóng mà phải đặt dẫn lưu Kehr trong quá trình khâu phục hồi ống mật chủ để tránh tình trạng sót sỏi gây tình trạng viêm nhiễm, tái tắc đường mật. Bệnh nhân buộc phải mang theo ống dẫn lưu đó từ 3 – 4 tuần và tự chăm sóc tại nhà, điều đó gây nhiều sự bất tiện, khó khăn cho người bệnh”.
Các bác sĩ đã cải tiến kỹ thuật bằng việc sử dụng máy laser tán sỏi kết hợp ống nội soi mềm trong mổ. Vì vậy, có thể chắc chắn khâu đóng đường mật mà không phải đặt dẫn lưu Kehr.
XEM THÊM: Cô gái ngoài 20 tuổi có hơn 300 viên sỏi thận, nguyên nhân từ thói quen mà nhiều người trẻ mắc phải
Với phương pháp này người bệnh hồi phục nhanh hơn, có thể xuất viện sau mổ từ 3 – 5 ngày thay vì 10 – 12 ngày so với trước đây, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, đỡ đau đớn do không phải mang theo ống dẫn lưu kehr dài ngày.
Theo các bác sĩ, tắc mật do sỏi ống mật chủ có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong đó, có những biến chứng đe dọa tính mạng, như xơ và suy gan, viêm tụy, viêm phúc mạc, nhiễm trùng đường mật, nhiễm khuẩn huyết… Vì vậy, để phòng bệnh sỏi mật và hạn chế sỏi tái phát, bác sĩ khuyến cáo chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, thường xuyên vận động, tẩy giun định kỳ.
Đinh Kim (T/h)