Cơ thể bé trai 10 tuổi đầy vết thương vì bị sứa đốt
Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo Nhi, khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết khoa đang tiến hành điều trị cho một bệnh nhi ở Hà Nội có nhiều vết thương do sứa đốt, theo báo Phụ Nữ Việt Nam.
Trước đó, bệnh nhi được đưa đến viện trong tình trạng cơ thể có nhiều vết thương sâu, nhiều giả mạc tập trung ở phần ngực và cánh tay trái. Theo lời kể của gia đình, khoảng 2 tuần trước khi vào viện, bệnh nhi có nổi bọng nước ở tay nên gia đình đã tự đi mua thuốc về bôi cho bé nhưng không đỡ.
Tình trạng ngứa mỗi lúc một dữ dội hơn khiến bệnh nhi chà xát, gãi liên tục dẫn đến vỡ bọng nước, lở loét. Bệnh nhi điều trị tại bệnh viện tuyến cơ sở 7 ngày, sau đó mới lên Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám.
Qua kiểm tra, các bác sĩ nhận thấy tình trạng viêm da tiếp xúc thường gặp do sứa gây ra với nhiều vết loét. Gia đình cho hay trước đó bệnh nhi từng đi tắm biển nhưng không biết đã chạm vào sứa. Các bác sĩ tiến hành làm sạch, băng bó và chăm sóc vết thương hàng ngày, điều trị tích cực bằng thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamin… giúp bệnh nhi đỡ ngứa, sức khỏe cải thiện dần.
Bệnh nhân suýt phải cắt bỏ chân vì bị tắc mạch chi dưới
Ngày 11/5, báo Nhân Dân đưa tin về trường hợp của bệnh nhân Đ.V.T (64 tuổi, ngụ Đồng Nai). Theo đó, người bệnh mắc COVID-19, đã điều trị khỏi bệnh gần 1 tháng. Tuy nhiên, từ sau khi khỏi COVID-19, bệnh nhân thường có cảm giác nhức mỏi chân, nghĩ do đau nhức xương khớp nên chỉ dùng dầu xoa bóp hàng ngày.
Mãi đến khi chân sưng phù, bầm tím, đi lại khó khăn và có dấu hiệu lở loét, người nhà vội vàng đưa bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám. Tiếp nhận bệnh nhân, ekip các bác sĩ nhanh chóng xử trí vết thương, chỉ định dùng thuốc kháng đông và kịp thời phẫu thuật loại bỏ cục máu đông gây tắc mạch chi dưới.
Người bệnh được thông mạch máu bằng kỹ thuật bắc cầu, sử dụng máy tạo áp lực âm để hút máu rồi thoát lưu, cắt bỏ phần cơ hoại tử.
Theo TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch-Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bệnh nhân vào viện ở giai đoạn nặng nhất nhưng được cứu chữa kịp thời, giữ lại bàn chân. Nếu chậm trễ hơn, chi dưới hoại tử nặng thì các bác sĩ buộc phải chọn phương án cắt cụt chân để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân.
Cứu bé sơ sinh nguy kịch do nhịp tim nhanh bất thường
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh vừa cứu sống bé N.T.M (2 ngày tuổi, trú tại xã Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) bị suy hô hấp, cuồng nhĩ bẩm sinh (rối loạn nhịp tim) hiếm gặp.
Trước đó, vào ngày 27/4, qua siêu âm khám thai, bệnh nhi được phát hiện nhịp tim thai nhanh nên phải mổ cấp lấy thai ở một bệnh viện tại Hà Tĩnh. Thời điểm chào đời, bệnh nhi có biểu hiện quấy khóc nhiều, bú kém, nhịp tim nhanh, có cơn tím, thở gắng sức.
Lúc này, bệnh viện ở Hà Tĩnh quyết định chuyển bệnh nhi đến cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Bệnh nhi nhập viện vào ngày 28/4 trong tình trạng phải thở oxy, da tái, nhịp tim nhanh 200-240 chu kỳ/phút (cao hơn nhịp tim bình thường của trẻ sơ sinh).
Sau khi tiến hành thăm khám, xét nghiệm, mắc điện tâm đồ, siêu âm tim có giảm nhẹ chức năng thất trái EF 55%, bệnh nhi được chẩn đoán suy hô hấp/ cuồng nhĩ. Tình trạng của bệnh nhi vô cùng nguy hiểm, nếu không cấp cứu và can thiệp kịp thời thì sẽ có nguy cơ suy tim và tử vong.
Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh lập tức hội chẩn với các bác sĩ khoa Tim mạch, trực lãnh đạo và các chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương, sau đó quyết định tiến hành sốc điện chuyển nhịp.
Sau sốc điện, nhịp tim của bệnh nhi trở về nhịp xoang, tần số 130 – 135 chu kỳ /phút, trẻ tiếp tục được sử dụng thuốc duy trì nhịp tim, theo dõi, chăm sóc sát sao. Sau 9 ngày được can thiệp, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, trẻ tự thở, bú tốt, thể trạng khá, tim nhịp xoang, 130 – 140 chu kỳ/phút, trẻ được xuất viện về nhà.
Đinh Kim(T/h)