Bác sĩ sốc trước thứ khó tin trong dạ dày thanh niên
Trang Viral Press đưa tin, một ca phẫu thuật hy hữu tại Ấn Độ khiến các bác sĩ sửng sốt khi họ lấy từ dạ dày nam thanh niên chìa khóa, bấm móng tay và thậm chí cả con dao. Thanh niên này được cho là đang ở độ tuổi đầu 20.
Đoạn phim ghi lại cảnh nhóm bác sĩ phẫu thuật gắp ra hàng loạt vật dụng như trên đang được lan truyền chóng mặt, VTC News dẫn thông tin từ New York Post cho hay.
Trước đó, người mẹ bị mất chìa khóa tủ quần áo, gặng hỏi thì nhận câu trả lời con đã nuốt chúng. Bà không tin, cho rằng anh ấy nói đùa. Mãi đến khi anh được đưa đến bệnh viện ở Motihari (Biha), kết quả siêu âm cho thấy anh đã nuốt chìa khóa cùng các vật dụng khác.
Bác sĩ phẫu thuật chính là Kumar và nhóm của ông cũng đã lấy ra chiếc bấm móng tay và một con dao bấm. Trải qua ca mổ phức tạp, hiện bệnh nhân hồi phục tốt.
Mẹ bệnh nhân cho rằng nguyên nhân dẫn đến hành động kỳ quái này của con trai là do nghiện mạng xã hội và internet. Bà khẳng định sức khỏe tâm thần của con bị ảnh hưởng bởi việc dành quá nhiều thời gian trước màn hình.
Bác sĩ Kumar cũng đồng tình với giả thuyết của người mẹ. Ông cho rằng hành động của nam thanh niên thực sự bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng điện thoại thông minh quá mức.
Chẩn đoán chính thức về tình trạng của người đàn ông này vẫn còn là bí ẩn, tuy nhiên hành động của anh ta có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn ăn uống Pica. Được biết, đây là tình trạng sức khỏe tâm thần, người mắc chứng này “nuốt một cách ép buộc những thứ không phải là thức ăn”.
Những người mắc hội chứng Pica khi tiêu thụ các chất nguy hiểm chứa kim loại hoặc vật liệu độc hại như chì, đất, sắt, chất độc trong chúng có thể gãy và tổn thương răng, gây rối loạn trí tuệ, tổn thương não, thậm chí tử vong.
Thói quen khiến bé 12 tuổi bị nhiễm sán lá gan
Báo Lao Động đưa tin những ngày qua, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ tiếp nhận nhiều ca bệnh trẻ em mắc sán lá gan, nhiễm ấu trùng sán chó mèo do ăn đồ sống và có sở thích ôm hôn thú cưng.
Điển hình như trường hợp bệnh nhân N.T.N.T (12 tuổi, ở Bắc Ninh), được chẩn đoán nhiễm sán lá gan do thói quen ăn đồ sống, đồ tái chưa chín kỹ...
Khoảng một tháng trước, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, sốt kèm theo đau bụng dữ dội kéo dài. Sau khi được các bác sĩ tích cực điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã có dấu hiệu phục hồi.
Bệnh nhân cho biết, gia đình nhiều năm nay có tâm lý chủ quan, thường xuyên ăn các loại rau trồng ngoài mương, ruộng, có khi là mua ngoài chợ và hầu như dùng để ăn sống.
Bác sĩ Phan Thị Thu Phương - khoa Khám bệnh Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Hà Nội) - là người tiếp nhận và theo dõi điều trị ca bệnh này cho biết, bệnh nhân mới chỉ 12 tuổi nên việc điều trị rất cẩn trọng bởi khi nhiễm sán lá gan, các ấu trùng sán đã xâm nhập và tàn phá chức năng gan làm sức đề kháng của bệnh nhân suy giảm, dễ đối diện với biến chứng nguy hiểm.
"Thời gian ủ bệnh của sán lá gan phụ thuộc vào số lượng ấu trùng ăn phải và đáp ứng của vật chủ, đối với sán lá gan nhỏ nhiễm trên 100 sán mới có biểu hiện rõ rệt. Vì vậy, khiến nhiều người lầm tưởng đó là bệnh thông thường nên có tâm lý chủ quan và khi đến khám tình trạng bệnh đã diễn biến phức tạp", bác sĩ Phan Thị Thu Phương nhấn mạnh.
