Đang đưa con đi khám, mẹ bất ngờ bị ngưng tim
VietNamNet đưa tin ngày 4/11, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho hay, nữ bệnh nhân N. (26 tuổi, ngụ Vĩnh Long) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, hôn mê, nhịp tim rất nhanh, huyết áp thấp, đang sử dụng thuốc vận mạch liều cao...
Hai ngày trước khi đi cấp cứu, chị N. bị sốt, đau đầu, họng, cơ và dùng thuốc nhưng không giảm. Trong lúc đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, người phụ nữ này cảm thấy mệt và nhập viện trong tình trạng nguy kịch, khó thở, loạn nhịp thất có biến chứng ngưng tim 10 phút...
Bác sĩ chẩn đoán nữ bệnh nhân viêm cơ tim cấp biến chứng loạn nhịp thất, choáng tim ngưng và đã hồi sức thành công, suy đa cơ quan.
Cụ thể, bác sĩ đặt máy tạo nhịp tạm thời, dùng kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO) để hỗ trợ phục hồi chức năng tim và tuần hoàn cho người bệnh. Tiếp đó, bác sĩ cho bệnh nhân tiếp tục thở máy, duy trì thuốc vận mạch, lọc máu liên tục...
Sau 45 phút, tình trạng rối loạn nhịp và huyết động bệnh nhân cải thiện, người bệnh được thay huyết tương… Hiện, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, nhịp tim, siêu âm tim cho thấy sức co bóp cơ tim trở về gần như bình thường, xét nghiệm các cơ quan ổn định.
Bác sĩ Dương Thiện Phước - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cho biết kỹ thuật ECMO là phương pháp hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp khi tim, phổi không hoạt động bình thường.
“ECMO cũng là cầu nối cho người bệnh nặng đang chờ ghép tim, ghép phổi. Đây là kỹ thuật hồi sức chuyên sâu, hiện đại, rất nhiều bệnh nhân nặng nguy kịch đã được hồi sinh ngoạn mục nhờ kỹ thuật này", bác sĩ Phước cho hay.
Bé 5 tuổi gặp nạn khi đang ăn xiên que thịt nướng
Báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết vừa cấp cứu và điều trị cho bé L.G.H. (5 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) bị dị vật đâm xuyên mũi.
Theo gia đình, bé H. gặp nạn trong lúc đang ăn xiên que thịt nướng. Chiếc xiên que đâm từ mũi phải vào xoang hàm, hốc mắt phải. Người nhà nhanh chóng đưa H. đến bệnh viện địa phương, rồi tiếp tục chuyển lên TP.HCM trong tình trạng vết thương chảy máu, mắt phải sưng đỏ ngày càng tăng. Xiên que bị bẻ gãy đầu ngoài mũi.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ khám mắt và đánh giá bệnh nhi không bị tổn thương thần kinh thị giác, có xuất huyết kết mạc nhãn cầu góc ngoài. CT Scan không thấy dị vật cản quang, đầu que bị gãy, xuất huyết mắt. Do đó, ekip điều trị đã tiến hành gây mê bệnh nhi, nỗ lực lấy nguyên vẹn dị vật là chiếc xiên que dài khoảng 8cm.
Theo các bác sĩ, dị vật đâm từ mũi vào hốc mắt là tai nạn hy hữu. Để phòng ngừa tai nạn tương tự, phụ huynh cần nhắc nhở trẻ tuyệt đối không ngậm đồ dùng như muỗng, nĩa, đũa hoặc đùa giỡn trong khi ăn.
Điều trị thành công cho người đàn ông 67 tuổi bị hẹp dạ dày
Theo báo Lao Động, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, đơn vị tiếp nhận và điều trị thành công một trường hợp u dạ dày bằng phương pháp phẫu thuật cắt dạ dày qua nội soi.
Cụ thể, ông D.V.H (67 tuổi, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đến điều trị tại bệnh viện trong tình trạng gầy sụt cân, giảm khoảng 15kg trong 3 tháng, ăn uống kém, đầy hơi, buồn nôn. Người bệnh có tiền sử đã điều trị lao phổi cách đây 10 năm.
Qua thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, kết quả chụp cắt lớp vi tính (MSCT) bụng cho thấy, dạ dày dãn, ứ đọng nhiều dịch chất, tá tràng xẹp. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị hẹp dạ dày, chít hẹp dạng đồng hồ cát và được điều trị bằng phương pháp nội soi cắt 2/3 dạ dày.
Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ và thành công. Sau 10 ngày điều trị tích cực, người bệnh đã khỏe lại và được xuất viện theo dõi tái khám ngoại trú. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy viêm loét tá tràng mạn tính.
Là phẫu thuật viên chính của ca mổ, ThS.BS. Nguyễn Hữu Kỳ Phương - Phó Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long thông tin, phẫu thuật nội soi cắt 2/3 dạ dày là phương pháp can thiệp ngoại khoa đường tiêu hóa thường quy được sử dụng nhằm điều trị ung thư dạ dày, các u lành tính, loét dạ dày, thủng dạ dày hoặc béo phì.
ThS.BS. Nguyễn Hữu Kỳ Phương cho rằng, đây là phương pháp phẫu thuật hiện đại, đòi hỏi ekip phẫu thuật có chuyên môn cao và kinh nghiệm. Ưu điểm của phương pháp này là can thiệp ít xâm lấn, an toàn với vết mổ nhỏ, tỉ lệ biến chứng thấp (tỉ lệ biến chứng miệng nối, tắc ruột, thoát vị sau mổ thấp), hiệu quả hồi phục sau mổ cao, tiết kiệm chi phí nằm viện cho người bệnh.