Tin tức đời sống mới nhất ngày 14/11/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 14/11/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Dây chun buộc tóc “kẹt” trong âm đạo bé gái
Dây buộc tóc được gắp ra từ vùng kín bé gái. (Ảnh: Công lý) |
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ 4 tuổi ở Hà Nội vào viện với tình trạng viêm âm đạo nặng.
Khi đến viện khám, bệnh nhân trong tình trạng âm đạo ra dịch có mùi, đã đi khám và điều trị tại bệnh viện khác 3 tháng nhưng không thuyên giảm nên gia đình đưa bé đến bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Qua thăm khám, ThS.BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh - Phó Trưởng khoa Khám chuyên sâu sản phụ khoa & sơ sinh đã phát hiện bé gái có dị vật trong âm đạo. Khi lấy ra là 1 dây chun buộc tóc. Sau đó, bé gái được được kê thuốc để tiếp tục điều trị tại nhà.
Từ trường hợp của bệnh nhi này, BS Thanh khuyến cáo các vị phụ huynh cần chú trọng đến việc giáo dục giới tính cho con từ nhỏ, bằng những kiến thức phù hợp với lứa tuổi.
Thường xuyên ăn gỏi hải sản, bác sĩ gắp ra 50 con sán trong mật
Bác sĩ thăm khám lại cho bệnh nhân sau khi nội soi. (Ảnh: VietnamNet) |
Bệnh nhân Nguyễn V.C. (52 tuổi, trú tại thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) được chuyển vào bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu trong tình trạng đau bụng nhiều vùng thượng vị và hạ sườn phải, sốt cao, nôn.
Qua thăm khám lâm sàng và xét nghiệm, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị nhiễm trùng đường mật cấp, theo dõi sỏi đoạn thấp ống mật chủ. Người bệnh được chỉ định nội soi chụp mật tụy ngược dòng cấp cứu can thiệp lấy sỏi ống mật chủ hoặc đặt stent.
Khi nội soi đường mật, bác sĩ tiếp tục phát hiện đoạn thấp ống mật chủ có nhiều nốt khuyết thuốc cản quang, dùng bóng kéo sỏi khảo sát ống mật chủ, kết quả lấy được ra hơn 50 con sán lá gan nhỏ.
Sau can thiệp, bệnh nhân hồi phục tốt, đang điều trị chống nhiễm trùng và điều trị đặc hiệu diệt sán lá gan nhỏ.
Gia đình cho biết, ông C. thường xuyên ăn gỏi hải sản tươi sống, tần suất 2-3 lần/tháng. Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân nhiễm sán lá gan.
Bé trai bỏng nặng do tự làm thí nghiệm tại nhà
Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận bệnh nhi 14 tuổi (ở Uông Bí, Quảng Ninh) bị bỏng vùng ngực, bụng, đùi và 2 cánh tay.
Bệnh nhi tự dùng cồn để đốt làm thí nghiệm tại nhà và bị bén lửa lên người, gây bỏng nặng. Diện bỏng trên cơ thể của bệnh nhi lớn nhưng gia đình không đưa đến bệnh viện điều trị mà tự đắp thuốc tại nhà.
Khi bệnh nhi có biểu hiện sốc, người nhà mới đưa con vào viện. Trẻ đến khoa Cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, vật vã, sốt 37,8 độ C, khát nước, mắt trũng, các vết bỏng bám bột đen dạng than hoạt tính khô.
Bệnh nhi này đã được truyền dịch, huyết tương, điều trị kháng sinh giảm đau, vận mạch nâng huyết áp… Sau khoảng 12 giờ hồi sức, tình trạng sốc của trẻ tạm ổn định, được chuyển đến viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội) tiếp tục điều trị.
Các bác sĩ khuyến cáo trường hợp bỏng rộng cần đưa đến cấp cứu tại bệnh viện, không tự ý điều trị tại nhà. Bệnh nhân bỏng diện tích lớn và sâu (trên 10%), cơ thể rất dễ gặp tình trạng sốc. Nếu không được kiểm soát, người bệnh có nguy cơ tử vong cao. Bên cạnh đó, người dân cần thận trọng khi sử dụng các chất đốt như cồn, xăng dầu.
Việt Hương (T/h)