An Giang thu hồi khu đất cho trường đại học Tôn Đức Thắng thuê
Tin tức trên Tuổi trẻ, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh An Giang đã thống nhất thu hồi khu đất rộng 58.984m2 mà tỉnh đã giải tỏa bằng tiền ngân sách cho Trường đại học Tôn Đức Thắng thuê xây dựng phân hiệu.
Việc thu hồi đất được đưa ra sau nhiều năm cho thuê đất nhưng dự án cơ sở Trường đại học Tôn Đức Thắng tại An Giang không được xây dựng, phía chủ đầu tư cũng có đơn xin trả lại đất và bàn giao tài sản trên đất.
Trước đó, tháng 7/2020, UBND tỉnh An Giang tổ chức trao quyết định cho thuê đất và bàn giao đất ngoài thực địa để đầu tư xây dựng phân hiệu Trường đại học Tôn Đức Thắng tại An Giang.
Dự án xây dựng trên khu đất lớn nằm ở mặt tiền quốc lộ 91, đoạn qua thị trấn An Châu, huyện Châu Thành.
Khu đất cho trường đại học Tôn Đức Thắng thuê khi UBND tỉnh An Giang thực hiện xong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 13 hộ dân, với tổng chi phí bồi thường 54,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
An Giang từng kỳ vọng cơ sở Trường đại học Tôn Đức Thắng sẽ giúp phát triển các thiết chế giáo dục, góp phần đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh và khu vực trong tương lai.
Thiên tai gây thiệt hại gần 40 tỷ đồng tại Sóc Trăng
TTXVN cho hay, theo thống kế chưa đầy đủ của ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng, trong 9 tháng năm 2023, thiên tai, thời tiết bất thường gây thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn tỉnh, ước thiệt hại trên 39,2 tỷ đồng.
Trong đó, thiên tai làm một người chết (do sét đánh), 6 người bị thương (do dông lốc), thiệt hại 276 căn nhà, trường học, nhà kho, cơ sở sản xuất; làm hàng trăm cây xanh ngã, đổ; 2.830 ha lúa giảm năng suất từ 30-70%...
Đặc biệt, thiên tai, triều cường làm sạt lở hơn 1.775 m bờ bao ven sông, đường bê tông, đê biển.
Ứng phó với tình hình thiên tai, sạt lở bất thường, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo ngành chức năng, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai các huyện, thị xã, thành phố và địa phương kịp thời thăm hỏi, động viên, giúp người dân ổn định cuộc sống; đồng thời, tổ chức thống kê đánh giá mức độ thiệt hại để hỗ trợ theo quy định.
Tỉnh đã chi 2 tỷ đồng (từ nguồn quỹ Phòng, chống thiên tai) hỗ trợ 84 gia đình có nhà bị sập hoàn toàn; chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, đề xuất hỗ trợ hộ còn lại theo quy định. Ngành chức năng khắc phục vị trí sạt lở, bồi trúc khu vực đê sông, đê biển xung yếu, tu bổ đường giao thông bị ảnh hưởng.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, các tháng cuối năm, nhất là thời điểm mưa bão, áp thấp nhiệt đới và triều cường lớn thường xuyên đe dọa như những ngày qua, các cấp, ngành tăng cường rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao, công trình thủy lợi; tổ chức gia cố, tôn cao đoạn đê, bờ bao xung yếu thấp trũng, nguy cơ tràn, sạt lở, vỡ đê gây thiệt hại sản xuất và ảnh hưởng môi trường dân sinh kinh tế...
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có công văn chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của thời tiết đưa ra dự báo kịp thời đến người dân.
Chìm tàu, 15 người trôi dạt nhiều giờ trên biển
Sáng 2/10, tàu cá do ông Danh Sóc Kha (39 tuổi, quê huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng chở 14 người từ cửa Kinh Hội (huyện U Minh) ra biển đánh bắt.
Khoảng 17h45 cùng ngày, khi tàu hoạt động cách bờ khoảng 8 hải lý (gần 15km) về hướng tây bắc đã bị sóng to, kết hợp gió mạnh đánh chìm.
Thuyền trưởng điện báo biên phòng, đồng thời yêu cầu các thuyền viên ôm phao, lưới bám trụ dưới nước gần nơi tàu chìm.
Đồn Biên phòng Khánh Hội (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) cử 10 cán bộ, chiến sỹ và huy động 2 tàu cá ngư dân địa phương ra cứu nạn, đồng thời thông báo cho các tàu cá hoạt động gần vị trí tàu cá chìm đến hỗ trợ.
Hai giờ sau, tàu cá của ông Phan Văn Khánh ở huyện U Minh đã cứu vớt được một thuyền viên. Đến 21h, lực lượng biên phòng tìm thấy 14 người còn lại, đưa vào bờ chăm sóc.
Thiếu tá Bùi Thanh Vạn, Đồn trưởng biên phòng Khánh Hội cho biết trên VnExpress, ngoài thuyền trưởng bị thương ở chân, những người còn lại sức khỏe ổn định. Tàu chìm sẽ được trục vớt khi thời tiết ổn định.
Việt Hương (T/h)