Intel xây nhà máy 25 tỷ USD ở Israel
Bộ Tài chính Israel thông báo nhà máy mới của Intel sẽ được xây dựng tại Kiryat Gat và đi vào hoạt động năm 2027 với hàng nghìn lao động. Theo thỏa thuận với Israel, Intel sẽ trả thuế 7,5%, cao hơn so với mức 5% hiện nay, đổi lại công ty được tài trợ 12,8% tổng kinh phí theo luật khuyến khích đầu tư của nước này.
Intel đã có mặt và hoạt động tại Israel gần 5 thập kỷ, trở thành nhà tuyển dụng và xuất khẩu tư nhân lớn nhất tại đây. Đồng thời, Intel cũng là công ty dẫn đầu ngành nghiệp thông tin và điện tử của Israel.
Năm 2017, Intel mua lại Mobileye Global của Israel với giá 15 tỷ USD. Đây là công ty chuyên phát triển hệ thống hỗ trợ lái xe dựa trên thị giác và công nghệ không người lái dựa trên máy học, phân tích dữ liệu, bản địa hóa và lập bản đồ.
Từng thống trị ngành chip, Intel dần bị các đối thủ Nvidia, AMD vượt lên, khiến CEO Pat Gelsinger đang phải tham gia vào một ván cược đánh đổi bằng cả sự nghiệp. Đến nay, việc lật ngược tình thế vẫn rất khó khăn. Kế hoạch của Gelsinger là đầu tư hàng trăm tỷ USD vào các nhà máy mới, sản xuất chip cho các công ty khác, bên cạnh việc tạo ra sản phẩm của chính mình. Tuần trước, Intel cũng công bố chế tạo bộ xử lý lượng tử Tunnel Falls, gia nhập cuộc đua điện toán lượng tử.
ChatGPT có thể tạo khóa kích hoạt Windows 11
Theo Digital Trends, ChatGPT đã làm cả thế giới kinh ngạc với những điều nó có thể làm được, và giờ đây, khả năng mới của chatbot “nhà” OpenAI là có thể tạo ra key bản quyền chính hãng của Windows 10 và Windows 11. Tất cả những gì cần làm là đưa ra một số gợi ý thông minh và bạn sẽ có quyền truy cập miễn phí vào hệ điều hành của Microsoft.
Trong các câu trả lời của mình, ChatGPT đã tạo 5 khóa kích hoạt cho Windows 11 Pro và 10 Pro. Chatbot này cũng gửi đến người dùng Twitter thông điệp: "Tôi hy vọng những khóa này giúp bạn thư giãn và chìm vào giấc ngủ. Nếu bạn cần thêm bất kỳ sự trợ giúp nào, vui lòng hỏi".
Đáng ngạc nhiên, các key bản quyền này thực sự hoạt động. Bên cạnh ảnh chụp màn hình về câu hỏi và các key do ChatGPT tạo ra, người dùng này cũng chia sẻ một hình ảnh hệ điều hành Windows chấp nhận một trong các key được cung cấp là hàng chính hãng.
Thủ thuật tương tự cũng hoạt động trên Google Bard, công cụ này đã tạo ra một loạt key bản quyền chính hãng của Windows 10.
Ngoài ra, @immasiddtweets đã chỉ ra cách có thể sử dụng một kỹ thuật tương tự để nâng cấp từ Windows 11 Home lên Windows 11 Pro. Chỉ cần yêu cầu khóa Windows 11 Pro và sau đó dán khóa đó vào hộp khóa cấp phép trong ứng dụng Cài đặt của Windows, sau đó vào Giới thiệu > Khóa sản phẩm và quá trình thực hiện hoạt động.
Mặc dù phương pháp này có thể cung cấp một cách miễn phí để có được bản quyền Windows 11 và Windows 10, nhưng nó cũng tồn tại nhược điểm. Các key bản quyền được tạo là các key dùng chung, có nghĩa là mặc dù chúng sẽ cho phép cài đặt hoặc nâng cấp Windows, nhưng phiên bản kết quả của hệ điều hành sẽ bị hạn chế và một số tính năng sẽ không dùng được.
iPhone sắp có công nghệ chống trầy xước mới
Theo GizChina, Apple đã được Văn phòng Bằng sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ cấp bằng sáng chế mới cho vật liệu "Spatial Composites". Bằng sáng chế Spatial Composites có nghĩa là Apple đang nghiên cứu một loại vật liệu mới để giữ cho iPhone, iPad và Apple Watch được bảo vệ chống trầy xước tốt hơn trên thân máy.
Bằng sáng chế xoay quanh quá trình đưa các vật liệu như kim loại và gốm vào vỏ của một chiếc điện thoại, giúp tăng khả năng chống trầy xước. Theo Apple, vỏ này rất chắc chắn và có thể chống trầy xước đồng thời cản trở tín hiệu vô tuyến đi vào hoặc phát ra từ thiết bị.
Thực tế, việc sử dụng chất liệu nhựa sẽ không phù hợp dù khá bền và trong suốt đối với tín hiệu vô tuyến. Mặt khác, nhựa rất dễ dàng bị trầy xước và móp méo. Trong khi đó, chất liệu gốm cũng cho phép tín hiệu vô tuyến vào và ra khỏi thiết bị và có khả năng chống trầy xước nhưng khá giòn. Bằng sáng chế thảo luận về việc sử dụng kết hợp cả ba vật liệu để tạo ra vỏ nhựa kết hợp kim loại, gốm, thủy tinh và các vật liệu khác.
Những vật liệu này sẽ được tráng bên trên nhựa để mang lại sự cân bằng về các đặc tính bao gồm: độ bền, độ dẻo dai, chống vỡ, độ trong suốt của sóng vô tuyến và khả năng chống trầy xước hoặc mài mòn. Các vật liệu chống mài mòn có thể được tạo thành các hình dạng và kích cỡ khác nhau. Chúng có thể là hình cầu, hình hạt hoặc có cấu trúc liên kết, cho phép các vật liệu chống mài mòn kết nối với nhau.
Công nghệ mới sẽ kết hợp với công nghệ Crystal Shield, vốn được Apple phát triển trước đó nhằm bảo vệ màn hình khỏi trầy xước, giúp nâng cao khả năng chịu đựng của thiết bị. Kết quả là người dùng iPhone giữ được vẻ ngoài của máy hoàn toàn mới sau nhiều tháng hoặc nhiều năm sử dụng liên tục mà không cần vỏ bảo vệ.
Tuy nhiên, đây chỉ là một bằng sáng chế cấp cho Apple. Trong trường hợp công ty áp dụng vào hoạt động sản xuất iPhone, nó sẽ cần một vài năm nữa, có nghĩa dòng iPhone 15 hoặc thậm chí là iPhone 16 vẫn chưa thể áp dụng Spatial Composites.
Hoàng Yên (T/h)