Smartphone dưới 7 triệu đồng giảm giá mạnh, Người dùng Mỹ đang rời bỏ TikTok,... là những tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 14/7/2020.
Những smartphone giảm giá mạnh ở phân khúc dưới 7 triệu đồng
Samsung Galaxy A50s (giảm 1,5 triệu)
Galaxy A50s là một trong “quân bài” chủ lực của Samsung nhằm cạnh tranh với những mẫu smartphone đến từ Trung Quốc. Máy được thiết kế rất bắt mắt với mặt lưng đổi màu, không kém cạnh với những đối thủ Xiaomi, Vivo, Realme.
Ưu điểm của mẫu điện thoại này là tuy có mức giá tầm trung nhưng máy sở hữu nhiều tính năng thường xuất hiện ở những dòng sản phẩm cao cấp. Đó là sự xuất hiện của bộ 3 camera ở phía sau, cảm biến vân tay dưới màn hình và khả năng sạc nhanh 15W.
Samsung Galaxy A50s. |
Về mặt cầu hình, Galaxy A50s sử dụng màn hình Super AMOLED 6.4 inch với độ phân giải Full HD+. Máy được trang bị chip Exynos 9610 8 nhân, với 4GB RAM và 64GB bộ nhớ. Mẫu điện thoại này còn được đánh giá cao nhờ sở hữu viên pin có dung lượng 4.000 mAh.
Có mức giá gốc 6,99 triệu đồng, tuy vậy Galaxy A50s đang được điều chỉnh lại giá bán với mức giảm lên tới 1,5 triệu đồng. Người dùng vì thế chỉ cần bỏ ra 5,49 triệu để sở hữu mẫu điện thoại này.
Samsung Galaxy A30s (giảm 1 triệu)
Galaxy A30S chính là mẫu “đàn em” của Galaxy A50s. Về cơ bản, các điểm mạnh điểm yếu của A30s đều tương tự với người đàn anh. Tuy vậy, một vài chi tiết trên máy đã được cắt giảm và hạ bớt cấu hình để phù hợp hơn với phân khúc giá.
Điểm mạnh dễ nhận thấy của Galaxy A30S là máy sở hữu một thiết kế bắt mắt, cảm biến vân tay dưới màn hình, bộ 3 camera sau và pin với dung lượng lớn.
Samsung Galaxy A30s. |
Máy được trang bị màn hình Super AMOLED 6.4 inch với độ phân giải Full HD+, với 4GB RAM và 64GB bộ nhớ. Chip xử lý của máy là Exynos 7904, kém hơn một chút so với chip của A50s. Độ phân giải của camera cũng đã được cắt giảm.
Khi đưa những tính năng cao cấp lên một chiếc máy tầm thấp, điều mà nhà sản xuất phải đánh đổi là tốc độ và độ mượt khi xử lý các tác vụ. Đây cũng chính là điểm yếu của Galaxy A30s.
Tuy vậy, với mức giá chỉ 5,29 triệu, rẻ hơn 1 triệu đồng so với giá bán trước đó, thật khó đòi hỏi gì hơn ở mẫu điện thoại này.
Oppo A52 (giảm 960.000)
Đối thủ ở cùng phân khúc giá với bộ đôi kể trên là Oppo A52. Tuy vậy, mẫu máy đến từ Trung Quốc này sở hữu cấu hình tốt hơn hẳn.
Oppo A52. |
Oppo A52 được trang bị màn hình LCD 6.5 inch độ phân giải Full HD+. Máy sử dụng chip Snapdragon 665 với 6GB RAM và 128GB bộ nhớ trong. Dung lượng pin của máy cũng vượt trội với viên pin lên tới 5.000 mAh.
Về camera, Oppo A52 sử dụng bộ 4 camera ở mặt sau với camera chính 12 Mpx và 3 camera phụ có độ phân giải 8Mpx, 2 Mpx và 2 Mpx. Camera selfie của máy có độ phân giải 16Mpx.
Hiện mẫu máy này đang được giảm từ mức giá 5,99 triệu xuống còn 5,03 triệu đồng.
Vivo Y50 (giảm 1 triệu đồng)
Vivo Y50 là một mẫu máy đáng chú ý khác ở phân khúc dưới 7 triệu đồng.
