+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống 21/9/2024: Vô tình đóng tiền điện cho hàng xóm suốt 15 năm

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 21/9/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 21/9/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Vô tình đóng tiền điện cho hàng xóm suốt 15 năm

    Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ Guardian cho hay, anh Ken Wilson ở thành phố Vacaville (bang California, Mỹ) cảm thấy lo lắng khi hóa đơn tiền điện nhà anh luôn cao hơn những người khác. Điều này không hợp lý vì anh luôn cố gắng tiết kiệm điện.

    “Tôi luôn hạn chế sử dụng điện vì các hóa đơn ngày càng đắt đỏ”, anh Wilson chia sẻ. Gần đây, anh mới nhận ra mình đã vô tình trả hóa đơn điện cho hàng xóm trong ít nhất 15 năm.

    Anh đã khiếu nại với công ty năng lượng địa phương là PG&E và họ cử một kỹ sư xuống khảo sát. “Ban đầu tôi cứ nghĩ là rò rỉ điện, đồng hồ đo điện bị hỏng hoặc có ai đã câu trộm điện của tôi”, anh cho biết.

    Kỹ sư của PG&E phát hiện đồng hồ đo điện của anh Wilson được kết nối với căn hộ số 91 thay vì căn hộ số 90 của anh. Theo kỹ sư, tình trạng này đã diễn ra ít nhất từ năm 2009.

    Người đàn ông nhận ra nhận ra mình đã vô tình trả hóa đơn điện cho hàng xóm trong ít nhất 15 năm. Ảnh minh họa: Noah Berger

    Người đàn ông nhận ra nhận ra mình đã vô tình trả hóa đơn điện cho hàng xóm trong ít nhất 15 năm. Ảnh minh họa: Noah Berger

    PG&E đã xin lỗi trong một tuyên bố ngày 16/9 và thông tin kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy “số công tơ điện của căn hộ đã được tính cho một căn hộ khác từ năm 2009”.

    Chia sẻ với đài KMAX/KOVR, anh Wilson cho biết anh chuyển đến căn hộ này vào năm 2006 và anh tin rằng bản thân đã trả nhầm hóa đơn ngay từ đầu. “Tôi chỉ hy vọng câu chuyện này sẽ giúp ích cho những người khác. Ắt hẳn tôi không phải là người duy nhất”, anh nói.

    Hiện tại, anh Wilson vẫn phải trả hóa đơn điện cho hàng xóm ở căn hộ 91. PG&E cho biết điều này chỉ có thể thay đổi trong chu kỳ thanh toán tiếp theo.

    Ghép thận cứu bé 8 tuổi bị suy thận mạn giai đoạn cuối

    Theo chuyên trang Gia Đình & Xã Hội, vửa qua các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện ghép thận thành công cho bệnh nhi 8 tuổi suy thận mạn giai đoạn cuối trên nền bệnh Von Willebrand gây rối loạn đông máu, kèm theo suy tim.

    Theo đó, bé S.A phát hiện mắc bệnh suy thận mạn từ khi 4 tuổi, kèm theo bệnh nền giảm tiểu cầu. Suốt 4 năm qua, gia đình đã kiên trì cùng bé điều trị song song hai bệnh lý và kiểm tra định kỳ tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

    Tháng 11/2023, tình trạng bệnh nhi trở nặng, gây biến chứng chức năng tim, phổi nên bệnh nhi đã được chỉ định điều trị lọc máu thay thế thận tại khoa Thận và Lọc máu. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra rất khó khăn do bé S.A được phát hiện mắc thêm bệnh lý huyết học Von Willebrand tuýp 2b. Đây là bệnh rối loạn đông cầm máu do thiếu hụt hoặc giảm hoạt tính của yếu tố Von Willebrand trong máu.

    TS.BS Nguyễn Thị Mai Hương - Trưởng khoa Huyết học lâm sàng Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong quá trình lọc máu định kỳ, tiểu cầu của trẻ thường xuyên ở mức thấp và phải truyền tiểu cầu, đồng thời, có những đợt chảy máu kéo dài, các bác sĩ phải can thiệp để ngăn chặn tình trạng này.

    Cùng với đó, tình trạng suy tim của trẻ cũng khiến quá trình điều trị bị ảnh hưởng rất lớn, trẻ phải chạy thận nhân tạo hàng ngày để giảm tình trạng quá tải cho tim, tuy nhiên, mỗi ngày trẻ chỉ chịu đựng được hơn 1 giờ lọc máu là phải dừng lại, do đó việc lọc máu kém hiệu quả.

