Bé trai 16 tháng tuổi mắc bệnh hiếm gặp Kawasaki
VTV Times đưa tin, khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa điều trị thành công một trường hợp bệnh nhi 16 tháng tuổi mắc bệnh Kawasaki.
Trước đó, bệnh nhi được bố mẹ đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt kéo dài 7 ngày, sốt cao không thuyên giảm dù đã được điều trị tại một bệnh viện huyện. Sau đó, gia đình xin chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương để điều trị.
Qua thăm khám, các bác sĩ ghi nhận các biểu hiện đặc trưng của bệnh Kawasaki: mắt kết mạc đỏ, môi lưỡi đỏ, sưng nề góc hàm phải, phù nề tay chân, nổi ban sẩn ngứa rải rác trên thân mình, ho có đờm và khò khè. Ngay lập tức, bệnh nhi được chẩn đoán mắc Kawasaki và được chỉ định can thiệp điều trị ngay để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhi đã được đội ngũ bác sĩ chuyên khoa từ Bệnh viện Nhi Trung ương trực tiếp thăm khám và hội chẩn nhằm tối ưu phương án điều trị. Qua 14 ngày điều trị tích cực, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, các chỉ số sinh học dần trở lại bình thường và kết quả siêu âm tim cho thấy tim mạch của bệnh nhi đã hoàn toàn ổn định.
Được biết, Kawasaki là một bệnh lý hiếm gặp nhưng có thể gây viêm mạch toàn thân, dẫn đến các biến chứng tim mạch nghiêm trọng như viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim, phình giãn hoặc hẹp tắc động mạch vành. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột tử hoặc suy giảm chức năng mạch vành mạn tính ở trẻ nhỏ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ có các biểu hiện như sốt kéo dài, mắt đỏ, sưng phù ở tay chân hoặc nổi ban không rõ nguyên nhân, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được kiểm tra và can thiệp kịp thời.
1 người tử vong, 5 người vào viện sau khi ăn thịt cóc, trứng cóc
Theo báo Công Lý, ngày 29/10, Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, chỉ trong thời gian ngắn trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong và 5 trường hợp điều trị do ngộ độc thịt và trứng cóc.
Cụ thể, ngày 1/10, A.H (SN 2007, trú thôn Tê Pan, xã Văn Lem, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) uống rượu và ăn thịt ếch, thịt cóc, trứng cóc tại nhà. Bà Y.S (mẹ của A.H) thấy có trứng cóc nên lấy đổ đi nhưng A.H vẫn giật lại để ăn.
Sau khi ăn xong, A.H xuất hiện triệu chứng đau đầu, buồn nôn, đau bụng, trạng thái tinh thần không ổn định. Thấy vậy, gia đình nhanh chóng đưa A.H đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô.
Kết quả, bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngộ độc thịt cóc với các triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, vật vã, la hét. Bệnh nhân được chuyển tuyến lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum và tử vong vào ngày 3/10.
Tiếp đó, vào ngày 22/10, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum tiếp nhận và điều trị ngoại trú 5 ca bệnh (trú thôn 4, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) chẩn đoán nghi ngộ độc thịt cóc có kèm trứng cóc.
Theo lời của bệnh nhân, ngày 21/10, A.N (SN 2005) đi bắt cóc, bắt cá về đưa vợ là Y.R (SN 2006) làm thịt cóc có trứng trong bụng để xào nấu với rau rừng ăn tối. Bữa ăn hôm đó có thêm con trai là A.Ng., A.P và A.V (hàng xóm).
Sau khoảng 15 phút, cả 5 người lần lượt đều có dấu hiệu ngộ độc với triệu chứng đau bụng, nôn, mệt, khó thở. Gia đình đưa 5 bệnh nhân vào Trung tâm Y tế huyện Kon Rẫy cấp cứu và sau đó chuyển tuyến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Rất may, cả 5 người đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe ổn định và được xuất viện.
Trước tình hình ngộ độc thịt cóc xảy ra, Sở y tế tỉnh khuyến cáo người dân không nên sử dụng thịt cóc và trứng cóc vì có chứa độc tố rất mạnh, nếu ăn uống không cẩn trọng sẽ gây hậu quả khó lường.
Thiếu niên 15 tuổi bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn trúng tay
Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ đại diện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết vừa điều trị cho nam bệnh nhân D.H.D. (15 tuổi, ngụ Tây Ninh) nhập viện vì bị rắn lục cắn, rối loạn đông máu nặng.
Cụ thể, khoảng 14h30 ngày 27/10, thiếu niên đang chơi trong nhà, thấy vật thể lạ màu xanh trong hốc cổ xe găn máy, tưởng là lá cây nên lấy tay phải bóc vào. Theo bản năng tự vệ, con rắn cắn vào ngón tay trỏ phải của bệnh nhi. Thiếu niên la lên vì đau, vết thương chảy nhiều máu.
Người nhà phát hiện đã lấy bông gòn cầm máu, đồng thời bắt được con rắn và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện địa phương. Tại đây, sau khi sơ cứu cầm máu, truyền dịch đã chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân sưng bầm bàn tay phải lan lên cổ tay, vết rắn cắn ở ngón trỏ tay phải chảy máu thấm gạc. Vẻ mặt bệnh nhân lừ đừ, xét nghiệm biểu hiện rối loạn đông máu nặng, cùng với người nhà mang theo con rắn bắt được là rắn lục xanh đuôi đỏ.
Vì vậy, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn và xử trí truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu cho trẻ. Kết quả, tình trạng bệnh nhân có cải thiện sau 6 giờ truyền huyết thanh kháng nọc rắn. Hiện, bệnh nhân được tiếp tục theo dõi điều trị.
Qua trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh lưu ý mùa này thời tiết thay đổi, mưa bão hoành hành, các loài vật như rắn, bò cạp,… tìm nơi trú ẩn, chạy vào nhà, vô tình cắn trẻ như là một biện pháp tự vệ.
Do đó, phụ huynh cần phải phát hoang bụi rậm xung quanh nhà, giữ cho nhà cửa thông thoáng sạch sẽ, an toàn không để các loài rắn độc côn trùng độc hại,… chạy vào nhà, có thể tấn công gây nguy hiểm cho trẻ.