Tin thời sự mới nóng nhất 8/5: Đề xuất chuyển thầy giáo gặp nạn về công tác gần nhà
(ĐS&PL) - Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 8/5/2023. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 8/5/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Đề xuất chuyển thầy giáo gặp nạn về công tác gần nhà
Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết trên Tri thức trực tuyến, đã có văn bản gửi ngành GD&ĐT Phú Thọ, Hà Giang đề xuất tạo điều kiện cho thầy Nguyễn Đại Đình Nam, giáo viên trường Tiểu học Đường Thượng, nạn nhân trong vụ tai nạn hôm 3/5 ở Yên Minh, Hà Giang, về công tác gần nhà.
Trong ngày 6/5, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân đã đại diện Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đến thăm hỏi, chia buồn với gia đình cô giáo Mai Thị Yến, giáo viên trường Mầm non Đường Thượng (huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang).
Cô Mai Thị Yến là giáo viên tử nạn trên đường trở lại trường sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Chồng cô là thầy giáo Nguyễn Đại Đình Nam, giáo viên trường Tiểu học Đường Thượng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, bị thương trong vụ tai nạn này. Cả hai thầy cô là giáo viên đã có hàng chục năm "cắm bản" và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao Yên Minh, Hà Giang.
Tới thăm hỏi, chia buồn với gia đình cô Mai Thị Yến, ông Nguyễn Ngọc Ân đã chuyển lời thăm hỏi, động viên, chia buồn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đến với gia đình, người thân của cô Yến, thầy Nam.
Thầy Nam và cô Yến có 2 con, cháu trai sinh năm 2013 và cháu gái sinh năm 2018. Do hoàn cảnh gia đình, cháu trai được gửi về sống cùng bà nội tại huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, từ năm 2 tuổi, còn cháu gái sống cùng bố mẹ tại Hà Giang. Sau vụ tai nạn ngày 3/5, cháu gái đã được gửi về sống cùng bà nội.
Theo Công an nhân dân, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 17h chiều 6/5, khi ba nữ sinh lớp 6, Trường THCS Phan Đình Phùng, xã Phước Hải rủ nhau đến hồ dự trữ nước ngầm Giếng Tre ở thôn Thành Tín, xã Phước Hải để chơi. Do sơ sẩy, nữ sinh Thị Da Huệ, người dân tộc Chăm (SN 2011, trú ở thôn Thành Tín, xã Phước Hải) trượt chân rơi xuống hồ nước.
Hai người bạn cùng đi hoảng hốt chạy về phía xóm kêu cứu, nhưng khi một số người ra đến nơi không tìm thấy dấu tích nạn nhân. Ngay sau đó, tổ công tác phối hợp giữa Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh Ninh Thuận và Lữ đoàn Đặc công nước 5 đã triển khai phương án dò tìm, đến 20h10 đêm 6/5 mới vớt được thi thể nữ sinh chết đuối.
Theo bảng thông tin công trình tại nơi xảy ra vụ việc, đây là gói thầu số 20 thu trữ nước dưới đất để phát triển nông – lâm nghiệp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh bền vững trên vùng đất khô hạn ven biển Ninh Thuận. Chủ đầu tư gói thầu là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Ninh Thuận.
Công trình khởi công tháng 1/2021, hoàn thành tháng 11/2021. Thực tế hiện trường cho thấy tường rào bao quanh hồ xây lắp dở dang, nhiều ống bê tông thoát nước còn lại bên nhà điều hành đã bỏ hoang từ lâu, nhưng lối dẫn vào hồ không có rào chắn nên thời gian gần đây nhiều người dân tự do ra vào hồ để câu cá.
Nhiều người dân địa phương cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư công trình này đã không thiết lập rào chắn, phòng ngừa tai nạn xảy ra trong khu vực công trường.
Thừa Thiên - Huế yêu cầu tạm dừng đốt thực bì để phòng chống cháy rừng
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu tăng cường lực lượng trực, tuần tra, sử dụng công nghệ để nắm bắt diễn biến rừng, đặc biệt yêu cầu người dân tạm dừng đốt thực bì.
Do ảnh hưởng của đợt nắng nóng gay gắt những ngày qua, các huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên - Huế như Nam Đông, A Lưới, có mức độ cảnh báo cháy rừng thường xuyên ở mức V (mức cực kỳ nguy hiểm).
Để chủ động ngăn chặn xảy ra cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế đang yêu cầu các chủ rừng tăng cường lực lượng trực chòi canh, tuần tra, kết hợp với sử dụng công nghệ để nắm bắt diễn biến rừng nhằm chủ động phát hiện sớm các vụ cháy để có biện pháp xử lý kịp thời; đặc biệt yêu cầu người dân tạm dừng đốt thực bì trong thời gian này.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có hơn 305.560 hecta đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên khoảng trên 205.600 hecta, còn lại là rừng trồng.
Do cháy rừng phần lớn xảy ra đối với diện tích rừng trồng nên Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên cập nhật đưa ra mức cảnh báo, yêu cầu các chủ rừng phải đề cao cảnh giác, không để vì chủ quan gây cháy rừng, nhất là những hành vi đốt thực bị tự phát, hay đốt vàng mã ở khu vực nghĩa trang nằm đan xen với diện tích rừng.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Ngọc Tuấn cho biết tren TTXVN, để ứng phó với diễn biến thời tiết nắng nóng trên diện rộng hiện nay, đơn vị đã yêu cầu các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp nghiêm túc thực hiện chế độ trực cháy.
Các đơn vị liên quan đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện phòng cháy chữa cháy để chủ động dập tắt những đám cháy nhỏ ban đầu; đồng thời sẵn sàng huy động, phối hợp với các lực lượng khác khi có xảy ra cháy lớn theo phương châm "4 tại chỗ và 5 sẵn sàng".
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, địa bàn tỉnh hiện có 5 vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn gồm: Vùng Bắc Hải Vân - Phú Lộc, vùng Hương Thủy - Tây Nam thành phố Huế, vùng Hương Trà và tuyến quốc lộ 49 đi qua, vùng A Lưới và tuyến quốc lộ 49 đi qua, vùng Phong Điền - Quảng Điền.