Phẫu thuật cắt kén khí phổi thành công cho bé 13 tháng tuổi
Báo Công Lý dẫn thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết đơn vị này vừa phẫu thuật cắt kén khí phổi thành công cho bé trai 13 tháng tuổi ở huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa). Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng ho, khò khè, thở nhanh, bú kém, sốt cao, co giật.
Trước đây, bệnh nhi đã được xác định bị kén khí phổi bẩm sinh từ lúc 20 ngày tuổi tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, được tư vấn theo dõi, tái khám định kỳ. Trẻ có tiền sử bị viêm phổi tái diễn nhiều lần.
Sau khi nhập viện, bệnh nhi được thở oxy, dùng thuốc hạ sốt, thuốc chống co giật, thuốc kháng sinh, thuốc giãn phế quản. Kết quả chụp CT lồng ngực xác định có một kén khí lớn bội nhiễm (là nang tuyến bẩm sinh) chiếm gần hết thùy dưới phổi phải, có thông với phế quản gốc ở rốn phổi. Nguy cơ kén khí có thể vỡ gây tràn khí, suy hô hấp và đẩy trung thất.
Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định bệnh nhi cần được phẫu thuật sớm, hạn chế vận chuyển bệnh nhi đi xa vì nguy cơ có thể gây vỡ kén khí trên đường vận chuyển dẫn đến suy hô hấp cấp.
Sau một giờ phẫu thuật, thùy phổi chứa kén khí đã được cắt bỏ, giúp bệnh nhi tránh được nguy cơ tái phát kén khí. Các thùy phổi còn lại phát triển và bù trừ phần phổi đã bị cắt bỏ nên vẫn đảm bảo chức năng hô hấp bình thường cho bệnh nhi. Hiện, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định. Việc cắt bỏ kén khí sớm giúp giảm nguy cơ tái diễn viêm phổi nhiều lần.
Tưởng bị trĩ, đi khám mới biết mắc bệnh ung thư
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, khoảng nửa tháng nay, bệnh nhân T.V.B (SN 1961, ở Bắc Sơn, Uông Bí, Quảng Ninh) đi đại tiện thường xuyên có máu đỏ lẫn trong phân nhưng không thấy đau bụng, sốt, hay gầy sút cân. Người bệnh nghĩ do mắc bệnh trĩ nên không đi khám.
Đến ngày 26/12/2022, tình trạng đại tiện ra máu không thuyên giảm, người bệnh đi khám tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, được chỉ định nội soi trực tràng. Qua nội soi các bác sĩ thấy cách rìa hậu môn khoảng 3cm có tổn thương loét sùi kích thước khoảng 30mm, bờ nham nhở, đáy có giả mạc bẩn, mủn bở, sinh thiết 06 mảnh tổn thương gửi giải phẫu bệnh.
Kết quả giải phẫu bệnh là ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa - một dạng của ung thư đại tràng. Người bệnh được chỉ định nhập viện để điều trị.
Tương tự, bệnh nhân N.Đ.L (SN 1946, ở Trung Vương, Uông Bí, Quảng Ninh) bị bệnh trĩ đã nhiều năm. Đợt này, bệnh nhân thường xuyên đại tiện ra máu. Nghĩ vẫn là bệnh trĩ tái phát, người bệnh tự mua thuốc uống, nhưng tình trạng không đỡ. Khi tới viện khám, bệnh nhân được chỉ định nội soi đại trực tràng.
Khi nội soi, các bác sĩ phát hiện tại đại tràng sigma có tổn thương u sùi thâm nhiễm gây chít hẹp một phần chu vi đại tràng trên đoạn dài khoảng 3cm, bệnh nhân được sinh thiết tổn thương gửi giải phẫu bệnh. Kết quả giải phẫu bệnh ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa và được chỉ định nhập viện điều trị.
Nối cẳng chân bị đứt rời cho nam bệnh nhân 41 tuổi
VOV đưa tin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đã thực hiện thành công ca nối cẳng chân bị đứt rời vào chân bị gãy sau một tuần “nuôi” ở chân lành. Cụ thể, nam bệnh nhân M.V.Đ (41 tuổi, trú tại Bình Dương) gặp tai nạn giao thông vào cuối năm 2022.
Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương trong tình trạng tỉnh táo, đứt rời 1/3 cẳng chân phải, phần cơ bị dập nát, không được sơ cứu và bảo quản, dính nhiều dị vật là đất, cát; kèm theo chấn thương ở đầu và ngực khá nghiêm trọng.
Sau khi cấp cứu hồi sức cho bệnh nhân, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình đã hội chẩn khẩn và chỉ định nuôi giữ cẳng chân phần đứt lìa vào chân lành để chờ nối lại giúp người bệnh có cơ hội giữ chân, tránh tàn phế.
Qua hơn 1 tuần “nuôi” ở chân lành, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nối lại cẳng chân đã dập đứt lìa cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật được thực hiện trong vòng 15 giờ. Bác sĩ CKII Võ Thái Trung, Phó Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương là phẫu thuật viên chính của cuộc phẫu thuật.
Theo bác sĩ Trung, để thực hiện ca phẫu thuật thành công, trước tiên bệnh nhân phải có sức khoẻ tốt, các vết thương phải sạch. Trước khi phẫu thuật, các phẫu thuật viên đã nghiên cứu kỹ lưỡng đưa ra các phương án nối ghép, tái tạo cho phần chân đứt lìa được phục hồi hoàn thiện nhất, có chức năng và cảm giác tốt nhất cho người bệnh về lâu dài.
Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân tốt, cẳng chân sau khi được ghép nối trả lại đã ổn định. Người bệnh có thể xuất viện trong thời gian tới. Được biết, kỹ thuật này lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam và là ca ghép chi thứ 2 trên thế giới.
Bác sĩ Trung cho biết, sau khi xuất viện, bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi, khám định kỳ để được tập phục hồi chức năng, từng bước phục hồi các cử động ở cổ chân, bàn chân và các ngón chân. Bác sĩ sẽ đánh giá quá trình lành xương, khả năng đi, đứng, chạy, nhảy…và tiến tới tháo rút các dụng cụ kim loại cố định xương cho bệnh nhân.
Đinh Kim(T/h)