Tin tức đời sống mới nhất ngày 8/1/2019. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 8/1/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Bị đỉa chui vào mũi sống suốt 3 tháng
Thông tin Trung tâm Y tế huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết: Các bác sĩ vừa gắp một con đỉa suối, sống ký sinh trong mũi của bệnh nhân.
Con đỉa dài 5cm sống ký sinh trong mũi bệnh nhân |
Theo đó, sáng ngày 7/1, anh Vi Văn Thái (trú tại xã Lưu Kiền) đến Trung tâm y tế huyện Tương Dương kiểm tra vì bị chảy máu mũi nặng.
Tại đây, các bác sĩ phát hiện có dị vật trong mũi của bệnh nhân. Tiến hành nội soi, bác sĩ gắp ra một con đỉa dài khoảng 5 cm, vẫn còn sống.
Bệnh nhân cho biết, trước đó vào khoảng tháng 10/2018, anh có vào khe suối và có rửa mặt, uống nước suối. Sau 10 ngày trở về, thấy mũi chảy máu nhưng anh Vi Văn Thái không đi khám. Đến khi tình trạng chảy máu ngày càng nhiều và nặng thì mới đến bệnh viện kiểm tra.
Theo các bác sĩ, dị vật này thường sống trong môi trường nước tại các khe suối. Khi người dân tắm hoặc uống trực tiếp nước suối rất dễ bị đỉa chui vào người. Sau khi chui vào cơ thể, đỉa sống ký sinh bằng cách hút máu và to dần lên, gây nguy hiểm cho người bệnh.
Nuốt phải răng giả vì ho khi đi xe máy
Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhân Dân 115 vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam, 35 tuổi, nhà ở Hóc Môn, nhập viện vì sặc.
Trước đó, bệnh nhân đang chạy xe máy thì bị ho, văng răng giả và sặc sau đó. Bệnh nhân nhập viện bệnh viện Hóc Môn và được chuyển viện Bệnh viện Nhân Dân 115.
Chiếc răng giả được lấy ra khỏi khí quản bệnh nhân. |
Tại khoa Cấp cứu tổng hợp, bệnh nhân được chụp X quang ngực thẳng, ghi nhận có hình ảnh cản quang dạng chữ S, vị trí khí quản-carina và một phần nằm phế quản gốc phải.
Bệnh nhân được chuyển khoa Hô hấp nội soi phế quản cấp cứu. Tại đây, trong quá trình nội soi phế quản các bác sĩ ghi nhận đoạn cuối khí quản - carina thấy dị vật là răng giả có móc kim loại bám vào niêm mạc khí quản và một phần dị vật ở phế quản gốc phải. Bệnh nhân được gắp dị vật qua nội soi, kiểm tra không ghi nhận tổn thương khí phế quản sau gắp, và bệnh nhân được xuất viện sau đó.
Đoàn tụ gia đình sau 32 năm nhờ Facebook
Michelle Cehn, 31 tuổi, gặp Greg Hicks, 57 tuổi, người không biết tới sự tồn tại của con gái mình cho tới khi Michelle theo dõi ông qua mạng xã hội. Trước đó, Michelle cũng tìm được mẹ ruột của mình theo cách tương tự.
Michelle sinh ra ở New York vào tháng 10/1986 và được Joan Cehn, 68 tuổi, một nhà nghiên cứu các bệnh về ngôn ngữ và Joel Cehn, 71 tuổi, một nhà vật lý hạt nhân, nhận nuôi.
Theo Michelle, cô có một tuổi thơ hạnh phúc ở thành phố Oakland, bang California nhưng luôn mơ ước được gặp cha mẹ ruột.
Với sự giúp đỡ của mẹ nuôi, Michelle đã tìm thấy mẹ ruột của mình, Diane, 54 tuổi, vào năm 2009, sau khi tình cờ trông thấy một bản cáo phó của gia đình trên mạng.
