Uống cùng lúc 12 viên paracetamol vì bị ba la mắng
Báo Đồng Nai đưa tin ngày 6/10, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhân bị ngộ độc thuốc paracetamol. Theo ThS.BS Phạm Thị Kiều Trang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, bệnh nhân L.H.B.N. (13 tuổi, ngụ phường Phước Tân,TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nhập viện lúc 1h30 trong tình trạng đau bụng nhiều.
Qua khai thác bệnh sử từ người nhà, khoảng 2,5 tiếng trước nhập viện, bệnh nhân uống cùng lúc 12 viên thuốc paracetamol (loại thuốc được dùng để điều trị giảm đau, hạ sốt).
Khoảng 1 tiếng sau khi uống thuốc, bệnh nhân kêu đau bụng, được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, bệnh nhân được rửa dạ dày, truyền dịch. Hiện, bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi.
Người nhà bệnh nhân cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc bệnh nhân uống 12 viên thuốc paracetamol là do bé bị ba mắng vì đi chơi về muộn mà không xin phép.
Bác sĩ Trang cho hay, paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng rộng rãi nên không cần kê đơn. Ngộ độc paracetamol chủ yếu do tự tử. Nếu cấp cứu trễ, bệnh nhân sẽ bị suy gan không hồi phục được. Hậu quả cuối cùng của ngộ độc paracetamol là tử vong.
Bác sĩ Trang khuyến cáo, đây không phải trường hợp đầu tiên bị ngộ độc paracetamol được điều trị tại bệnh viện. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận cấp cứu khoảng 10 trường hợp có ý định tự tử bằng việc dùng thuốc paracetamol quá liều hoặc lấy vật sắc nhọn cứa cổ tay.
Độ tuổi của các trường hợp này từ 11-15 tuổi. Đây là độ tuổi đang dậy thì, “ẩm ương”, dễ có những suy nghĩ và hành động bồng bột. Do vậy, cha mẹ có con trong độ tuổi này cần lưu ý quan tâm con, tâm sự chia sẻ với con để con hiểu những việc làm chưa đúng để con sửa chữa. Đồng thời, giáo dục cho con hiểu cần biết cách trân trọng sức khỏe, tính mạng, không hành động dại dột.
12 lần sốc điện cứu bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp biến chứng ngừng tim
Theo VTV Times, bệnh nhân T.V.Đ. (78 tuổi) vào Bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng đau ngực và khó thở, huyết áp tụt. Khi nhập viện, mạch của người bệnh 76 chu kì/phút, huyết áp 100/70mmHg dưới tác dụng của các thuốc vận mạch liều cao (adrenalin và noradrenalin). Kết quả điện tâm đồ có dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp.
Theo chia sẻ của người nhà, cách nhập viện 4 giờ, sau khi đi làm đồng về, người bệnh thấy mệt, đau ngực âm ỉ, liên tục, kèm theo có vã mồ hôi choáng và đã được người nhà đưa ngay tới Bệnh viện Quân y 109 (Quân khu 2) cấp cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Quân y 103 với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên giờ thứ 9.
Kết quả chụp mạch vành phát hiện có nhiều máu đông (huyết khối) gây tắc hoàn toàn từ gốc động mạch vành phải và hẹp lan tỏa một số nhánh của động mạch vành trái. Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Can thiệp tim mạch (A16) đã tiến hành hội chẩn xác định động mạch “thủ phạm” gây nhồi máu cơ tim là động mạch vành phải và đã tiến hành hút ra được rất nhiều máu đông trong lòng động mạch vành, đặt stent dài phủ hết toàn bộ tổn thương.
Trước khi chụp động mạch vành, người bệnh xuất hiện 1 lần nhanh thất, ngừng tuần hoàn. Trong quá trình tiến hành can thiệp đặt stent, người bệnh liên tục xuất hiện rối loạn nhịp tim nguy hiểm như, block nhĩ-thất, nhanh thất, ngừng tim.
Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành ép tim, sốc điện cấp cứu nhiều lần (12 lần), đặt máy tạo nhịp tạm thời và sử dụng các thuốc chống loạn nhịp tim, hồi sức nội khoa. Sau khi đã đặt được stent, tái thông lại dòng chảy động mạch vành thì tình trạng người bệnh dần ổn định.
Xác định đây là trường hợp bệnh nhân nặng do máu đông rất nhiều, chiếm gần như toàn bộ động mạch vành phải, thêm vào đó là tình trạng rối loạn nhịp nguy hiểm đã ngừng tim nhiều lần nên sau khi can thiệp, người bệnh được chuyển về khoa Hồi sức nội (A27) chăm sóc. Tại đây, người bệnh được thở oxy, hỗ trợ hô hấp, điều chỉnh nước, điện giải, sử dụng thuốc chống huyết khối, kháng sinh, chăm sóc dinh dưỡng.
Hiện tại, người bệnh đã ổn định và được chuyển về khoa Can thiệp tim mạch (A16), Bộ môn - Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Quân y 103 để tiếp tục theo dõi, chăm sóc và điều trị.
Cấp cứu kịp thời ngư dân bị đột quỵ giờ thứ 40
Theo TTXVN, Bệnh xá đảo Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) đã tiếp nhận và cấp cứu, điều trị cho một thuyền viên bị đột quỵ trong quá trình tham gia khai thác hải sản ở vùng biển Trường Sa vào tối 5/10.
Bệnh nhân là ông N.L (51 tuổi, thường trú tại phường 6, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Khi ông L. đang làm việc trên tàu cá ở địa điểm cách đảo Trường Sa khoảng 80 hải lý, thì xuất hiện các triệu chứng đau phía bên phải đầu, chóng mặt, có méo miệng nhẹ và được tàu cá BĐ 98615 TS đưa đến đảo Trường Sa để được trợ giúp.
Qua thăm khám, kíp y bác sĩ Bệnh xá đảo Trường Sa chẩn đoán ông L. bị đột quỵ giờ thứ 40, tăng huyết áp, có cơn thiếu máu não thoáng qua nên đã tiến hành các biện pháp cấp cứu như bù điện giải và dinh dưỡng, tăng dẫn truyền thần kinh…
Nhờ vậy, bệnh tình của ông L. thuyên giảm dần, hiện đã tỉnh táo và tiếp xúc tốt, không sốt, không yếu liệt chân tay. Tuy nhiên, ông L. vẫn còn đau đầu và vùng mặt bên phải nên các y bác sĩ chỉ định tiếp tục theo dõi và tham vấn thêm ý kiến chuyên khoa nội thần kinh từ các Bệnh viện Quân y trong đất liền để tiếp tục điều trị cho ông L. tại Bệnh xá đảo Trường Sa.
Theo Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, thời gian gần đây, một số bệnh xá tại các đảo của huyện Trường Sa liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp ngư dân phát bệnh trong quá trình tham gia khai thác hải sản tại vùng biển Trường Sa, phổ biến là tình trạng bệnh giảm áp do lặn biển sâu, đột quỵ, tai nạn lao động…