Mẫu điện thoại này được trang bị màn hình IPS 6.53 inch với độ phân giải Full HD+. Đây là mẫu máy có cấu hình khủng với chip Snapdragon 665 8 nhân, 8GB RAM và 128GB bộ nhớ trong. Viên pin của máy có dung lượng 5.000 mAh.
Vivo Y50. |
Vivo Y50 cũng có 4 camera ở mặt sau với camera chính 13 Mpx và 3 camera phụ có độ phân giải 8Mpx, 2 Mpx và 2 Mpx. Camera trước của máy có độ phân giải 16Mpx.
Không sở hữu nhiều tính năng của các dòng máy cao cấp. Tuy vậy, điểm đặc biệt làm nên sức cạnh tranh của Vivo là cấu hình cao nhất trong tầm giá. Hiện mẫu điện thoại này đang được bán với 5,28 triệu, giảm so với giá bán trước đó khoảng 1 triệu đồng.
Người dùng Mỹ đang rời bỏ TikTok
Ngày 6/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với Fox News rằng chính phủ quốc gia này đang cân nhắc cấm những ứng dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó có TikTok. Ngày 7/7, Tổng thống Donald Trump khẳng định Mỹ xem xét cấm TikTok là một trong những đòn trừng phạt Trung Quốc vì virus corona.
Ngày 10/7, Amazon gửi email cho toàn bộ nhân viên yêu cầu xóa TikTok khỏi điện thoại có "kết nối với email công ty". Sau đó, họ nhanh chóng phủ nhận yêu cầu trên và xác định đây là sự cố kỹ thuật "gửi nhầm email".
Những động thái nghiêm khắc của các cơ quan lập pháp, doanh nghiệp tư nhân về tương lai của TikTok tại Mỹ khiến người dùng tại quốc gia này bắt đầu lo lắng.
Người dùng sợ mất bạn, "ngôi sao" lo mất fan
Đối với nhiều người dùng trẻ tuổi tại Mỹ, TikTok là nền tảng giúp họ kết nối với bạn bè, đặc biệt là trong khoảng thời gian phải thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19.
"Nếu cấm sử dụng TikTok, tôi sẽ mất đi rất nhiều mối quan hệ. TikTok là một phần của thời niên thiếu của tôi", Ashleigh Hunniford, 17 tuổi, người có hơn 400.000 người theo dõi trên TikTok nói với The New York Times.
Trái với phản ứng của người dùng thông thường, những "ngôi sao" TikTok cho biết họ quan tâm tới việc bị mất người theo dõi và tìm cách kéo lượng "fan" này qua các nền tảng khác.
"Tôi có 7 triệu người theo dõi trên TikTok, nhưng không thể nào chuyển họ qua những mạng xã hội khác", Nick Austin, người sở hữu 3 triệu người theo dõi trên Instagram và 500.000 người đăng ký trên YouTube cho biết.
Ngày 9/7, TikTok gặp sự cố kỹ thuật khiến hàng trăm video tại thị trường Mỹ không hiển thị lượt xem. Điều này càng làm người dùng tin chắc rằng lệnh cấm sẽ sớm được ban hành.
Hàng loạt video chỉ hiển thị 0 lượt xem khiến nhiều người dùng tin rằng lệnh cấm TikTok đã được ứng dụng tại Mỹ. Ảnh: Chụp màn hình |
Nhiều ứng dụng hưởng lợi nếu TikTok bị cấm
Vine là một nền tảng chia sẻ video ngắn tương tự như TikTok. Khi Vine ngừng hoạt động vào năm 2016, những ngôi sao nổi tiếng nhất trên nền tảng này đã chọn YouTube là bến đỗ tiếp theo cho hoạt động của họ. Điều tương tự đang diễn ra với các "ngôi sao" TikTok.
Những người nổi tiếng trên TikTok tại Mỹ như Bryce Hall (10 triệu người theo dõi), Josh Richards (19 triệu người theo dõi), Chari D'Amelio (70 triệu người theo dõi) đã nhanh chóng "di cư" sang nền tảng YouTube.
