Công an khuyến cáo người dân đề phòng hỏa hoạn do cắt điện
Theo Pháp luật TP.HCM, mới đây một ngôi nhà hai tầng bốc cháy sau tiếng nổ lớn trên địa bàn phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM, khiến hàng xóm náo loạn. Sau đó, Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận 12 đã điều động lực lượng phương tiện đến ngay hiện trường. Sau gần 15 phút triển khai xử lý, đám cháy được dập tắt hoàn toàn vào lúc 20 giờ 15 phút.
Công an quận 12 thông tin: Qua nắm tình hình, được biết khi nghe tiếng nổ và lửa bốc lên trên lầu hai của căn nhà phòng ngoài gần ban công, người dân sống xung quanh đã chạy tới hô hào, dập lửa và gọi cứu hỏa. Vụ cháy không gây thiệt hại về người và người dân cứu kịp cụ bà 80.
Sau khi tiếp nhận và khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra bước đầu xác định, cháy là do chập điện tại ổ cắm cục phát wifi. Trước khi xảy ra sự cố, căn nhà bị cúp điện, đến khi có điện trở lại thì xảy ra sự cố chập điện dẫn đến cháy nổ.
Từ nhận định ban đầu về nguyên nhân dẫn tới sự cố trong vụ cháy trên, Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận 12 khuyến cáo người dân một số lưu ý sau đây mỗi khi bị trong nhà bị cắt điện:
- Khi nguồn điện bị cắt, bất kể mất bao lâu để nguồn điện trở lại, điều đầu tiên người dân cần làm là không nên giữ nguyên phích cắm tại các ổ điện.
- Nhiều người có thói quen giữ nguyên phích cắm mỗi khi cúp điện, điều này có thể là một vấn đề lớn nếu có bất cẩn. Ví dụ, con bạn đang nghịch gần ổ điện và bạn không quan tâm vì chẳng có nguồn điện nào. Nhưng sẽ thế nào nếu điện bất ngờ hoạt động trở lại. Thậm chí, bạn bỏ đi ra ngoài chơi, trong khi các thiết bị vẫn duy trì trạng thái ngủ. Trường hợp có điện mà bạn vẫn chưa về thì vừa gây lãng phí vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.
- Việc cắt điện vẫn thỉnh thoảng xảy ra do ngành điện xây dựng mới hay bảo trì lưới điện, hoặc do sự cố bất khả kháng. Trừ trường hợp cắt điện có lịch thông báo trước do ngành điện thi công xây dựng mới công trình điện (trạm, đường dây); bảo trì, sửa chữa đường dây; phát quang cây cối.
- Còn có nhiều lý do bất khả kháng khác như diều chạm vào dây điện gây chạm mạch, cắt điện để chữa cháy nhà trong khu vực liên quan, giông gió lớn cây ngã, đổ vào đường dây điện khiến dây bị đứt, máy biến áp nóng quá gây cháy,…
Kon Tum lại xảy ra động đất 3.0 độ Richter
Ngày 5/5, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu phát đi thông tin trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.
Theo đó, vào sáng cùng ngày, một trận động đất có cường độ 3.0 độ Richter đã xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.843 độ vĩ Bắc, 108.291 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 9 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Hiện, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Từ khi xảy ra động đất, tỉnh Kon Tum đã tiến hành lắp đặt 8 trạm quan trắc động đất tại các khu vực của Thủy điện Thượng Kon Tum và Thủy điện Đắk Đrinh (huyện Kon Plông).
Trong đó có 5 trạm được chủ đầu tư hai thủy điện nói trên lắp đặt theo đề nghị của UBND tỉnh Kon Tum, 3 trạm còn lại do Viện Vật lý Địa cầu thực hiện.
Chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 10h ngày 5/5, áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông hoạt động ở miền Trung Philippines có tọa độ 10 độ Vĩ Bắc, 119,2 độ Kinh Đông, sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Dự báo đến 10h ngày 6/5, áp thấp nhiệt đới đi vào Biển Đông, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, cường độ ít thay đổi. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 cho khu vực phía Đông, khu vực giữa và Nam Biển Đông.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành chỉ đạo thực hiện việc theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới từ vĩ tuyến 9,0 đến 12,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 116,5 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).
Các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết chủ động phòng tránh, ứng phó.
Các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Việt Hương (T/h)