Cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch vì tự ý bỏ điều trị
Báo Tiền Phong dẫn thông tin từ Bệnh viện thành phố Thủ Đức cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận và kịp thời can thiệp cho một trường hợp đặc biệt nguy kịch. Cụ thể, bệnh nhân N.M.Q. (45 tuổi) nhập viện trong tình trạng đau ngực trái dữ dội, suy hô hấp, tụt huyết áp.
Theo lời kể của người thân, bệnh nhân có tiền sử bị tăng tiểu cầu nguyên phát. Sau thời gian điều trị, thấy tình trạng sức khỏe tạm ổn, gần đây ông tự ý bỏ điều trị. Qua chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ xác định người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp, nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào.
Sau hội chẩn nhanh liên chuyên khoa, các bác sĩ đã quyết định thực hiện c Trong quá trình can thiệp, ekip bác sĩ ghi nhận người bệnh bị tắc hoàn toàn nhánh động mạch vành liên thất trước. Bằng thiết bị chuyên dụng, các bác sĩ đã hút huyết khối, đặt stent tại vị trí tắc mạch, tái thông thành công dòng chảy mạch vành.
Các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp tiểu cầu tăng rất cao 820 G/L (bình thường dưới 400 G/L). Bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao và có khả năng tái thành lập huyết khối sau can thiệp.
Trước nguy cơ này, bệnh viện đã phối hợp thuốc giảm tế bào (Hydroxyurea) song song với kháng đông và kháng kết tập tiểu cầu. Sau 10 ngày nằm viện theo dõi, bệnh nhân hết đau ngực, sức khỏe đang bình phục tốt.
Nhập viện cấp cứu do cơ thể xuất hiện nhiều vết loét, nổi ban toàn thân
Theo báo Công Lý, nữ bệnh nhân T.T.H (47 tuổi, ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) mệt mỏi, ăn uống kém, đau bụng, ở nhà đã dùng nhiều loại kháng sinh khác nhau nhưng không rõ thuốc gì. Sau đó, người bệnh bị sốt cao, cơ thể xuất hiện nhiều vết loét, đau, nổi ban toàn thân..., phải nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cấp cứu.
Qua thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng, làm xét nghiệm và hội chẩn các chuyên khoa, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hoại tử thượng bì (hội chứng Lyell) do dị ứng thuốc, suy thận cấp, viêm kết mạc 2 mắt trên nền bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường.
Bác sĩ Ninh Thị Hà - Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, trường hợp dị ứng thể Lyell nặng nề như bệnh nhân này cần lưu ý những tổn thương da trợt rộng toàn thân có thể gây nhiễm trùng, dẫn đến bội nhiễm và tổn thương gan thận, mất nước điện giải... Lúc này, cơ thể dễ suy kiệt do đau đớn, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.
Bác sĩ đã kê kháng sinh, truyền dịch, chăm sóc mắt, niêm mạc miệng, sinh dục và vùng da trợt loét, cân bằng nước và điện giải, bổ sung dinh dưỡng... Hiện, các vùng da tổn thương dần khô, đóng vảy và lên da non, liền tốt.
Cụ bà 72 tuổi bị ong vò vẽ đốt 50 vết
Báo Cần Thơ đưa tin, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long đã nố lực cứu chữa thành công cho nữ bệnh nhân B.T.T (72 tuổi, ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) bị ong vò vẽ đốt 50 vết.
Người thân cho biết cụ bà ra vườn kiếm củi thì bị ong vò vẽ đốt ở mặt, cổ, cánh tay và bụng. Toàn thân người bệnh sưng phù, đau nhức, các vết đốt mưng mủ. Bệnh nhân tiểu rất ít, nước tiểu sậm màu, mệt mỏi, chán ăn, được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long điều trị.
Qua thăm khám và các kết quả cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị ngộ độc nọc ong vò vẽ dẫn đến suy gan và suy thận cấp nguy kịch. Các bác sĩ chỉ định truyền dịch và dùng liệu pháp bài niệu tích cực để thải độc tố ra khỏi cơ thể bệnh nhân, dùng thuốc hỗ trợ chức năng gan, kháng sinh, hỗ trợ dinh dưỡng, theo dõi sát các chỉ số cận lâm sàng.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, sức khỏe người bệnh dần cải thiện, các chỉ số về chức năng thận và men gan trở về bình thường, dự kiến có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Đinh Kim(T/h)