    Theo TS.BS Nguyễn Thu Hương – Trưởng khoa Thận và Lọc máu Bệnh viện Nhi Trung ương, đây là một ca bệnh rất phức tạp, nếu không ghép thận trẻ sẽ tử vong. Tuy nhiên, ca ghép tiềm ẩn nhiều rủi ro vì trẻ mắc bệnh lý rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu và suy tim kéo dài.

    "Chúng tôi đã hội chẩn với các chuyên khoa nhiều lần, xác định rõ các yếu tố nguy cơ, phương pháp phẫu thuật, gây mê, hồi sức cụ thể và đồng lòng quyết tâm ghép thận cứu sống trẻ", bác sĩ Hương cho hay.

    Sau 14 ngày ghép thận, bệnh nhi đã hoàn toàn ổn định, tỉnh táo, ăn uống bình thường và được ra viện. Ảnh: Gia Đình & Xã Hội

    Sau 14 ngày ghép thận, bệnh nhi đã hoàn toàn ổn định, tỉnh táo, ăn uống bình thường và được ra viện. Ảnh: Gia Đình & Xã Hội

    Ngày 27/8, ca ghép thận cho bệnh nhi được tiến hành với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa trong bệnh viện như: ngoại tiết niệu, tim mạch, thận và lọc máu; gây mê hồi sức, hồi sức ngoại, nội tiết – chuyển hóa – di truyền, chẩn đoán hình ảnh, ngân hàng máu, sinh hóa, huyết học.

    Trước và trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ chuyên khoa Huyết học lâm sàng liên tục túc trực, đảm bảo tiêm thuốc nâng cao nồng độ Von Willebrand và truyền tiểu cầu để ekip phẫu thuật viên và gây mê yên tâm trong cuộc mổ.

    Sau 5 giờ phẫu thuật, ca ghép thận căng thẳng đã diễn ra thành công. Sau ghép, bệnh nhi được chuyển về khoa Điều trị tích cực ngoại khoa để theo dõi và chăm sóc hồi sức.

    Bệnh nhi được hỗ trợ các chức năng sống thường quy, kiểm soát và phòng chống nhiễm khuẩn, đảm bảo dinh dưỡng, huyết áp tốt, đảm bảo tưới máu thận tối ưu, bù lại thể tích tuần hoàn, cân bằng nước và điện giải, duy trì các thuốc chống thải ghép.

    Sau 14 ngày ghép thận, bệnh nhi đã hoàn toàn ổn định, tỉnh táo, ăn uống bình thường và được ra viện.

    Đi cấp cứu sau khi tiêm filler tại cơ sở thẩm mỹ “chui”

    Tạp chí Gia Đình Việt Nam dẫn thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, các bác sĩ bệnh viện này vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ (44 tuổi) vào cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi nhiều, tức ngực, khó thở, tình trạng bệnh xuất hiện sau khi bệnh nhân được tiêm thuốc tê (Lidocain) để tiêm filler mũi tại một cơ sở thẩm mỹ “chui”.

    Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn thấy huyết áp tụt thấp, độ bão hòa oxy máu không đảm bảo.

    Ngay lập tức, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi phản vệ độ III với Lidocain và được xử trí đồng thời theo cả hai phác đồ phản vệ và ngộ độc với thuốc tê, sử dụng vận mạch adrenalin và nhũ tương lipid 20% cùng các biện pháp hồi sức cấp cứu khác.

    Sau khi tình trạng bệnh nhân tạm ổn định, bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức nội khoa và chống độc, Trung tâm Hồi sức - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để tiếp tục theo dõi và điều trị.

    Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho người bệnh.

    Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho người bệnh.

    Trong quá trình điều trị, bệnh nhân tiến triển nặng tổn thương đa cơ quan (hô hấp, cơ tim, gan, rối loạn đông máu), phải kết hợp nhiều thuốc vận mạch với liều cao tăng dần, nguy cơ tử vong cao. Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực, thông khí nhân tạo xâm nhập, siêu lọc máu liên tục kết hợp với thuốc vận mạch và nhũ tương lipid 20%.

    Sau 3 ngày điều trị, tình trạng bệnh cải thiện tốt, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, chuyển sang thở oxy gọng kính. Liều thuốc vận mạch giảm dần và đã cắt hoàn toàn thuốc vận mạch sau 5 ngày. Bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, các cơ quan tổn thương đã hồi phục và được xuất viện sau 7 ngày điều trị.

    Bác sĩ CKI Nguyễn Tiến Sơn - khoa Cấp cứu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ, trường hợp trên là bệnh nhân may mắn được cấp cứu đúng cách, kịp thời và tích cực nên tránh được những hậu quả đáng tiếc.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-21-9-2024-vo-tinh-ong-tien-ien-cho-hang-xom-suot-15-nam-a466523.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan