Meta ngừng sa thải nhân viên trong năm
CEO Meta Mark Zuckerberg cho biết không cắt giảm thêm nhân sự trong năm nay, nhưng không loại trừ khả năng tiếp tục sa thải trong tương lai.
Theo Wall Street Journal, trong cuộc nói chuyện với nhân viên ngày 20/4, Mark Zuckerberg cho biết việc cắt giảm nhân sự hiện đã hoàn tất. Tuy nhiên, với biến động trong tương lai, ông không hứa hẹn Meta sẽ không tiếp tục sa thải vào năm sau.
Tháng 11/2022, Meta thực hiện đợt sa thải đầu tiên với 11.000 người. Đến tháng 3, công ty thông báo tiếp tục giảm thêm 10.000 nhân viên. Khoảng 4.000 người trong đợt điều chỉnh nhân sự lần thứ hai này đã nhận được thông báo nghỉ việc vào ngày 19/4, và 6.000 người còn lại sẽ rời đi trong "những tuần tới".
Zuckerberg thừa nhận đợt sa thải mới này rất khó khăn và gây tranh cãi, nhưng vẫn phải thực hiện để hướng tới mục tiêu "Năm hiệu quả". Nguồn tin nội bộ cho thấy nhóm nhân viên quản lý cấp trung bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Một số còn được đánh giá có hiệu suất làm việc tốt ngay trước khi mất việc.
Trong khi đó, nhân viên Meta được cho là đã liên tục chỉ trích ông chủ trên các nhóm nội bộ sau đợt sa thải lần thứ hai. "Họ liên tục tự hỏi: Liệu có đợt sa thải khác sắp tới không? Tôi có phải là người tiếp theo không?", Kerry Sulkowicz, CEO của Boswell, công ty chuyên tư vấn về vấn đề con người và văn hóa cho lãnh đạo doanh nghiệp, nói với Business Insider.
Vận hành ChatGPT có thể tốn 16,5 tỉ đồng mỗi ngày
ChatGPT ra mắt hồi cuối năm ngoái và nhanh chóng gây tiếng vang lớn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, số tiền mà OpenAI phải chi ra mỗi ngày để vận hành siêu trí tuệ nhân tạo (AI) này không hề nhỏ.
"ChatGPT yêu cầu sức mạnh tính toán lớn để phản hồi dựa trên tương tác của người dùng. Hầu hết chi phí là từ các máy chủ đắt tiền mà họ đang sử dụng. Chúng tôi ước tính chi phí mỗi ngày để vận hành ChatGPT khoảng 700.000 USD" - ông Dylan Patel, chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu chất bán dẫn SemiAnalysis, nói với Business Insider.
Chuyên gia khác tại SemiAnalysis là Afzal Ahmad cũng đánh giá việc đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn có nhiều người dùng như ChatGPT cần nhiều chi phí và chắc chắn vượt xa bất kỳ mô hình AI ở quy mô bình thường khác.
Chatbot Bard của Google hiện có thể viết mã phần mềm
Gã khổng lồ Alphabet đang muốn bắt kịp xu hướng trong cuộc đua tốc độ về công nghệ AI. Tháng trước, công ty đã bắt đầu phát hành chatbot Bard ra công chúng để cạnh tranh với Microsoft và kẻ mới nổi OpenAI.
Việc phát hành ChatGPT, một chatbot từ công ty khởi nghiệp OpenAI do Microsoft hậu thuẫn vào năm ngoái đã gây ra một cuộc chạy nước rút trong lĩnh vực công nghệ nhằm đưa AI đến tay nhiều người dùng hơn.
Google mô tả chatbot Bard là một thử nghiệm cho phép kết hợp với AI tổng quát, công nghệ dựa trên dữ liệu trong quá khứ để tạo ra nội dung.
Bard sẽ có thể viết mã bằng 20 ngôn ngữ lập trình bao gồm Java, C ++ và Python, đồng thời có thể giúp gỡ lỗi và giải thích mã cho người dùng, theo Google cho biết hôm thứ Sáu.
Công ty cho biết Bard cũng có thể tối ưu hóa mã để làm cho mã nhanh hơn hoặc hiệu quả hơn bằng những lời nhắc đơn giản như "Bạn có thể làm cho mã đó nhanh hơn không?".
Hiện tại, Google đã cho phép một nhóm nhỏ người dùng có thể truy cập vào chatbot Bard.
Hoàng Yên (T/h)