Môi người phụ nữ nổi nhiều mụn nước nhỏ li ti sau khi xăm
Báo Nhân Dân đưa tin, thấy quảng cáo trên mạng về dịch vụ xăm môi làm đẹp đón Tết Quý Mão 2023, chị H. đăng ký với mong muốn cải thiện tình trạng thâm môi. Nhân viên spa khen máu chị H. lành tính nên xăm dễ, không đau, lên màu đẹp.
Sau xăm môi, chị tuân thủ theo lời dặn của nhân viên spa phải kiêng cữ ăn uống tránh để lại sẹo và vệ sinh môi đúng cách. 3 ngày sau, Ba ngày sau, chị soi gương thấy môi nổi nhiều mụn nước nhỏ li ti.
Chị tự trấn an đây là dấu hiệu bình thường khi xăm môi như lời dặn của nhân viên spa. Tuy nhiên, do chưa an tâm nên chị gọi điện đến cơ sở spa và được nhân viên tư vấn môi sẽ sớm hết sưng.
Sang ngày thứ 4, mụn nước nổi nhiều và to hơn, kèm sưng, đau nhức nên chị đến spa. Tại đây, nhân viên spa nhìn vết thương và gợi ý chị mua thuốc bôi và uống nhưng không dặn mua thuốc gì. Chị được nhân viên tiệm thuốc tư vấn uống kháng sinh.
Sau 2 ngày uống thuốc, môi chị bớt sưng nhưng khô, nứt từng đường. Vết nứt to sâu, luôn có cảm giác tê như kim châm, khó khăn khi ăn uống và rửa mặt. Lúc này, chị đến chuyên khoa Da liễu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM thăm khám.
Qua kiểm tra, TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, môi chị H. sưng, khô, đóng vảy dày, nứt nẻ, nổi mụn nước li ti quanh môi. Kết quả chẩn đoán cho thấy chị H. nhiễm trùng do xăm môi. Nếu không phát hiện và điều trị kịp có khả năng mưng mủ, nhiễm trùng nặng, để lại sẹo và biến dạng môi.
Ngay sau đó, bác sĩ Bích đã thoa kem dưỡng ẩm và thuốc chống viêm giúp môi mềm, tránh nứt sâu hơn. Đồng thời, người bệnh được kê thuốc bôi làm mềm da và uống chống nhiễm trùng. Bác sĩ cũng hướng dẫn chị H. các bước chăm sóc môi ở nhà đúng cách, tránh sưng viêm, tái nhiễm trùng.
Vết thương vùng bỏng chảy nước tiết dịch mùi hôi sau 4 tháng đắp thuốc đông y
Bệnh viện Bỏng quốc gia thông tin, bệnh nhi T.V.T. (11 tuổi, trú tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) được đưa vào viện trong tình trạng mệt nhiều, da xanh, niêm mạc nhợt, hạn chế vận động vùng cằm, cổ, chi thể.
Theo VTV News, trước đó, bệnh nhi lấy nước lã đổ lẫn với xăng, sau đó bật lửa châm giấy đốt thì bị bùng cháy vào quần áo gây bỏng. Sau bỏng, bệnh nhi được gia đình đưa đi đắp thuốc đông y tại một cơ sở tư nhân.
Sau 4 tháng điều trị tại đây, gia đình bệnh nhi mệt yếu, da niêm mạc nhợt, vết thương chảy nước tiết dịch mùi hôi mới chuyển đến viện điều trị. Ghi nhận tại bệnh viện, bệnh nhi bị tổn thương bỏng 25% độ IV vùng cổ, thân trước, thân sau, mô hạt nhợt nhạt, phù nề, nhiều giả mạc, tiết dịch mùi hôi, còn thuốc đông y bám dính, hạn chế vận động vùng cằm, cổ, 2 nách, 2 khuỷu tay.
Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã lên kế hoạch điều trị tích cực cho bệnh nhi gồm truyền dịch, máu, huyết tương, albumin, đạm, tăng cường nuôi dưỡng, phẫu thuật cắt mô hạt xấu, ghép da. Bệnh nhi đã được phẫu thuật 5 lần, cắt mô hạt xấu, ghép da mảnh lưới. Sau điều trị, da ghép bám tốt, bệnh nhi khỏi bệnh sau 38 ngày điều trị và được chuyển khoa Phục hồi chức năng.
Nam sinh bỏng mặt, 2 tay và 2 chân vì pháo tự chế phát nổ
Theo VietNamNet, ngày 9/1, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết vừa phẫu thuật cho nam thiếu niên G.T.B (14 tuổi, trú tại Bắc Giang) vào viện trong tình trạng bị thương nặng do pháo tự chế phát nổ.
Trước đó, bệnh nhi mua thuốc pháo trên mạng. Khi bệnh nhi đang tự nghiền, chế pháo ở nhà bằng máy xay sinh tố, pháo bất ngờ phát nổ, nhiều mảnh kim loại văng vào ngực trái bệnh nhi.
Sau khi được sơ cứu tại bệnh viện tỉnh, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức. PGS.TS Phùng Duy Hồng Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực cho biết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng mặt, 2 chân, 2 tay bỏng.
Kết quả chụp phim X-quang cho thấy có 2 dị vật kim loại trong lồng ngực nằm sau xương ức bên trái, nghi ngờ tổn thương tim. Các bác sĩ đã nhanh chóng mổ cấp cứu kịp thời lấy dị vật, khâu vết thương thành thất phải cho bệnh nhi. Hiện tại, bệnh nhi ổn định, tiếp tục được theo dõi và điều trị ở Trung tâm Tim mạch và lồng ngực.
Đinh Kim(T/h)