Những tài khoản nổi tiếng nhất trên TikTok đã nhanh chóng "di cư" sang Youtube. Ảnh: Getty |
Khi tin tức về dự định cấm TikTok xuất hiện, Byte, nền tảng chia sẻ video ngắn đã nhanh chóng lên top ứng dụng tại App Store Mỹ. Nhiều người dùng Byte đăng tải video chào đón những TikToker, khẳng định ở đây họ sẽ có nhiều không gian để thử nghiệm những điều mới.
"Byte không phải là đối thủ hay là bản sao của TikTok. Nhiều người dùng TikTok sẽ cảm thấy bối rối về cách sử dụng, nhưng chúng tôi chào đón các bạn", Kyle Harris, một người dùng Byte cuồng nhiệt cho biết.
Dubsmash, một ứng dụng có những tính năng rất giống TikTok, xác nhận một lượng lớn người dùng bắt đầu trải nghiệm sản phẩm của họ.
"Số lượng người dùng tăng đột biến, chúng tôi đã giới thiệu 40 người nổi tiếng nhất Dubsmash với vai trò người hướng dẫn cho những người mới sử dụng", Barrie Segal, trưởng phòng phân phối nội dung tại Dubsmash cho biết.
Ấn Độ là quốc gia đầu tiên cấm sử dụng TikTok trên phạm vi toàn lãnh thổ, đã ghi nhận trường hợp các nền tảng khác hưởng lợi từ lệnh cấm. Cụ thể là Roposo, đối thủ trực tiếp của TikTok tại thị trường Ấn, đã tăng 22 triệu người dùng chỉ sau 2 ngày lệnh cấm được ban hành.
TikTok bị điều tra vì thu thập thông tin cá nhân
Cụ thể, Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC) đã mở một cuộc điều tra và hoàn tất bước đầu hồ sơ liên quan đến ứng dụng giải trí TikTok của Trung Quốc sau nhiều cáo buộc, nghi ngờ nền tảng giải trí trực tuyến có hành vi thu thập thông tin người dùng và gửi về Trung Quốc. Cùng với đó, TikTok cũng bị cáo buộc cố tình để cho người dùng dưới 14 tuổi tại Hàn Quốc được sử dụng dịch vụ giải trí trên ứng dụng này. Đây là hành vi bị cấm ở Hàn Quốc bởi theo Đạo luật Bảo vệ thông tin cá nhân, các nhà cung cấp dịch vụ phải được sự đồng ý của người dùng nếu muốn thu thập tên, địa chỉ email hoặc thông tin cá nhân.
Theo dự kiến, kết quả của cuộc điều tra đối với TikTok sẽ được KCC công bố vào ngày mai (15/7).
Trong trường hợp bị tuyên bố có hành vi thu thập dữ liệu người dùng, TikTok nhiều khả năng sẽ phải chịu án phạt về tài chính là khoảng 3% doanh thu hằng năm.
Trước đó, các chuyên gia bảo mật cũng đưa ra một bản danh sách 53 ứng dụng được sử dụng trên nền tảng iOS của Apple bị phát hiện có thu thập dữ liệu trên thiết bị người dùng từ clipboard và TikTok là một trong số này.
Ứng dụng với hơn 500 triệu người dùng bị phát hiện thường xuyên liên tục quét dữ liệu trên thiết bị người dùng từ khay nhớ tạm. Tik Tok sau đó đã phải xóa tính năng này trong một bản cập nhật ứng dụng mới trên chợ ứng dụng AppStore, đồng thời cho biết tính năng này không được kích hoạt trên thiết bị chạy hệ điều hành Android.
Đây không phải lần đầu Tik Tok bị cảnh báo về vấn đề nguy cơ đối với dữ liệu người dùng. Trước đó vào cuối năm 2019, Tik Tok cũng đã bị dính nhiều nghi án về việc có thể thu thập, lưu trữ dữ liệu người dùng và truyền về máy chủ tại Trung Quốc, buộc hãng này phải đưa ra hướng xử lí là tách TikTok ra khỏi công ty mẹ ByteDance tại Trung Quốc, đồng thời tìm kiếm nơi đặt trụ sở mới ở bên ngoài Trung Quốc.
Được biết, hiện ở Hàn Quốc có khoảng 3 triệu người đang sử dụng ứng dụng tạo video này.
Minh Khôi(T/h)