Rộ tin giả 'mất sạch tiền vì nghe cuộc gọi AI'
Nhiều người dùng Facebook, TikTok lan truyền thông tin bị mất sạch tiền sau khi nhận cuộc gọi từ "FlashAI", nhưng các chuyên gia nói đây chỉ là tin giả, theo VnExpress.
Các chia sẻ rộ lên từ cuối tuần qua, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem trên mạng xã hội. Theo những người đăng bài, khi có cuộc gọi từ một số có tên "FlashAI", người dùng chỉ cần bấm nhận cuộc gọi là mất hết tiền trong tài khoản.
"Nó là trí tuệ nhân tạo có khả năng lục tìm mọi bí mật trong điện thoại. Nó tập trung tìm trong app ngân hàng, lấy mật khẩu, chuyển hết tiền từ tài khoản ngân hàng qua tài khoản của hacker", tài khoản Facebook của một diễn viên nổi tiếng, với gần một triệu lượt theo dõi, mô tả.
Một người dùng Facebook đăng ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện, trong đó nói "mất 73 triệu đồng trong tài khoản vì gọi lại cho FlashAI".
Một TikToker chia sẻ thông tin tương tự và đề nghị người xem gửi cảnh báo đến người thân. Video này thu hút hơn một triệu lượt xem và gần 15 nghìn lượt chia sẻ sau ba ngày, thậm chí được đưa vào danh sách "Giáo dục tài chính" trên nền tảng.
Theo các chuyên gia bảo mật, cảnh giác trước cuộc gọi từ số lạ là điều nên làm. Tuy nhiên, việc mất tiền trong tài khoản ngân hàng ngay sau khi nghe điện là điều không thể xảy ra.
Ông Ngô Minh Hiếu, nhà sáng lập dự án Chống lừa đảo, cho biết đã nhận được nhiều phản ánh về thông tin mất tiền khi nghe cuộc gọi từ "FlashAI", nhưng hầu hết đều dưới dạng tin đồn, không có căn cứ.
"Nhiều người lầm tưởng khi bắt máy sẽ bị trừ tiền và mất thông tin. Điều này là hoàn toàn sai sự thật", ông Hiếu nói.
Theo chuyên gia, người dùng chỉ có khả năng mất tiền nếu sau cuộc gọi đó, họ bị dẫn dụ bấm vào đường link lừa đảo, tải tệp tin đánh cắp thông tin, hoặc bị lừa đầu tư tài chính, thực hiện lệnh chuyển tiền theo hướng dẫn từ cuộc gọi. Khi gọi lại, người dùng mất tiền cước viễn thông, chứ không thể mất tiền trong tài khoản ngân hàng chỉ sau một cuộc điện thoại.
Nhiều website cơ quan Nhà nước bị chèn link ẩn quảng cáo cờ bạc
Thời gian gần đây, chỉ cần tìm kiếm bằng Google với các từ khóa liên quan đến cá độ, cờ bạc, với tùy chọn là trang gov.vn, người dùng có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều trang có đuôi tên miền .gov.vn của các cơ quan nhà nước đã bị "hack" và chèn các đường link quảng cáo.
Ông Vũ Ngọc Sơn- Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) chia sẻ với Công Lý cho biết, gần đây, NCS nhận được khá nhiều đề nghị trợ giúp từ các cơ quan, doanh nghiệp về việc website bị tấn công, chèn mã quảng cáo cờ bạc, cá độ.
Nguy hiểm ở chỗ, các website này đều sử dụng https, được chứng nhận “chính chủ” của các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp lớn, nhưng khi bấm vào link thì lại chuyển hướng truy cập đến website của tổ chức cá độ, cờ bạc trực tuyến.
Mở rộng nghiên cứu, các chuyên gia an ninh mạng nhận thấy, chỉ cần search bằng Google với các từ khoá liên quan đến cá độ, cờ bạc, với tùy chọn site: .gov.vn hoặc site: .vn, người dùng sẽ dễ dàng nhìn thấy vô số các trang đã bị hack và chèn các đường link quảng cáo.
Thực tế trên Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã nắm được. Qua hệ thống giám sát an toàn trên không gian mạng, thời gian gần đây, cơ quan này đã tiếp tục phát hiện các hệ thống thông tin công khai của Việt Nam vẫn thường xuyên đối mặt với nguy cơ, chiến dịch tấn công mạng. Trong đó, một số website cơ quan Nhà nước vẫn bị lợi dụng để cài cắm, đăng tải, chuyển hướng hoặc liên kết với nội dung không phù hợp.
Kết quả rà soát của Cục An toàn thông tin thời điểm trung tuần tháng 3/2023 cho thấy, trong khoảng 14.000 website, với hơn 6.900 trang tên miền .gov.vn của cơ quan nhà nước, đã phát hiện ít nhất 90 website đang bị lợi dụng để cài cắm, đăng tải, chuyển hướng hoặc liên kết với nội dung quảng cáo không phù hợp như quảng cáo đánh bài, cờ bạc... Trong đó, có 67 website thuộc quản lý của 30 tỉnh, thành phố và 23 trang web thuộc quản lý của 12 bộ, ngành. Nội dung không phù hợp này còn hiển thị ngay trên kết quả tìm kiếm của Google.
Microsoft tích hợp AI vào trình duyệt Edge
Trước đây, người dùng vẫn thực hiện điều này thông qua công cụ Dall-E của OpenAI, hoặc trang tạo hình ảnh Bing của Microsoft. Tuy nhiên, việc tích hợp AI vào trình duyệt Edge sẽ giúp người dùng giảm thao tác, đưa công nghệ mới đến với nhiều người hơn.
Để thêm công cụ tạo ảnh, người dùng mở trình duyệt Edge, nhấn biểu tượng dấu "+" và thêm "Trình tạo hình ảnh", công cụ được bổ sung vào thanh điều hướng bên phải trình duyệt. Người dùng chỉ cần nhấn vào biểu tượng Trình tạo ảnh, nhập nội dung cần vẽ, Edge sẽ cung cấp 4 kết quả để chia sẻ, thêm vào văn bản, tài liệu.
Katy Asher, Giám đốc truyền thông của Microsoft cho biết, công ty đang "thử nghiệm các mô hình và học hỏi để tối ưu hóa trải nghiệm người dùng". Theo Asher, hiện đa số người dùng gặp khó khăn vì bị giới hạn về số lượng hình ảnh có thể tạo ra mỗi ngày. Tích hợp Dall-E vào trình duyệt Edge có thể giúp người dùng có thêm nhiều lựa chọn.
Ngoài Bing Image Creator, bản cập nhật tháng 4 của Microsoft Edge còn bổ sung một số tính năng mới khác, bao gồm chia sẻ tệp và ghi chú giữa các thiết bị, trình chỉnh sửa hình ảnh cơ bản và các cải tiến Chế độ hiệu quả để tiết kiệm pin cho laptop.
Một tính năng khác đang được Microsoft thử nghiệm là "Browser essentials", tích hợp sẵn vào Edge để quét phần mềm độc hại.
Hoàng Yên (T/h)