Tin tức đời sống mới nhất ngày 13/12/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 13/12/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Bộ trưởng trẻ nhất Malaysia đi tàu ngầm đến xem chung kết AFF Cup
Syed Saddi, Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia, thu hút sự chú ý của cư dân mạng xã hội với bức ảnh chụp anh đang trên tàu điện ngầm tới sân vận động Bukit Jalil để xem trận chung kết giữa đội tuyển Malaysia và Việt Nam hôm 11/12.
Hình ảnh bình dị của Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia được cư dân mạng khen ngợi. Ảnh chụp màn hình Twitter. |
Trên trang Instagram cá nhân, Bộ trưởng Syed Saddi đăng hình ảnh anh, trong trang phục áo đấu đang đứng cùng nhiều fan bóng đá khác trên tàu điện ngầm di chuyển tới sân vận động Bukit Jalil ở Kuala Lumpur.
Kèm theo bức ảnh là dòng chú thích: “Đừng lãng phí thời gian của bạn, đừng hút thuốc. Hãy vui vẻ và hãy hét to lên để cổ vũ đội nhà Malaysia”.
Bức ảnh lập tức thu hút sự chú ý của cư dân mạng và nhận được 200.731 lượt thích cho tới thời điểm hiện tại. Phần lớn các bình luận đều khen ngợi sự bình dị, hòa đồng với người dân của bộ trưởng trẻ tuổi. “Anh ấy mặc áo đấu, đi tàu điện ngầm như chúng tôi. Thật dễ thương”, hay “Anh ấy nổi tiếng thân thiện” là hai trong hàng ngàn bình luận về bức ảnh.
Cứu sống nam thanh niên bị đạn bắn xuyên cổ
Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước cho biết, chiều ngày 10/12, bệnh nhân H.S.H (sinh năm 1993) nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, có vết thương cổ phải do đạn bắn.
Bệnh nhân được khâu cầm máu, hồi sức tích cực và chuyển mổ cấp cứu.
Hình ảnh viên đạn được lấy ra. |
Trong quá trình phẫu thuật, phát hiện thấy động mạch cảnh chung bên phải đứt gần hoàn toàn. Tiến hành kẹp động mạch, cắt lọc, khâu nối động mạch đứt.
Dị vật là viên kim loại kích thước khoảng 0,5x1cm.
Cụ ông 78 tuổi suýt tử vong vì vỡ động mạch
Bệnh nhân Trịnh Mạnh K. (78 tuổi, ở Hà Tĩnh) đột ngột xuất hiện cơn đau bụng dữ dội giữa đêm và được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Hà Tĩnh, được chẩn đoán phình động mạch chủ bụng bị vỡ, đe doạ tử vong nhanh.
Ngay lập tức, Bệnh viện Hà Tĩnh điều xe cấp cứu, chuyển thẳng bệnh nhân tới Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An trong tình trạng truỵ mạch, niêm mạc nhợt nhạt, huyết áp tụt thấp.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật điều trị vỡ động mạch cho bệnh nhân. |
Bệnh nhân nhanh chóng được siêu âm cấp cứu tại gường, bác sĩ phát hiện hình ảnh tổn thương phình động mạch chủ bụng dưới động mạch thận, lan xuống hết động mạch chậu gốc 2 bên.
Kích thước khối phình 9,3 cm (gấp 5 lần kích thước động mạch chủ bình thường), kéo dài 15 cm, có nhiều huyết khối bám thành lấp kín lòng mạch, trong ổ bụng có nhiều dịch nghi dịch máu.
Chẩn đoán khối phình động mạch chủ bụng đã vỡ, nguy cơ tử vong nhanh do mất máu nếu không được xử trí kịp thời, cuộc hội chẩn chuyên khoa Cấp cứu, Ngoại Lồng ngực mạch máu, Gây mê, Hồi sức Ngoại, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc bệnh viện quyết định chuyển bệnh nhân phẫu thuật khẩn cấp.
"Chúng tôi nhanh chóng kiểm soát, kẹp cổ đầu trên và đầu dưới túi phình cầm máu, cắt bỏ túi phình, ghép thay đoạn ĐMC bụng – động mạch chậu 2 bên bằng mạch máu nhân tạo. Mọi thao tác của ê kíp phẫu thuật cần nhanh chóng để phục hồi động mạch, kịp tưới máu chi dưới tránh hoại tử". Thạc sỹ Phạm Văn Chung, Khoa ngoại Tim mạch - Lồng ngực, phẫu thuật viên chính ca mổ nhận định.
Quá trình hồi sức sau mổ tại khoa Hồi sức Ngoại khoa cho bệnh nhân bị vỡ phình động mạch chủ cũng vô cùng khó khăn, gian nan. Truyền bù hơn 5 lít máu toàn cơ thể, bệnh nhân dễ xảy ra tình trạng rối loạn chức năng đông máu, suy gan, suy thận.