Bà Diane nói với Michelle rằng bà không biết cha ruột của con gái là ai và bà đã đưa con cho người khác nuôi vì không thể nuôi một đứa trẻ sơ sinh ở tuổi 23.
Michelle đã mời mẹ ruột tới dự đám cưới của mình với chồng là Dan Miller, 31 tuổi, nhưng chưa bao giờ Michelle ngừng ý định tìm kiếm cha đẻ.
Cô cũng gửi ADN tới các trang web cây phả hệ nhưng ban đầu chỉ có được thông tin về những người anh em họ hàng xa. Mãi tới tháng 4 năm ngoái, cô mới tìm được một người họ hàng gần bên phía cha đẻ của mình.
Michelle sau đó theo dõi Greg Hicks, 57 tuổi, một chuyên gia phát triển kinh doanh mà cô tin là cha ruột của mình, trên Facebook.
Sau khi kết nối các thông tin, Greg xác nhận Michelle là con gái của mình thông qua xét nghiệm quan hệ cha con và hai người sau đó gặp nhau tại sân bay Orange County, bang California.
“Thật phấn khích khi thấy ông ấy chạy về phía tôi. Ông ấy nhảy lên một khối bê tông và ôm chầm lấy tôi vào lòng. Thật tuyệt vời”, Michelle nói. “Tôi đã dành cả tuần để gặp gỡ các thành viên gia đình và điều đó thật đặc biệt. Tôi lập tức cảm thấy như ở nhà. Đây đúng là trải nghiệm tuyệt vời”.
Michelle hiện rất hạnh phúc khi tìm thấy cha ruột Greg Hicks |
Cứu sống ca mẹ mang ngôi thai ngược
Ngày 7/1, Bệnh viện (BV) Hoàn Mỹ Vạn Phúc 2 (Bình Dương) cho biết nơi này vừa cấp cứu kịp thời mẹ con sản phụ N.K.T (21 tuổi, quê ở Đồng Nai) vì bị vỡ ối, thai nhi ngôi ngược lọt nửa người ra ngoài.
Từ lúc mang thai đứa con thứ 2, chị T. có thăm khám và đã được biết về trình trạng ngôi thai ngược của mình. Ngày 4/1, còn 2 tuần nữa mới tới ngày dự sinh, chị T. từ Đồng Nai sang chơi nhà bà con ở Bình Dương thì bị vỡ ối.
Chị T. được gia đình đưa vào cấp cứu tại BV Hoàn Mỹ Vạn Phúc 2 trong tình trạng ối vỡ hoàn toàn, đau bụng từng cơn; 2 chân, mông, phần dưới của thai nhi thò hết ra ngoài, tim thai nhi 100 - 110 lần/phút.
Trước nguy cơ thai nhi bị kẹt đầu và tầng sinh môn thai phụ rách nhiều, các bác sĩ trực nhanh chóng cho sản phụ tiếp tục cuộc sinh và đã sinh một bé gái ngôi mông nặng 3,3 kg.
Bé hồng hào, thở đều, khóc to vận động tốt. Hiện tại, tình trạng sản phụ sinh hiệu ổn, tầng sinh môn rách ít, máu mất ít, sản phụ khỏe.
Bác sĩ sản khoa Lê Hoàng Nhựt, BV Hoàn Mỹ Vạn Phúc 2, người đã đỡ sinh ca này chia sẻ: bình thường khi sinh, phần đầu của bé sẽ ra trước. Nếu phần chân ra trước được gọi là ngôi ngược. Ngôi thai ngược hay ngôi mông là một dạng bất thường của thai nhi.
Tỉ lệ sinh con ngôi mông khá thấp, chỉ chiếm 3-4% trong các ca sinh nở. Hiện nay tình trạng mang thai ngôi ngược, đa số chỉ định mổ - các sản phụ cần được khám tiền sản và sanh con tại BV.
Thu Hằng(T/h)