Phải cắt bỏ ngón chân sau khi ngâm nước quá nóng
Tạp chí Tri Thức đưa tin, bà C.T.T (54 tuổi, ở Long An) bị bỏng nặng khi ngâm chân vào nước quá nóng mà không nhận biết được. Theo lời kể của bệnh nhân, lúc pha nước ngâm chân cho bà, người nhà quên thêm nước lạnh để làm nguội. Bà T. bị bệnh nên không còn cảm nhận được nhiệt độ nước. Vì vậy, khi bỏ chân vào ngâm, bệnh nhân bị bỏng nặng cả hai bàn chân.
Khi nhập viện, vết bỏng đã nghiêm trọng và lan rộng ở cả hai bên chân, làm tổn thương đến da và các cấu trúc dưới da. Các bác sĩ nhận định khả năng các ngón chân bị hoại tử do bị bỏng nặng, gây thiếu máu nuôi một khoảng thời gian trước khi nhập viện, tiên lượng cần cắt bỏ các ngón để tránh ngộ độc do các chất độc mà mô hoại tử tạo ra.
Tuy nhiên, tại thời điểm lúc nhập viện, bà T. có dấu hiệu lơ mơ, không tỉnh táo, không thể loại trừ khả năng sốc nhiễm khuẩn. Sau khi hội chẩn, người bệnh chóng được chuyển vào khoa hồi sức tích cực để điều trị, thực hiện các biện pháp hỗ trợ tích cực nhằm kiểm soát nhiễm trùng.
Quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn, do cơ địa đặc biệt của người bệnh tiểu đường. Sau 2 tuần điều trị nội khoa và chăm sóc chuyên sâu, mặc dù vết bỏng đã cải thiện, các ngón chân của bệnh nhân vẫn có dấu hiệu hoại tử khô. Bởi bệnh nhân bị bỏng nặng khi ngâm chân lâu trong nước nóng và cơ địa đái tháo đường làm cho máu khó lưu thông đến các ngón chân, dẫn đến các mô ở ngón chân dần chết đi.
Để ngăn ngừa tình trạng hoại tử lan rộng, tránh các biến chứng nguy hiểm, bác sĩ buộc phải đưa ra quyết định cắt bỏ các ngón chân của bệnh nhân. Việc mất đi các ngón chân sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng đi lại, sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân.
Sau ca phẫu thuật, bà T. sẽ cần một quá trình phục hồi chức năng dài hạn và có sự hỗ trợ từ gia đình, cũng như sự chăm sóc y tế thường xuyên để đảm bảo quá trình hồi phục thuận lợi.
Đối với người bệnh đái tháo đường, mọi biến chứng đều có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được theo dõi và can thiệp kịp thời. Việc tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về bệnh tật và có sự chuẩn bị kỹ càng trong việc chăm sóc, hỗ trợ người bệnh tiểu đường là chìa khóa để ngăn ngừa những biến cố đáng tiếc như trường hợp trên.
Gia Lai ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do bệnh dại
Theo báo Nhân Dân, chiều 14/10, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết vừa ghi nhận thêm 1 ca tử vong do bệnh dại. Trường hợp tử vong là anh P.T. (SN 1987, thôn Brông Thông, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Theo lời kể của người nhà, vào đầu tháng 8/2024, anh P.T. bị chó của gia đình hàng xóm cắn. Sau khi bị chó cắn, anh P.T. không đến Trạm Y tế Ia Băng để xử lý vết thương cũng như tư vấn điều trị dự phòng nên trạm y tế không nắm được thông tin
Ngày 11/10, anh P.T. có biểu hiện mệt mỏi, đau nhức vùng đùi và bẹn trái, tự đi mua thuốc về nhà uống.
Ngày 12/10, bệnh nhân có triệu chứng khó thở, sợ gió, sợ nước, tinh thần hoảng loạn, đau nhức toàn thân khám và nhập viện khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, chẩn đoán: bệnh dại lên cơn.
Sau khi nghe giải thích về tình trạng bệnh, người nhà đã xin đưa bệnh nhân về nhà tại thôn Brông Thông để tiện theo dõi và chăm sóc. Trưa 13/10, bệnh nhân tử vong tại nhà.
Đây là trường hợp tử vong thứ 6 do bệnh dại trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ đầu năm đến nay.
CDC Hà Nội cảnh báo về trào lưu “bắt pen”
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin ngày 14/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã đưa ra cảnh báo về trò chơi nguy hiểm chết người của giới trẻ, đó là "bắt pen”.
Theo CDC Hà Nội, "bắt pen" không phải là môn thể thao có liên quan tới bóng đá, hiện là một trào lưu đang được lan truyền trên mạng xã hội TikTok. Khi chơi trò này, một người sẽ thực hiện việc ấn mạnh vào hai bên mạch máu cổ của người khác để tìm kiếm cảm giác lâng lâng hoặc "phê pha giả tạo".
Nguyên nhân sâu xa của trào lưu "bắt pen" là nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, thường muốn thử nghiệm những cảm giác mạnh mẽ và khác biệt. Tuy nhiên. cảm giác thích thú chỉ diễn ra trong mấy giây nhưng hậu quả của nó vô cùng nguy hiểm không thể lường trước được.
Một số tác hại của trào lưu "bắt pen" có thể kể đến như sau:
- Thiếu máu não: Nếu thực hiện ấn vào 2 động mạch cảnh vài giây sẽ không gây nguy hiểm nhưng nếu ấn lâu thì có thể gây ra thiếu máu não trầm trọng. Khi máu không được cung cấp đủ cho não, có thể dẫn đến chóng mặt, ngất xỉu hoặc thậm chí là tổn thương não. Các tế bào não bị thiếu máu 5 phút sẽ không thể phục hồi.
- Ngưng tim: Hành động "bắt pen" có thể kích thích một số phản xạ trong cơ thể, dẫn đến ngưng tim đột ngột.
- Chấn thương mạch máu, thần kinh vùng cổ: Áp lực mạnh lên cổ có thể gây chấn thương cho các cấu trúc xung quanh, bao gồm dây thần kinh và mạch máu và các tổ chức mô mềm xung quanh.
- Trong một số trường hợp nghiêm trọng còn có thể dẫn đến tử vong.
CDC Hà Nội khuyến cáo, khi tham gia hưởng ứng các trào lưu trên mạng xã hội thì người dùng cần hết sức tỉnh táo, tìm hiểu kỹ tác hại của nó và đặt sự an toàn của bản thân, gia đình và xã hội lên trên hết.