Hà Nội lại lên kế hoạch cấm xe máy vào nội đô
UBND TP.Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt đề án "Phát triển kinh tế đô thị TP.Hà Nội" từ năm 2025, tầm nhìn 2030.
Dân trí cho hay, UBND TP.Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải lập đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Cùng với đó, các đơn vị liên quan lập đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.
Sở Giao thông Vận tải cũng được giao chủ trì, phối hợp các sở ngành, UBND các quận tham mưu giải pháp phát triển vận tải công cộng trong khu vực đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, xanh; tiếp tục tham mưu chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ngoài Nhà nước tham gia cung ứng dịch vụ giao thông vận tải công cộng chất lượng cao, dịch vụ kết nối hệ thống giao thông công cộng.
Cơ quan này cũng được giao chủ trì, tham mưu thành phố phát triển hạ tầng giao thông vận tải; tập trung và ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung là các tuyến đường giao thông cho các huyện chuẩn bị thành quận, trục giao thông liên kết trong vùng thủ đô…
Trong đó, nghiên cứu phát triển theo định hướng TOD tại các điểm trên vành đai 4 và 5, các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch.
Theo UBND Hà Nội, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, đặc biệt tình trạng ô nhiễm không khí luôn ở mức báo động. Nhiều chỉ số ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép, nhất là tại các công trình xây dựng, mức độ ô nhiễm không khí cao gấp 5-6 lần quy chuẩn cho phép.
Hoạt động giao thông của hai loại phương tiện ô tô và xe máy cũng chiếm 70% nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
Cùng với kế hoạch trên, Hà Nội lên kế hoạch xây dựng các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại quy mô lớn tại các khu vực phát triển đô thị mới, khu vực thuận lợi giao thông để tiếp tục khẳng định là trung tâm bán buôn - bán lẻ của cả vùng, có tầm ảnh hưởng đến cả nước và trong khu vực.
Sở Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các sở ngành, quận, huyện nghiên cứu quy hoạch phát triển diện tích kinh doanh thương mại tại khu vực được quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị. Trong đó có các đầu mối giao thông công cộng lớn của thành phố, hầm ngầm cho người đi bộ, bãi đỗ xe công cộng ngầm…
Tàu SE trật bánh, đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn
Theo Sài Gòn giải phóng, sáng 14/6, tàu SE2 trên hành trình từ TP.HCM đi Hà Nội, khi đến khu gian (đoạn đường sắt nối hai ga liền kề) Sông Phan - Suối Vận tại lý trình Km1572 thuộc xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) thì có toa bị trật bánh khỏi đường ray.
Sự cố khiến nhiều hành khách lo lắng, nhưng may mắn không xảy ra thương vong về người.
Sau khi sự việc xảy ra, ngành đường sắt đã điều động lực lượng cứu hộ khẩn trương đến hiện trường khắc phục sự cố.
Trong đó, lực lượng cứu hộ đang tập trung sửa chữa, gia cố lại đường ray. Hiện tuyến đường sắt Bắc - Nam đang bị gián đoạn.
Đến khoảng 9h cùng ngày, tàu SE11 và một số tàu hỏa chạy tuyến Bắc - Nam đang được điều tiết dừng lại tại các ga lân cận để chờ khắc phục sự cố.
3 người trú mưa bị sét đánh, 1 trường hợp tử vong
Ngày 14/6, đại diện UBND xã Sơn Dương, TP.Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết trên VietnamNet, trên địa bàn vừa xảy ra vụ sét đánh khiến 1 người tử vong.
Cụ thể, vào khoảng 14h30 ngày 13/6, 3 người gồm các anh Nguyễn Văn Đ (SN 1992, trú xã Lê Lợi), Phan Văn Th, Lục Văn Q (SN 1989, cùng trú xã Sơn Dương) đang đi chơi thì gặp trời mưa to kèm sấm chớp.
Cả 3 đã vào trú mưa tại thôn Mỏ Đông, xã Sơn Dương. Tuy nhiên, do sét bất ngờ đánh trúng khu vực cả 3 đang trú mưa gây thương tích cho các nạn nhân.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, người dân và gia đình đã đưa các nạn nhân tới bệnh viện cấp cứu.
Riêng anh Lục Văn Q dù được cấp cứu nhưng vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, không tỉnh táo, tiên lượng nặng, không hồi phục.
Đến khoảng 1h ngày 14/6, anh Q đã tử vong. Hai nạn nhân còn lại hiện tỉnh táo và sức khỏe ổn định.
Việt Hương (T/h)