Nguy cơ bệnh nhân đe doạ tử vong luôn hiện hữu, nhưng sau 10 ngày được bác sĩ theo dõi sát, hồi sức hậu phẫu, bệnh nhân đã tỉnh, không sốt, huyết động và các chỉ số xét nghiệm máu, sinh hoá đã ổn định, sức khỏe khả quan.
Theo nhận định của bác sĩ Chung, bệnh nhân được cứu sống là nhờ sự phối hợp tuyến hiệu quả giữa 3 bệnh viện: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An và Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Ngay khi gặp ca bệnh khó, Bệnh viện Hà Tĩnh đã gọi xin hỗ trợ tuyến trên; và trọng trách cứu sống bệnh nhân đã được các “thầy” Bạch Mai đặt vào bàn tay phẫu thuật của bác sỹ bệnh viện Nghệ An.
Với 1 ca cấp cứu tối khẩn như vỡ động mạch, bệnh nhân không có cơ hội sống để vượt qua 350 km ra tới thủ đô. Nhưng chỉ với 50 km tới TP. Vinh, bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật mạch máu đã cứu được bác đầy kỳ tích.
Thợ hồ lở loét tứ chi nguy kịch do nhiễm não mô cầu
Hơn một tháng qua, anh Mến phải điều trị ở rất nhiều bệnh viện vì tình trạng lở loét, nhiễm trùng huyết rất nặng.
Theo lời người nhà bệnh nhân, sáng 3/11 khi chuẩn bị đi làm, anh Mến lên cơn sốt cao và hai chân yếu dần. Khi gia đình đưa đến Bệnh viện Quân đoàn 4 (Bình Dương), các bác sĩ phát hiện anh nhiễm não mô cầu đã biến chứng xuất huyết. Ngay lập tức anh được chuyển cấp cứu lên tuyến trên.
Trong thời gian chuyển viện, anh Mến hộc máu ở mũi, miệng và tai, các bác sĩ phải liên tục xử lý để giữ tính mạng cho bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.Hồ Chí Minh), anh Mến phải điều trị não mô cầu trong phòng cách ly nhiều ngày. Đến tuần thứ ba sau khi nhập viện, tình trạng bệnh nhân nặng hơn do vi khuẩn làm tắc mạch máu và hoại tử cơ tay, chân.
Chân bệnh nhân lở loét nặng nề. |
Bệnh nhân được đưa sang Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.Hồ Chí Minh để tháo khớp ngón 3-4-5 tay phải, rồi chuyển tiếp đến Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8, TP.Hồ Chí Minh).
Bác sĩ Lê Hồng Phong, khoa Ngoại Chỉnh hình, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân thông tin, thời điểm nhập viện sau khi tháo khớp ngón tay, bệnh nhân bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết, có biến chứng hoại tử da cẳng tay, cẳng chân hai bên, da đùi.
Bệnh nhân được chăm sóc, vệ sinh vết thương và nâng đỡ thể trạng. Đến 10/12, bệnh nhân Mến trải qua cuộc ghép da đầu tiên.
Dự kiến sau khi ổn định sức khỏe, anh Mến sẽ tiếp tục được ghép da lần hai. Khoảng thời gian này kéo dài ít nhất một tháng. Chi phí mổ khoảng 8-9 triệu đồng còn viện phí mỗi ngày khoảng 700 ngàn đồng.
Bà Tống Thị Kim Thanh (48 tuổi), mẹ bệnh nhân cho biết, số tiền này không phải quá nhiều nhưng cũng vượt quá khả năng chi trả của gia đình. Anh là lao động chính trong nhà. Hiện anh vẫn còn lo cho con trai 9 tháng tuổi và người cha già gần 70 tuổi.
“Con tôi cùng vợ lên Bình Dương làm thợ hồ được 4 năm. 9 tháng trước, vợ nó về quê sinh con thì vỡ tử cung mất trên bàn sinh. Nó một mình nuôi con. Nhưng giờ con tôi bệnh nặng, cháu nội còn thơ dại, gia đình vay mượn nhiều nơi để tạm ứng viện phí cho con nhưng về lâu dài không thể kham nổi”, bà Thanh vừa khóc vừa kể.
Theo các bác sĩ, não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Biểu hiện lâm sàng thường gặp là viêm màng não mủ hay nhiễm khuẩn huyết. Bệnh có thể bị sốc và dẫn đến thiệt mạng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bệnh có ba thể là viêm mũi họng, thể nhiễm khuẩn huyết và thể viêm màng não mủ.
Thu Hằng (T/h)