Apple cảnh báo nguy hiểm sạc iPhone khi ngủ
Apple đưa ra hướng dẫn sử dụng trực tuyến cho người dùng. Theo đó, gã khổng lồ công nghệ Mỹ cho biết chỉ nên sạc iPhone ở nơi có không khí lưu thông như trên mặt bàn bằng phẳng, không phải trên chăn dày.
Theo Apple, iPhone nóng lên khi sạc, vì vậy nếu lượng nhiệt này không lan toả được ngoài thì có khả năng gây bỏng hoặc thậm chí gây cháy.
Đây là lý do tại sao để điện thoại đang sạc dưới gối được cho là một trong những điều tồi tệ nhất với người dùng điện thoại thông minh.
Apple hoàn toàn không khuyến cáo về việc không nên sạc điện thoại qua đêm. Tuy nhiên hãng công nghệ này cho rằng: "Hãy tránh tình huống tiếp xúc với thiết bị, bộ đổi nguồn hoặc bộ sạc không dây khi thiết bị đó đang hoạt động hoặc được kết nối với nguồn điện trong thời gian dài".
Bên cạnh đó, Apple cho hay, người dùng không ngủ trên thiết bị, bộ đổi nguồn hoặc bộ sạc không dây hoặc đặt chúng dưới chăn, gối, sát người khi thiết bị được kết nối với nguồn điện.
"Hãy để iPhone, bộ đổi nguồn và bất kỳ bộ sạc không dây nào ở khu vực thông thoáng khi sử dụng hoặc sạc", hướng dẫn của Apple cho hay.
Cơ quan cứu hỏa hạt Kent, vương quốc Anh cảnh báo về sự nguy hiểm của việc để điện thoại trên đế sạc hoặc cắm vào dây sạc khi ngủ, bất kể điện thoại được đặt ở đâu.
Trong video trên TikTok, một trong những nhân viên cơ quan này nêu ra lý do chính tại sao người dùng chỉ nên sạc khi đang thức. Nhân viên này nhấn mạnh, sạc qua đêm rất nguy hiểm bởi "người dùng không thể ngửi thấy bất cứ thứ gì khi đang ngủ, vì vậy không thể biết khi lửa cháy khi nào".
Lý do khác để không sạc iPhone khi ngủ là do điều đó ảnh hưởng đến tuổi thọ thiết bị. Điện thoại thường mất tối đa hai giờ để sạc đầy, nhưng khi cắm điện qua đêm, chúng sẽ được cung cấp năng lượng trong 8 giờ trở lên. Điều này làm tăng lượng nhiệt mà pin tiếp xúc và làm giảm tuổi thọ của pin.
Đây là lý do tại sao nên nhớ rút điện thoại ra khỏi sạc nếu người dùng thức dậy vào ban đêm hoặc thay đổi hoàn toàn thói quen sạc pin. Các lựa chọn thay thế bao gồm để bộ sạc ở bàn làm việc để người dùng có thể rút phích cắm ngay khi đạt 100%.
Nguy cơ bị hack khi chỉ tắt Bluetooth qua Control Center trên iPhone
Tại hội nghị bảo mật DefCon 2023 diễn ra tuần trước ở Las Vegas, hacker mũ trắng Jae Bochs cố ý chơi khăm những người dùng iPhone tại sự kiện bằng bộ công cụ tự chế giá 70 USD. Công cụ này lợi dụng việc chạy nền của Bluetooth LE để gửi thông báo không mong muốn tới người nhận.
Dù chỉ để gây cười, hacker này cho biết nó có thể được sử dụng cho mục đích bất chính, thậm chí có thể bị khai thác để lấy mật khẩu người dùng.
Theo Bochs, người dùng thường bật hoặc tắt Bluetooth bằng cách vuốt xuống Trung tâm điều khiển. Cách này thuận tiện và nhanh chóng, nhưng Bluetooth không bị tắt hoàn toàn. Thay vào đó, nó đơn giản là chuyển sang chế độ chạy ngầm.
"Công tắc đó không thực sự khiến Bluetooth (hoặc Wi-Fi) bị tắt, dù người dùng vẫn nghĩ thế", Bochs nói.
Hacker này giải thích, với thao tác trên, thực tế người dùng chỉ yêu cầu iPhone ngắt tất cả thiết bị đang kết nối trực tiếp. Tuy nhiên, dịch vụ Bluetooth vẫn hoạt động để nhận diện các thiết bị Apple khác xung quanh. Họ chỉ có thể tắt hoàn toàn khi vào Cài đặt > Bluetooth và chuyển công tắc sang Tắt.
Theo Techcrunch, dù thử nghiệm của Bochs là một trò đùa, kẻ xấu hoàn toàn có thể khai thác vấn đề này. Chẳng hạn, chúng có thể gửi yêu cầu đến người khác kết nối AppleID hoặc chia sẻ mật khẩu với Apple TV gần đó.
Việc Bluetooth và Wi-Fi chạy ngầm khi người dùng tắt ở Trung tâm điều khiển đã được Apple đề cập trên trang hỗ trợ. Tuy nhiên, theo chuyên gia bảo mật Jaime Blasco của Nudge Security, đa số người dùng vẫn hiểu lầm, do đó hãng nên có một phím tắt nhanh có thể cho phép tắt hoàn toàn kết nối kể trên.
CEO hối hận vì nhận kiểm duyệt cho Facebook
Wendy Gonzalez, CEO công ty gia công phần mềm Sama, nói đã "nhận bài học" khi để nhân viên bị tổn thương tinh thần do kiểm duyệt nội dung Facebook.
"Bạn hỏi tôi có hối hận hay không. Vâng, tôi có thể trả lời. Nếu có cơ hội làm lại, tôi chắc chắn không nhận lời tham gia. Đó là bài học cho chúng tôi", CEO Gonzalez nói trong buổi phỏng vấn với BBC. Sama đang bị nhân viên đưa ra tòa vì những ảnh hưởng xấu khi kiểm duyệt nội dung độc hại trên Facebook.
Sama là công ty gia công phần mềm có trụ sở tại Mỹ nhưng hoạt động chủ yếu ở Kenya. Họ là một trong những bên ký hợp đồng lọc nội dung trên Facebook từ 2019.
XEM THÊM:
Apple cần cải tiến những gì để iPhone 15 Pro, iPhone 15 Pro Max “vô địch” nhiếp ảnh?
YouTube sẽ gỡ bỏ các nội dung y tế sai lệch, đặc biệt là những video liên quan đến ung thư
Theo Gonzalez, việc kiểm duyệt chưa bao giờ chiếm hơn 4% khối lượng công việc của công ty, nhưng để lại hậu quả nặng nề cho những người tham gia. Sau các tổn thương được ghi nhận, bà cho biết đây là "bài học kinh nghiệm" cho bản thân và công ty. Từ đầu năm, Sama cũng thay đổi chiến lược khi không nhận bất cứ hợp đồng kiểm duyệt nội dung có hại nào từ các mạng xã hội, hay loại hình mới hơn là dán nhãn dữ liệu cho AI, đặc biệt là AI "hỗ trợ vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc giám sát".
Meta, công ty mẹ Facebook, chưa đưa ra bình luận.
Sự thừa nhận của Gonzalez được đưa ra sau khi công ty Sama đối mặt một số vụ kiện từ chính nhân viên - những người tiếp xúc với nội dung phản cảm và đau buồn như video tự tử, tự làm hại bản thân, các tài liệu bạo lực, cổ xúy tự sát và lạm dụng.
Hoàng Yên (T/h)