Camera trước iPhone 11 bị đánh giá kém hơn Galaxy S10; Google Lens có thể “cắt dán” ghi chú viết tay sang máy tính,... là những tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 9/5/2020.
Camera trước iPhone 11 bị đánh giá kém hơn Galaxy S10, Mate 30
iPhone 11 được xem là smartphone bán chạy nhất hiện nay của Apple. Máy trang bị cấu hình mạnh, thiết kế đẹp và camera được người dùng đánh giá cao.
Về thông số, iPhone 11 trang bị 2 camera sau với camera chính 12 MP f/1.8, tiêu cự 26 mm và camera góc siêu rộng 12 MP f/2.4, tiêu cự 13 mm. Máy có 4 đèn flash LED, nhiều chế độ thú vị như Portrait Lightning hay QuickTake.
Camera của iPhone 11 thua kém nhiều đối thủ. Ảnh: GSMArena |
Mặt trước của iPhone 11 là camera selfie 12 MP hỗ trợ chụp chân dung và quay phim slow-motion (Slofie) tương tự dòng iPhone 11 Pro. Ngày 7/5 vừa qua, chuyên trang DxoMark đã công bố kết quả đánh giá camera trước của iPhone 11, xếp sau loạt đối thủ như Samsung và Huawei.
Về chất lượng chụp ảnh camera trước, iPhone 11 được chấm 92 điểm còn iPhone 11 Pro là 93 điểm, sự chênh lệch được cho đến từ khả năng lấy nét của iPhone 11 Pro tốt hơn. Cả 2 đều cho ra ảnh selfie ban ngày khá tốt, tuy nhiên khả năng lấy nét xa còn kém với chi tiết bị mất nhiều. Ảnh chụp trong nhiều điều kiện cũng bị nhiễu hạt, đặc biệt là trong môi trường thiếu sáng.
Về khả năng quay phim, camera này cho chất lượng tốt ở độ phân giải 4K@30 fps. Độ phơi sáng, chi tiết, màu sắc và chuyển tiếp giữa các điều kiện ánh sáng được xử lý tốt, thậm chí tốt hơn iPhone 11 Pro.
Kết hợp khả năng quay phim, điểm trung bình camera trước của iPhone 11 là 91 điểm, đứng thứ 13 trên bảng xếp hạng của DxOMark, xếp sau hàng loạt cái tên như Galaxy Note9, Pixel 3, Galaxy Note10, Galaxy S20 hay Huawei P40 Pro.
Trước đó, DxOMark cũng thử nghiệm cụm camera sau của iPhone 11. Camera góc siêu rộng được đánh giá tốt với độ phơi sáng, màu sắc, chi tiết và lấy nét được xử lý mượt mà tương tự iPhone 11 Pro. Ảnh chụp ngoài trời, trong nhà và thiếu sáng được đánh giá cao với khả năng xử lý phơi sáng tốt.
Tuy nhiên, việc thiếu đi camera telephoto khiến khả năng zoom ảnh của iPhone 11 bị hạn chế nhiều. Riêng chế độ thiếu sáng của iPhone 11 được đánh giá là một trong những chế độ tốt nhất trên smartphone hiện nay. Chất lượng quay video của máy cũng được đánh giá ngang iPhone 11 Pro.
Không ngạc nhiên khi camera này bị đánh giá kém hơn iPhone 11 Pro về tổng thể, song điểm số trung bình 109 chỉ giúp iPhone 11 xếp thứ 24 trong danh sách, bằng với Huawei P20 Pro ra mắt năm 2018, thua hàng loạt smartphone từ Samsung và các hãng Trung Quốc.
Google Lens có thể “cắt dán” ghi chú viết tay sang máy tính, không dành cho người chữ xấu
Để sử dụng tính năng mới, bạn cần cài đặt Google Chrome và ứng dụng Google Lens phiên bản mới nhất trên Android hoặc Google trên iOS. Bạn cũng cần phải đăng nhập một tài khoản Google trên cả hai thiết bị.
Sau khi cài xong, hướng camera vào bất kỳ ký tự viết tay nào, bôi đậm trên màn hình rồi chọn “sao chép” (copy). Tiếp đến, bạn mở tài liệu trong Google Docs, bấm “chỉnh sửa” (edit) rồi chọn “dán” (paste) để dán đoạn ghi chú vừa rồi. Lưu ý, chữ viết của bạn phải dễ nhìn.
Theo thử nghiệm của The Verge, tính năng mới của Google Lens không phải lúc nào cũng có tác dụng. Nếu chữ của bạn quá xấu hay khó nhìn, nó sẽ có lỗi. Tuy nhiên, đây vẫn là một chức năng khá hay và đặc biệt hữu ích khi nhiều người làm việc ở nhà và dựa vào danh sách dài dằng dặc để hoàn thành các công việc trong ngày.
Ngoài tính năng “cắt dán”, Google còn giới thiệu công cụ phát âm mới. Bôi đậm một từ trong Lens, bấm vào “lắng nghe” (listen) để nghe phát âm. Công cụ mới đã có trên Android, tuy nhiên phiên bản iOS vẫn chưa được giới thiệu.
Khám phá thiết bị ‘da điện tử’ giúp theo dõi sức khỏe thông qua mồ hôi
Da điện tử giúp theo dõi sức khỏe thông qua mồ hôi. Ảnh: Techxplore |
Làn da có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cảnh báo sức khỏe con người. Bởi vậy việc nghiên cứu những thiết bị theo dõi sức khỏe thông qua làn da ngày càng được phát triển mạnh mẽ.
Mới đây, Giáo sư Wei Gao đến từ Viện kỹ thuật California (Caltech) đã phát triển một làn da điện tử được dán trực tiếp lên da thật của con người. Da điện tử được làm từ cao su mềm, dẻo, có thể được gắn các cảm biến theo dõi thông tin như nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, lượng đường trong máu, các sản phẩm phụ trao đổi chất và thậm chí là các tín hiệu thần kinh kiểm soát cơ bắp. Thiết bị này hoạt động không cần pin, bởi nó chạy trên các tế bào nhiên liệu sinh học được cung cấp bởi một trong những sản phẩm thải của chính cơ thể - mồ hôi.
Giáo sư Wei Gao cho biết, mồ hôi của con người chứa hàm lượng chất lactat rất cao - hợp chất được tạo ra như một sản phẩm phụ của các quá trình trao đổi chất thông thường, đặc biệt là cơ bắp trong quá trình tập luyện. Các tế bào trong da điện tử sẽ hấp thụ chất lactat này cùng với oxy từ không khí, tạo ra nước và pyruvate - một sản phẩm phụ khác của quá trình trao đổi chất. Trong quá trình hoạt động, các tế bào năng lượng sinh học sẽ sinh ra điện năng đủ để vận hành các cảm biến và các thiết bị kết nối Bluetooth giúp vận chuyển và đọc các chỉ số cơ thể mà miếng da điện tử thu được.
Thời gian tới, nhóm nghiên cứu nói rằng sẽ phát triển một loạt cảm biến trên da điện tử để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau: “Ngoài việc là một bộ cảm biến sinh học có thể đeo, đây còn có thể là một giao diện kết hợp người-máy giúp thu thập thông tin để thiết kế và tối ưu hóa các chi giả thế hệ kế tiếp", Gao nói.
Nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Science Robotics.
Minh Khôi(T/h)