Musk giới hạn số lượt xem Twitter của người dùng
Kế hoạch được Musk thông báo trên trang cá nhân hôm 2/7 với lý do "giải quyết sự cực đoan của việc thu thập dữ liệu và thao túng hệ thống".
Cụ thể, ông chủ Twitter đưa ra giới hạn tài khoản sẽ chỉ được xem tối đa 6.000 bài đăng mỗi ngày với người đã mua Twitter Blue. Tài khoản chưa xác minh nhưng được tạo từ lâu, sẽ được xem 600 bài, trong khi tài khoản mới tạo được xem 300 bài mỗi ngày. Bài đăng sau đó gây sốt, thu về 500 triệu lượt xem sau một ngày và hơn nửa triệu lượt chia sẻ.
Vài giờ sau, Musk hai lần thay đổi quyết định, nâng giới hạn lên lần lượt 8.000, 800 và 400, và cuối cùng chốt ở mức 10.000, 1.000 và 500 bài.
Ông không đưa ra thời gian áp dụng cụ thể, nhưng cho biết đây sẽ là "giới hạn tạm thời". Tuần trước, Twitter cũng yêu cầu người xem phải đăng nhập hoặc đăng ký tài khoản nếu muốn đọc nội dung.
Trả lời người dùng, ông chủ Twitter cho biết đây là biện pháp nhằm ngăn chặn các tổ chức đang lấy dữ liệu từ Twitter để huấn luyện AI. "Hàng trăm tổ chức (có thể nhiều hơn) đang thu thập dữ liệu Twitter một cách mạnh mẽ, đến mức ảnh hưởng tới trải nghiệm người dùng", ông nói. Trước đó, ông từng phàn nàn các công ty như OpenAI sử dụng dữ liệu Twitter để đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn.
Một starup giáo dục Việt Nam vừa được rót 600.000 USD
Stag - một startup giáo dục tài chính vừa gọi vốn thành công 600.000 USD vòng hạt giống thông qua chương trình Entrepreneur-in-Residence (EIR).
Được biết, EIR là chương trình đầu tiên của quỹ Viet Capital Ventures (VCV). Đồng hành với VCV còn có công ty TNHH Chứng khoán NH Việt Nam (NHSV) và Resolution Ventures - đơn vị cùng đầu tư vòng hạt giống và cung cấp hỗ trợ chiến lược, đặc biệt là về công nghệ, thông tin thị trường để Stag đạt các mục tiêu tăng trưởng.
Stag là startup phát triển nền tảng công nghệ tài chính để người dùng tham gia học tập, tìm hiểu kiến thức đầu tư, quản lý tài chính cá nhân, cập nhật thông tin và phân tích dữ liệu thị trường.
Starup này được đồng sáng lập bởi ông Bằng Trần - từng là Quản lý cấp cao của FinVolution Group tại Việt Nam, ông Vũ Nguyễn - từng giữ chức Trưởng nhóm kỹ sư AI tại MOMO và ông Đạt Huỳnh - từng là nhà sáng lập nền tảng du lịch Inspitrip.
Theo như công bố, thông qua các ứng dụng do Stag phát triển, người dùng sẽ có thể tiếp cận kho thông tin kiến thức về quản lý tài chính cá nhân, công cụ thực hành đầu tư trực quan, nội dung game hóa dựa trên dữ liệu thị trường theo thời gian thực được phát triển bởi nhóm kỹ sư AI.
Đồng thời, các ứng dụng này còn phục vụ khách hàng doanh nghiệp mong muốn thực hiện chương trình đầu tư tích lũy như một phần của mô hình quản lý nhân sự.
Chuyện gì đã xảy ra với Skype
Theo CNBC, Skype hiện tại "không còn là những gì nó đã từng". Sau khi trở nên nổi tiếng vào đầu những năm 2000 với tính năng trò chuyện video qua mạng Internet, Skype được eBay để ý và đặt ra thỏa thuận mua lại vào năm 2005.
Tuy nhiên, thương vụ làm ăn này sau đó không thành công mà chỉ một nhóm nhà đầu tư do quỹ Silver Lake đứng đầu bỏ tiền ra đầu tư vào Skype. Đến năm 2011, Microsoft chính thức bước vào bàn đàm phán, chi ra 8,5 tỷ USD và biến Skype thành công ty con của mình.
Dù vậy, ngay cả khi được hỗ trợ bởi công ty phần mềm lớn nhất thế giới, Skype vẫn đang thất thế so với những đối thủ khác.
Trong thời kỳ đại dịch - khoảng thời gian bùng nổ của các ứng dụng họp online - phần lớn người dùng chuyển sang sử dụng các công cụ như Zoom, Meta hay Whatsapp chứ không ngó ngàng nhiều đến Skype.
Nhận xét về điều này, ông Jim Gaynor - Phó chủ tịch phụ trách mảng nghiên cứu của công ty tư vấn Directions on Microsoft - cho biết: "Việc mua lại Skype thực chất vẫn là một đổi một".
Microsoft đã rất cố gắng quảng bá Skype trong Outlooks, Windows và thậm chí còn trợ giúp ứng dụng này bằng chatbot trí tuệ nhân tạo Bing nhưng nó vẫn không giành được nhiều sự chú ý lắm.
XEM THÊM: Tại sao iPhone 15 Series không "hồi sinh" Touch ID?
Tháng 3/2020, Microsoft thông báo Skype lúc đó có 40 triệu người dùng hoạt động hàng ngày, nhưng con số hiện tại đã giảm xuống còn 36 triệu - theo một khảo sát gần đây.
Trong khi đó, ứng dụng liên lạc mới - Microsoft Teams - lại ngày càng phổ biến với hơn 300 triệu người dùng trong thời gian gần đây - tăng từ mốc gần 250 triệu người của tháng 7/2021.
Ông Jaan Tallinn - một trong những kỹ sư sáng lập của Skype - cho biết dù đã hơn một thập kỷ kể từ khi ông rời công ty, đây vẫn là lựa chọn đầu tiên của ông cho các cuộc họp.
Không rõ Skype sẽ tồn tại bao lâu nữa, nhưng rõ ràng là nó cần một chiến lược khác để cải thiện tình hình này.
Hoàng Yên(T/h)