Tin tức đời sống mới nhất ngày 12/5/2020. Cập nhật tin đời sống mới ngày 12/5/2020 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Tội phạm vượt ngục trót lọt nhờ vào chiếc khẩu trang
Jahquez Scott (trái) và Quintin Henderson (phải). |
Cuối tuần vừa rồi, lẽ ra phạm nhân với tội danh ma túy Quintin Henderson, 28 tuổi, sẽ được thả khỏi nhà tù quận Cook, Chicago (Mỹ) nhưng anh ta lại có một quyết định ngu ngốc.
Henderson quyết định cung cấp thông tin cá nhân của mình cho một tù nhân khác, Jahquez Scott, 21 tuổi, để đổi lấy lời hứa 1.000 đô la.
Vì tất cả các tù nhân đều được yêu cầu đeo khẩu trang để tránh nhiễm vi-rút Sars Cov-2, nên Scott đã dễ dàng sử dụng tên đầy đủ và thông tin cá nhân của Henderson để thoát ra ngoài, nhân viên trại giam cho biết.
"Scott, 21 tuổi, đeo khẩu trang, sau đó sử dụng tên đầy đủ và thông tin cá nhân của Henderson để đóng giả là Henderson ra ngoài trong khi Henderson vẫn bị giam", văn phòng cảnh sát trưởng quận Cook nói trong một tuyên bố.
Nhân viên trại giam đã nhận ra sự khác biệt khi họ không có giấy tờ của Henderson lúc anh ta cung cấp thông tin của mình để được trả tự do. Một cuộc điều tra nội bộ được tiến hành và cuộc tìm kiếm đang hướng đến Scott.
Jahquez Scott, người có hồ sơ mang tội danh tấn công nghiêm trọng cảnh sát, sở hữu chất cấm và là tội phạm hình sự, có phí bảo lãnh ở mức 50.000 USD vì tội sử dụng trái phép vũ khí, được yêu cầu phải giám sát điện tử nếu anh ta được bảo lãnh, giờ đang lang thang trên đường phố như một người đàn ông tự do nhờ một phần không nhỏ vào đại dịch Covid-19.
Về phần Henderson, thay vì ra tù, anh ta đã giúp đỡ một tù nhân khác bằng cách cho phép Scott sử dụng danh tính của mình, phí bảo lãnh của anh ta được đặt lên mức 25000 USD.
Theo văn phòng cảnh sát trưởng, anh ta được lệnh giam giữ không cho bảo lãnh vì tội xâm phạm quyền bảo lãnh của mình trong vụ án ma túy ban đầu. Vì vậy, lời hứa 1.000 USD không có khả năng thành hiện thực sớm.
Văn phòng Cảnh sát trưởng Hạt Cook được một thẩm phán liên bang ra lệnh cung cấp khẩu trang cho tất cả các tù nhân trong đại dịch corona.
3 người bị ngộ độc nấm ở Quảng Ngãi đã tử vong
Sau hơn một tuần điều trị, chị N. cùng chồng và con đều không qua khỏi - Ảnh: Hà Sơn |
Chiều 11/5, bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, xác nhận anh T. (39 tuổi) và vợ là chị N. (38 tuổi, cùng ngụ xã Sơn Tân, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) đã tử vong. Bệnh nhân N. tử vong vào ngày 8/5 còn bệnh nhân T. tử vong ngày 10/5.
Hơn một tuần điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng, con của 2 bệnh nhân là Đ.V.S. (12 tuổi) cũng không qua khỏi và được người thân đưa về quê an táng hôm 10/5.
Trước đó, ngày 4/5, anh T. cùng vợ và con được người thân chuyển ra các bệnh viện ở Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng ngộ độc nặng. Theo lời kể của người thân, chiều 2/5, gia đình anh T. vào rẫy hái nấm có màu trắng để về chế biến món ăn.
Sau đó, anh T., chị N. và cháu S. có biểu hiện đau bụng, nôn mửa ra máu, chóng mặt, đi ngoài phân lỏng nên được mọi người chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Những người còn lại không ăn nấm nên không bị ngộ độc.
Súng kíp phát nổ bắn 5 viên đạn vào cổ tay người đàn ông
Hình ảnh chụp Xquang cho thấy nhiều mảnh đạn chì lớn găm vào cổ tay nam bệnh nhân. |
Ngày 11/5, thông tin từ bệnh viện Trường Đại Học Y Khoa Vinh cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật lấy nhiều mảnh đạn bằng chì từ cổ tay của một nam bệnh nhân. Vết thương của đã ổn định sau phẫu thuật.