Tương tự, bệnh nhân T.V (10 tuổi, quê ở Nghệ An) cũng phát hiện bệnh muộn. Khi nhập viện, bệnh đang diễn biến phức tạp, khắp cơ thể đặc biệt là vùng mặt, trán, gần mắt đã bị ấu trùng sán chó mèo phủ kín.
Được biết, gia đình bệnh nhân nuôi rất nhiều chó và mèo, số lượng lên đến hàng chục con mỗi loại. Sinh hoạt của bệnh nhân và người nhà đều tiếp xúc trực tiếp với chó mèo, đặc biệt bệnh nhân rất thích ôm, hôn chúng.
Để phòng tránh bệnh sán lá gan lớn, giun đũa chó và các bệnh giun sán, bác sĩ khuyến cáo người dân cần ăn chín, uống nước đun sôi để nguội; rửa tay trước khi ăn hay sau khi nô đùa với chó, mèo; dọn dẹp phân chó, mèo vào túi và vứt vào thùng rác; chích ngừa, tẩy giun định kỳ cho thú nuôi...
Ngoài ra, khi phát hiện dấu hiệu bị nhiễm sán ở trẻ, cần đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời để ngăn ngừa bệnh tái phát và các biến chứng khác.
Cấp cứu bệnh nhân gặp sự cố khi đang can thiệp nha khoa
Báo Dân Trí dẫn thông tin từ Ths.Bs CKII Nguyễn Thị Thảo Vân - Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM cho biết, gần đây đơn vị đã tiếp nhận cấp cứu một trường hợp gặp sự cố trong lúc can thiệp nha khoa.
Cụ thể, trong lúc bệnh nhân được gây tê vùng gai Spix (gây tê dây thần kinh răng) để nhổ răng khôn hàm dưới bên phải tại một phòng khám nha khoa, kim gây tê trong miệng bất ngờ bị gãy. Phần kim gãy nằm kẹt trong mô mềm và di chuyển sang vị trí khác nên rất khó kiểm soát.
Tại bệnh viện, các bác sĩ đã rất khó khăn để xác định vị trí, trước khi lấy được mẫu kim gãy khoảng 1cm trong mô mềm vùng góc hàm phải. Sau can thiệp, tình trạng người bệnh hiện đã ổn định.
Theo bác sĩ Thảo Vân, nhổ răng khôn là can thiệp tiểu phẫu thuật có sử dụng thuốc tê, nên sẽ có nguy cơ xảy ra các biến chứng như: Quá liều thuốc tê, dị ứng thuốc tê, sốc phản vệ…
Song song đó, các sự cố có thể xảy ra trong quá trình thực hiện là gãy kim, cứng khít hàm, đau nhạy cảm kéo dài, lung lay hoặc tổn thương răng kế cận, gãy xương hàm, thông xoang hàm, nhiễm trùng hoặc chảy máu kéo dài, chấn thương thần kinh, chấn thương khớp thái dương hàm. Một số biến chứng nặng hơn có thể gặp là liệt mặt, phù, viêm mô tế bào.
Theo bác sĩ, dù các biến chứng khi nhổ răng không thường xuyên xảy ra nhưng một khi đã xuất hiện thì việc xử lý mất rất nhiều công sức. Vì vậy, phòng ngừa là điều tốt nhất. Để làm được điều này, bác sĩ phải chẩn đoán đúng, đánh giá toàn diện, thực hiện đúng kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh, vô trùng.
Bác sĩ Thảo Vân khuyến cáo, biến chứng nha khoa có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, như chất lượng vật liệu, kỹ thuật thực hiện, chuyên môn và thậm chí liên quan bản thân người bệnh… Do đó, người dân cần lựa chọn cơ sở y tế có uy tín đã được cấp phép, bác sĩ có chuyên môn phù hợp.
Bên cạnh đó, người dân cần vệ sinh răng miệng đúng cách và thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên y tế, đồng thời kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ hoặc khi phát hiện có bất thường.