Lại động đất liên tiếp ở Kon Tum
Sau một thời gian im ắng, từ đầu tháng 6 đến nay, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum lại liên tiếp xảy ra động đất. Mới nhất là trận động đất lúc 10 giờ 04 phút 35 giây sáng nay (4/6) với độ lớn 3.1 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.832 độ vĩ Bắc, 108.250 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km.
Trước đó, lúc 8 giờ 24 phút 41 giây (giờ Hà Nội) cùng ngày, cũng tại khu vực này ghi nhận một trận động đất có tọa độ (14.837 độ vĩ Bắc, 108.283 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km, độ lớn 3.7.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này.
Từ đầu tháng 6 tới nay, khu vực Kon Plông đã ghi nhận tổng cộng 5 trận động đất, nâng tổng số trận động đất ở khu vực này trong năm qua lên con số trên 200 trận, gấp hơn năm lần số trận động đất ghi nhận từ 1903 đến 2020.
Động đất tại Kon Plông, Kon Tum được các chuyên gia Viện Vật lý địa cầu nhận định sơ bộ là động đất kích thích, hình thành do tác động của hồ chứa thủy điện tích nước. Động đất xảy ra liên tiếp tại khu vực này từ tháng 4/2021, ngay sau khi thủy điện Thượng Kon Tum phát điện tổ máy số 1 ngày 24/3/2021.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, kết quả nghiên cứu trước đây về chế độ kiến tạo và hoạt động động đất tại khu vực Kon Tum và lân cận chưa đủ độ chi tiết, đồng thời, chưa có những nghiên cứu chi tiết về động đất kích thích trong khu vực. Vì vậy, cần có thêm nghiên cứu chi tiết để phục vụ xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.
Việt Nam tăng 48 bậc, xếp thứ 14 về Chỉ số phục hồi COVID-19
Theo dữ liệu Chỉ số Phục hồi COVID-19 (COVID-19 Recovery Index) mà Nikkei công bố cho tháng 5, Việt Nam tăng 48 bậc lên vị trí thứ 14. Nikkei cũng lưu ý, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á miễn tất cả các quy định về xét nghiệm, tiêm chủng và cách ly cho khách du lịch nước ngoài.
Chỉ số Phục hồi COVID-19 đánh giá các quốc gia và vùng lãnh thổ trong ứng phó với lây nhiễm, triển khai tiêm vaccine COVID-19 và tính di chuyển trong xã hội. Xếp hạng càng cao, quốc gia và vùng lãnh thổ đó càng gần với khả năng phục hồi. Đặc trưng của chỉ số này là tỉ lệ lây nhiễm, tử vong thấp, mức độ tiêm chủng tốt hơn, các hạn chế di chuyển tốt hơn.
Việt Nam và Philippines thể hiện tốt nhất trong Chỉ số Phục hồi COVID-19 (COVID-19 Recovery Index) của Nikkei cho tháng 5 khi cả 2 nước đều nỗ lực nới lỏng các quy định phòng ngừa đồng thời giữ cho lây nhiễm ở mức thấp.
Năm 2021, cả Việt Nam và Philippines đều ở vị trí cuối trong bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi COVID-19. Nhưng theo dữ liệu của tháng 5, Việt Nam tăng 48 bậc lên vị trí thứ 14.
Bộ Giao thông Vận tải vào cuộc việc cầu Long Biên xuống cấp
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo an toàn cầu Long Biên sau hai vụ sập tấm đan trên cầu trong tháng 5 vừa qua.
Cụ thể văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông ký yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện khắc phục, sửa chữa ngay các vị trí hư hỏng, các vị trí có nguy cơ mất an toàn (về kết cấu thép vị trí đỡ tấm đan, các tấm đan bê tông cốt thép, mặt đường bê tông nhựa...) nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và người, phương tiện lưu thông qua cầu Long Biên.
Doanh nghiệp này cũng cần rà soát tổng thể các hạng mục dự kiến cần đầu tư, sửa chữa, khôi phục (trong đó xác định rõ tổng mức đầu tư, lộ trình đầu tư và nguồn vốn thực hiện), báo cáo Bộ GTVT để được xem xét quyết định.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chấn chỉnh, nhắc nhở đơn vị quản lý bảo trì cầu Long Biên trong việc thực hiện nghiêm quy trình bảo trì cầu Long Biên đối với công tác kiểm tra, phát hiện hư hỏng công trình để có biện pháp xử lý kịp thời; chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự cố, hư hỏng công trình cầu Long Biên...
Việt Hương (T/h)