Trước đó, anh Lô Văn Th. (27 tuổi, trú tại xã Lạng Khê, Con Cuông, Nghệ An) sang nhà bạn chơi, thấy khẩu súng kíp gác trên mái nhà nên kéo xuống xem. Bất ngờ súng nổ, 5 viên đạn bắn thẳng vào cổ tay phải của anh.
Bệnh nhân tự băng bó vết thương tại nhà. 1 ngày sau, bệnh nhân đến bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ phát hiện anh Th. bị vỡ đầu dưới xương quay, tổn thương cung động mạch gan tay sâu, không tổn thương gân gấp duỗi và các dây thần kinh.
Trong cổ tay anh Th. còn 4 mảnh đạn lớn bằng chì và nhiều mảnh kim loại nhỏ khác, 1 viên lớn đã xuyên từ trước ra sau.
Tuy nhiên do nhập viện muộn, tổn thương động mạch dù đã được băng bó tốt nhưng chất độc trong đạn súng kíp đã làm bàn tay phải của bệnh nhân sưng nề, bầm tím. Các bác sĩ phải lấy hết các mảnh đạn và chất độc, cắt lọc sạch vết thương, ghép lại mảnh xương vỡ, thắt động mạch bị đứt do quá thời gian có thể nối.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng được cho dùng kháng sinh liều cao để chống nhiễm trùng, chống nguy cơ bị uốn ván và nhiễm khuẩn. Hiện bàn tay phải của anh Th. đã hết sưng, các ngón đủ tuần hoàn nuôi dưỡng nên hồng hào trở lại, cử động các ngón phục hồi 100%.
Cứu sống người đàn ông nguy kịch do ngộ độc cua lạ
Hình ảnh cua mặt quỷ. |
Sáng 11/5, BS.CK2 Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc chuyên môn bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BV ĐKTW CT) cho biết, các bác sĩ bệnh viện đã cấp cứu thành công trường hợp bệnh nhân nguy kịch do ngộ độc cua lạ được chuyển đến từ Trung tâm Y tế (TTYT) Quân dân Y Côn Đảo.
Vào lúc 9h30 ngày 08/5, BV ĐKTW CT nhận điện thoại từ TTYT Quân dân Y Côn Đảo về việc chuẩn bị chuyển viện bệnh nhân L.V.M (34 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) bị ngộ độc cua lạ trong tình trạng nguy kịch, hôn mê được chuyển về bằng đường hàng không, dự kiến sẽ hạ cánh vào lúc 12h tại sân bay Cần Thơ.
Bệnh nhân được xe cấp cứu đón từ sân bay, chuyển thẳng đến BV ĐKTW CT nhập viện vào lúc 12h55 cùng ngày trong tình trạng suy hô hấp, hôn mê sâu, đồng tử 2 bên 4mm, liệt tứ chi. Nhận định ban đầu là ngộ độc thức ăn vào giờ thứ 16, tiên lượng rất nặng.
Sau 2 giờ cấp cứu và điều trị nội khoa tích cực theo phác đồ chống độc của bệnh viện, bệnh nhân bắt đầu có phản xạ đáp ứng kích thích và tỉnh táo dần dù vẫn còn suy hô hấp cần hỗ trợ thở máy. Sáng 11/5 tình trạng bệnh nhân có tiến triển tốt, bệnh tỉnh, tiếp xúc tốt, vận động tứ chi bình thường.
Theo người nhà, bệnh nhân đang làm việc tại Côn Đảo. sau khi ăn hai càng cua lạ được 10 phút thì xuất hiện cảm giác tê đầu lưỡi, tê hai tay hai chân, khó thở, nên đã chủ động nôn thức ăn ra và đến ngay TTYT Quân dân Y Côn Đảo cấp cứu.
Theo hình ảnh được chụp lại của người thân bệnh nhân, loài cua lạ mà bệnh nhân ăn có tên khoa học là Zosimus aeneus (tên thường gọi là cua mặt quỷ). Cua mặt quỷ thường sinh sống tại các rặng san hô từ khu vực Nam Phi đến đảo Hawaii. Tại Việt Nam, loài cua này thường được tìm thấy tại vùng biển từ Đà Nẵng đến Bà Rịa- Vũng Tàu.
BS.CK2 Dương Thiện Phước - Trưởng Khoa Hồi Sức Tích Cực bệnh viện cho biết, trong vỏ và thịt loài cua này đều có chứa độc tố thần kinh gồm Tetrodoxin và Saxitoxin. Cả hai chất này đều được hấp thu nhanh chóng qua đường tiêu hóa trong vòng 5-15 phút, nồng độ đỉnh đạt sau 20 phút và được thải hầu hết qua nước tiểu. Chỉ cần ăn phải 0,5 gram thịt loài cua này có thể khiến một người trưởng thành tử vong.
Quỳnh Chi(T/h)