Tin tức đời sống mới nhất ngày 12/1/2019. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 12/1/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Vòng 1 biến dạng sau 3 ngày bơm mỡ nhân tạo nâng ngực
Ngày 11/1, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ vừa phẫu thuật thành công 1 trường hợp biến chứng hoại tử ngực nghiêm trọng do bơm mỡ nhân tạo để nâng ngực.
Trước đó, chị T.M.N. (31 tuổi, quê Sóc Trăng) được bạn giới thiệu đến cơ sở thẩm mỹ viện ở tỉnh An Giang để nâng ngực.
3 ngày say, chị N. cảm thấy hai vú bắt đầu sưng đau, co cứng, đau nhức. Lúc này, chị N. đến khám cấp cứu và nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng 2 vú căng cứng sưng đỏ sậm toàn bộ, hoại tử da, biến dạng, nhiều lổ rò dịch đục xung quanh vú.
Bác sĩ phẫu thuật vòng 1 của bệnh nhân bị hoại tử. |
Sau khi nhập viện, chị được bác sĩ khám, kiểm tra và chẩn đoán Abcess, hoại tử vú, mô tuyến vú hai bên sau bơm mỡ nhân tạo. Bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân phẫu thuật cấp cứu.
Do mô hoại tử xâm lấn xuống cơ ngực lớn, hai vú được can thiệp lấy bỏ gần như hoàn toàn da và mô tuyến vú (hoại tử) và được đặt hút áp lực âm liên tục vết mổ.
Theo bác sĩ CKII. Tần Ngọc Sơn, Trưởng khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ cho biết, gần đây Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng do bơm trực tiếp mỡ nhân tạo vào các cơ quan như ngực, mông, môi… để làm đẹp.
Mỡ nhân tạo thực chất là silicon khi tiêm vào cơ thể sẽ không khu trú tại một vị trí mà len lỏi vào các tổ chức mô, cơ quan tạo ra các u silicon nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như tắc mạch, hoại tử, thậm chí một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong.
Nhiều học sinh nhập viện sau súc miệng phòng sâu răng
Trưa 11/1, bác sĩ Huỳnh Văn Tạo, Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau xác nhận, đơn vị vừa tiếp nhận 45 em học sinh trường tiểu học Khánh Bình (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) vào kiểm tra, điều trị nghi do bị ngộ độc Flour. Triệu chứng của những em này là nôn ói, đau bụng, vật vã…
Theo bác sĩ Tạo, 17 em học sinh có triệu chứng nôn ói, đau bụng dữ dội nên phải truyền nước. Còn lại một số em có biểu hiện nhẹ, bác sĩ của bệnh viện cho uống sữa, nằm theo dõi. Hiện tại, tình trạng sức khỏe các em học sinh đều tạm ổn.
Các em học sinh nhập viện có cùng triệu chứng như đau bụng, nôn ói,.. |
Trước đó, sáng 11/1, sau khi súc miệng bằng dung dịch Flour để phòng ngừa sâu răng, các em học sinh trường tiểu học Khánh Bình (huyện Trần Văn Thời) bất ngờ có biểu hiện nôn ói, đau bụng, vật vã,… nên các giáo viên của trường đưa các em vào bệnh viện kiểm tra, điều trị.
Theo bác sĩ Tạo, qua chẩn đoán ban đầu, bác sĩ kết luận theo dõi tình trạng ngộ độc Flour.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thạnh, Phó Giám đốc phụ trách điều hành trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời thông tin: Chương trình nha học đường là chương trình cho học sinh súc miệng bằng dung dịch Flour để phòng ngừa sâu răng.
Theo bác sĩ Thạnh, hàng tuần, các em học sinh được súc miệng bằng dung dịch Flour 1 lần/tuần. Tuy nhiên, cô phụ trách y tế học đường mới nghỉ hộ sản nên giao lại cho một thầy (chưa được tập huấn) cho các em học sinh uống. Quá trình pha dung dịch là đảm bảo đúng quy định.
“Trong quá trình hướng dẫn cho các em học sinh uống, thầy này hướng dẫn chưa kỹ nên có một số em sau khi súc miệng bằng dung dịch không súc miệng lại bằng nước mà uống luôn, còn một số em tự động nuốt nước súc miệng nên xảy ra chuyện”, bác sĩ Thạnh cho biết.
Do còn một số em được giáo viên, gia đình chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh nên chưa thống kê chính xác số lượng các em bị nghi ngộ độc Flour.
Cô gái Trung Quốc 19 tuổi tử vong khi nâng mũi
Theo News.Sina, ngày 3/1 Xia Lisha đến Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Limeikang, ở Quý Châu, để nâng mũi. Bác sĩ đã thực hiện một số kiểm tra trước phẫu thuật cho cô, kết quả hoàn toàn bình thường. Năm 2017, Xia cũng chỉnh sửa mũi lần đầu tiên.
"Chi phí phẫu thuật nâng mũi khoảng 20.000 nhân dân tệ. Để đảm bảo an toàn, gia đình đã trả hơn 5.000 nhân dân tệ và giám đốc bệnh viện là Zhang Ziyi trực tiếp phẫu thuật", mẹ Xia cho biết.
Trong quá trình phẫu thuật, cô gái bị sốt cao, nhịp tim tăng mạnh và co thắt cơ nghiêm trọng. Ca phẫu thuật bắt đầu từ 13h nhưng đến 18h khi kết thúc Xia vẫn chưa tỉnh. Cơ thể của cô lạnh và Xia không thở được. Các nhân viên thông báo cô gái bị phản ứng với thuốc mê.
Xia được chuyển đến Bệnh viện Y khoa Quý Châu cấp cứu. Bác sĩ nhanh chóng thực hiện hồi sức tim phổi CPR để cấp cứu nhưng sau nửa giờ cô vẫn không có phản ứng.
Xia được bác sĩ xác nhận đã qua đời.
Di ảnh của Xia. Ảnh: News.Sina |
Theo các bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến cái chết của Xia là do tăng thân nhiệt ác tính, tình trạng cơ thể phản ứng nghiêm trọng với một số loại thuốc gây mê trong phẫu thuật. Bệnh nhân được chuyển đến viện quá muộn nên không thể cứu chữa.
Tăng thân nhiệt ác tính xảy ra với tỷ lệ một trong 5.000-50.000 trường hợp sử dụng các loại khí gây mê. Hầu hết trường hợp do di truyền.
Các dấu hiệu phản ứng tăng thân nhiệt ác tính bao gồm: nhiệt độ cơ thể cao một cách nguy hiểm, co thắt cơ nghiêm trọng và nhịp tim nhanh.
"Tăng thân nhiệt ác tính có thể không kích hoạt phản ứng trong lần phẫu thuật đầu tiên. Tuy nhiên, nguy cơ bị phản ứng cho các lần phẫu thuật sau có thể xảy ra", bác sĩ cho biết.
Các bác sĩ khuyến cáo nếu gia đình có tiền sử bị tăng thân nhiệt ác tính hoặc một thành viên gặp vấn đề khi gây mê, cần báo với bác sĩ trước khi phẫu thuật. Thông tin này giúp bác sĩ chuẩn bị và đáp ứng nhanh chóng với các phản ứng có thể xảy ra trong quá trình mổ.
Hiện nay, thuốc Dantrolene (Dantrium) được sử dụng để điều trị các phản ứng. Chườm nước đá, chăn làm mát và quạt cũng có thể được sử dụng để giảm nhiệt độ cơ thể.
Thu Hằng(T/h)