Apple bị nhân viên lừa 17 triệu USD
Dhirendra Prasad, từng là nhân viên Apple, bị kết án ba năm tù và phải hoàn trả số tiền 17,4 triệu USD cùng tiền thuế gần hai triệu USD.
Prasad, 55 tuổi, bị bắt tháng 3/2022 và đã nhận tội lừa đảo Apple trong tháng 11 năm ngoái. Ngày 28/4, thẩm phán ra lệnh cho Dhirendra Prasad trả lại hơn 17 triệu USD cho Apple.
Prasad gia nhập Apple năm 2008 và bắt đầu thực hiện kế hoạch lừa đảo chiếm đoạt tiền từ 2011 đến 2018. Tại công ty, ông đảm nhiệm việc mua sắm trong bộ phận chuỗi cung ứng dịch vụ toàn cầu của công ty.
Bộ tư pháp Mỹ cho biết Prasad đã phản bội lòng tin của Apple, lạm dụng quyền lực của mình để làm giàu cho bản thân bằng tiền của công ty, dù đang nhận mức lương thưởng lên tới hàng trăm nghìn USD. Ông kết hợp với hai nhà cung cấp để nhận hoa hồng, nâng giá linh kiện, khai khống số lượng khiến Apple phải trả tiền cho linh kiện và dịch vụ mà công ty chưa bao giờ nhận được, gây thiệt hại hơn 17 triệu USD.
Prasad sẽ phải hoàn số tiền mà ông kiếm lợi bất chính, đồng thời phải đóng thuế 1,9 triệu USD. Sau khi ngồi tù ba năm, Prasad sẽ tiếp tục bị quản thúc thêm ba năm.
Năm ngoái, theo Hcamag, một cựu phó giám đốc nghiên cứu của Qualcomm và ba người khác cũng bị buộc tội lừa đảo công ty của mình 150 triệu USD. Những người này được cho là đã gian lận, rửa tiền sau khi lừa Qualcomm mua một công nghệ bí mật do công ty "ma" chế tạo.
Google chặn 1,43 triệu ứng dụng độc hại trên kho ứng dụng
Theo báo cáo mới nhất của Google, trong năm 2022, gã khổng lồ tìm kiếm đã đóng tài khoản của 173.000 nhà phát triển sau khi phát hiện những tài khoản này phát tán các ứng dụng lừa đảo trên kho ứng dụng Play Store của hãng.
Bên cạnh đó, Google cũng đã chặn 1,43 triệu ứng dụng độc hại trên kho ứng dụng này do vi phạm các quy định mà hãng đề ra. Các ứng dụng bị chặn chủ yếu là những ứng dụng chứa mã độc được các nhà phát triển đăng trên kho ứng dụng Google Play với mục đích giám sát hoạt động của các thiết bị cài đặt chúng.
Theo báo cáo, điều này đã giúp ngăn chặn hàng loạt giao dịch có dấu hiệu lừa đảo, lợi dụng..., ước tính có thể gây thiệt hại khoảng 2 tỷ USD.
Trong vòng 3 năm qua, nền tảng Android của Google đã liên tục được cải thiện khả năng bảo mật, ngăn chặn khoảng 500 nghìn ứng dụng truy cập các thông tin nhạy cảm trên máy.
Trong năm 2022, Google Play Store là cửa hàng kỹ thuật số đầu tiên nhận dạng và hiển thị nhãn cho bất kỳ ứng dụng nào vượt qua thành công bài đánh giá bảo mật độc lập của App Defense Alliance. Đây là liên minh các công ty làm việc để ngăn các ứng dụng xấu trước khi chúng đến với thiết bị của người dùng bằng cách kiểm tra các ứng dụng mới được xếp hàng để công bố trên Play Store và loại bỏ những ứng dụng nguy hiểm.
Smartphone gập của Google không có kẽ hở
Sáng 29/4, biên tập viên Evan Blass của tờ VentureBeat đã đăng tải trên trang Twitter cá nhân những hình được cho là chính thức của chiếc điện thoại gập đầu tiên của gã khổng lồ tìm kiếm Google.
Theo 9to5Google, đây có thể là ảnh trích từ thông cáo báo chí chuẩn bị được Google sử dụng để quảng bá sản phẩm.
Hình ảnh cho thấy chiếc Pixel Fold dường như không có kẽ hở khi gập lại nhờ bản lề liền mạch. Góc chụp nghiêng cũng cho thấy độ mỏng tuyệt vời của thiết bị, đặc biệt là khi so sánh với dòng Galaxy Z Fold của Samsung.
Ở ngoài là màn hình có tỷ lệ vuông giống trên Oppo Find N2. Trên màn hình chính có các biểu tượng và ứng dụng gốc của Google cũng như tiện ích Xem nhanh quen thuộc trên các dòng smartphone Pixel.
Theo các tin rò rỉ trước đó, Pixel Fold sẽ có giá khoảng 1.700-1.800 USD, tương đương với mức giá của Galaxy Z Fold 4. Điểm nổi bật của thiết bị này là màn hình ngoài 5,8 inch, màn hình gập 7,6 inch. Google khẳng định sản phẩm sẽ có bản lề bền nhất trong các smartphone gập trên thị trường.
Pixel Fold có khối lượng khoảng 280 g, nặng hơn Galaxy Z Fold 4. Bù lại, thiết bị gập đầu tiên của Google lại sở hữu viên pin lớn hơn, có thể trụ suốt 24 giờ liên tục hoặc 72 giờ nếu bật chế độ nguồn điện thấp. Pixel Fold được cho là sẽ sử dụng vi xử lý Tensor G2, từng xuất hiện trên Pixel 7/7 Pro năm ngoái.
Hoàng Yên (T/h)