Nguyên nhân khiến bé 7 tuổi đau bụng không ngừng
Theo tạp chí Tri Thức, bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết bé Đ.T.N. (7 tuổi) nhập viện trong tình trạng bứt rứt, khó chịu, đau bụng và ói.
Qua khai thác bệnh sử, người nhà chia sẻ khoảng 4 giờ trước khi nhập viện, bé vô tình nuốt phải 4 viên nam châm. Khi đến viện, bé vẫn đau bụng không ngừng, vẻ mặt hốt hoảng.
Tuy nhiên, từ kết quả chụp X-quang bụng, bác sĩ không phát hiện dị vật ở ruột non. Các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tiếp tục phối hợp với bác sĩ ngoại khoa nội soi đường tiêu hóa cấp cứu và nội soi ổ bụng cho bệnh nhi.
Bệnh nhi được cho nằm ngửa, gây mê nội khí quản nội soi tiêu hóa từ thực quản - dạ dày đến tá tràng, bác sĩ vẫn không thấy dị vật. Không bỏ cuộc, các bác sĩ quyết định nội soi ổ bụng, quan sát thấy ổ bụng sạch, hồi tràng (phần giữa của ruột non) có dị vật hình lập phương. Các đoạn ruột còn lại không ghi nhận dị vật.
Do không thể đẩy dị vật lên dạ dày hay xuống đại tràng được, các bác sĩ quyết định mở rộng lỗ trocar (vết mổ nhỏ để đưa dụng cụ phẫu thuật vào hay còn gọi là cổng vào) rốn, đưa đoạn ruột chứa dị vật ra ngoài qua lỗ trocar rốn. Ekip tiếp tục xẻ hồi tràng, thấy dị vật là 4 viên nam châm nên lấy ra ngoài.
Sau đó, bác sĩ khâu ruột xẻ bằng chỉ và đưa vào lại ổ bụng, đóng cân trocar rốn, khâu da. Sau khi nội soi phẫu thuật lấy dị vật, bệnh nhi hết đau bụng, hết ói, tỉnh táo, được tiếp tục theo dõi tổn thương niêm mạc ruột cũng như chức năng đường tiêu hóa.
Bác sĩ Tiến cho biết may mắn là trẻ biết nuốt phải dị vật, thông báo sớm cho gia đình và được đưa đến bệnh viện kịp thời. Nếu để lâu, các cục nam châm sẽ gây tổn thương niêm mạc ruột, thủng ruột của trẻ. Các cục nam châm “hít nhau”, gây vặn xoắn các quai ruột, gây tắc ruột… nguy hiểm cho tính mạng trẻ.
Kết quả xét nghiệm vụ 20 con hổ chết ở Đồng Nai
Kết quả xét nghiệm 40 mẫu chim, thú tại Khu du lịch Vườn Xoài (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đều âm tính với virus cúm A/H5N1. Đây là thông tin mới nhất vừa được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai công bố, theo báo Người Lao Động.
Trước đó, ngày 24/10, Chi cục Chăn nuôi và Thú ý đã lấy nhiều mẫu giám sát môi trường nơi nhốt hổ, báo, hươu cao cổ, chim bồ câu, cá sấu tại Khu du lịch Vườn Xoài. Kết quả xét nghiệm các mẫu giám sát đều âm tính với virus cúm gia cầm A/H5N1.
Khu du lịch Vườn Xoài có 20 con hổ, 1 con báo đã chết trước đó. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm trên hổ chết dương tính với virus A/H5N1.
Sau sự cố trên, Khu du lịch Vườn Xoài đã thực hiện đồng loạt các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H5N1 như: cách ly vật nuôi, không cho nhập thú nuôi mới về, thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng để hạn chế lây lan.
Khu du lịch này còn hạn chế người tiếp xúc với đàn vật nuôi; yêu cầu những người trực tiếp chăm sóc, tiếp cận vật nuôi phải thực hiện các biện pháp bảo hộ.
Cứu bệnh nhân 41 tuổi nhiễm Leptospira nặng
VTV Times đưa tin, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) vừa tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân nhiễm Leptospira nặng. Cụ thể, bệnh nhân H.T.N. (41 tuổi, trú tại Long An) vừa được chuyển khoa sau hơn 2 tuần chiến đấu với bệnh nhiễm khuẩn Leptospira diễn tiến thành hội chứng Weil.
Trước nhập viện 2 ngày, bệnh nhân có ớn lạnh, mệt mỏi, ngày nhập viện thì than đau bụng mơ hồ, nôn ói, chán ăn. Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cũng chỉ phát hiện có sỏi bùn túi mật. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy cấp và nhập viện theo dõi tiếp.
Trong quá trình điều trị tại khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh nhân được phát hiện có tình trạng khó thở nhiều, vàng da nhẹ, suy thận nặng, nhiễm toan chuyển hóa nặng.
Dù chưa rõ bệnh lý căn nguyên nhưng nhận định tình trạng bệnh nhân có thể diễn tiến phức tạp nên khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đã tiếp nhận bệnh nhân. Mục tiêu điều trị là nâng đỡ chức năng cơ quan và phải tìm ra bệnh lý gốc rễ.
Về nâng đỡ chức năng cơ quan, bệnh nhân nhanh chóng được đặt ống để thở máy và lọc máu để kiểm soát tình trạng suy thận và ổn định nội môi. Dù đã dùng kháng sinh mạnh theo kinh nghiệm nhưng tình trạng vàng da ngày càng tăng, các chỉ số cận lâm sàng hướng nhiễm trùng không cải thiện.
Do tình trạng lâm sàng của bệnh nhân không phù hợp với viêm tụy nên các bác sĩ phải đặt ra hàng loạt chẩn đoán phân biệt khác, trong đó có sốt rét và bệnh nhiễm khuẩn Leptospira - các bệnh lý không hiếm ở Việt Nam nhưng dễ bị bỏ sót trong tiếp cận ban đầu.
Khai thác kỹ lại bệnh sử, bệnh nhân làm công nhân dập hộp đựng cơm tại một nhà máy ở Long An, nguồn nước sử dụng là nước giếng bơm, bệnh nhân không để ý thấy môi trường làm việc có chuột hay loài động vật khác. Bệnh nhân chỉ thỉnh thoảng uống bia với bạn, không hút thuốc lá, không dùng bất kỳ loại thuốc nào.
Đến ngày thứ 3 sau khi nhập viện, trong khi các kết quả tầm soát sốt rét âm tính thì bệnh nhân diễn tiến xuất huyết kết mạc. Với các đặc điểm lâm sàng này, các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị nhiễm Leptospira nặng.
Ngay lập tức, bệnh nhân được sử dụng ceftriaxone đường tiêm - loại kháng sinh đặc trị Leptospira. Bệnh nhân còn được xét nghiệm tìm kháng thể IgG và IgM trong máu của Leptospira bằng kỹ thuật ELISA. Kết quả giúp chẩn đoán xác định tình trạng nhiễm cấp tính Leptospira với IgM > 100 U/L và IgG 14,6 U/L.
Trong vòng 7 ngày sau đó, bệnh nhân tỉnh táo hơn, tình trạng viêm kết mạc và vàng da cải thiện đáng kể. Bệnh nhân được rút ống nội khí quản và cai máy thở thành công. Điều đáng tiếc là chức năng thận của bệnh nhân vốn đã suy nặng trước đó không có sự cải thiện rõ.