Sở GD&ĐT Hà Nội: Trường nào chưa đảm bảo an toàn, tiếp tục cho học sinh nghỉ học
Theo VOV, sáng 8/9, Sở GD&ĐT Hà Nội có Công văn số 3069/SGDĐT-CTTT-KHCN gửi phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã; trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; các trường học trực thuộc; trung tâm tin học - ngoại ngữ - kỹ năng sống về việc khắc phục hậu quả cơn bão số 3, chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học.
Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị Trưởng các phòng GD&ĐT, hiệu trưởng nhà trường khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí, khắc phục hậu quả do báo số 3 gây ra; theo dõi chặt chẽ thời tiết và tình hình thực tế của đơn vị để chủ động quyết định thời gian học sinh trở lại trường, bảo đảm thực hiện tốt khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025.
Trong ngày 8/9, các trường rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nếu đủ điều kiện bảo đảm an toàn thì tổ chức dạy - học từ ngày mai, 9/9. Đối với trường chưa đủ điều kiện thì tiếp tục cho học sinh nghỉ học, tập trung khắc phục hậu quả nhằm bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn mới đón học sinh trở lại trường học.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu với các nhà trường chưa thể đón học sinh trở lại trường theo kế hoạch, ban giám hiệu nhà trường yêu cầu 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên đến trường, khẩn trương khắc phục hậu quả của bão; chủ động có kế hoạch dạy bù cho học sinh; đồng thời, nhà trường phối hợp chặt chẽ với gia đình để quản lý, bảo đảm an toàn cho học sinh.
Bé trai 5 tuổi bị nước cuốn trôi tại Thái Nguyên
Tin tức trên Công lý, vào khoảng 7h ngày 8/9, cháu Hoàng Văn Kh (sinh năm 2019, trú tại xóm Khe Mong, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) cùng bà Trần Thị S (sinh năm 1968) ra khỏi nhà và đi mua mì tôm.
Trên đường về nhà qua đường bờ ruộng, cách nhà ở khoảng 100m, cháu Kh. trượt chân ngã xuống khe nước ở suối Khe Mong, bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi.
Thấy vậy, bà S. tri hô mọi người cứu tìm nạn nhân. Nhận được thông tin, lãnh đạo huyện Đồng Hỷ cùng các ban ngành chức năng địa phương đã đến hiện trường để chỉ huy công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích.
Mặc dù lực lượng triển khai nhanh, đông nhưng do nước dâng cao nên công tác tìm kiếm người gặp nạn gặp nhiều khó khăn. Đến đầu giờ chiều 8/9, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy nạn nhân.
Nước lũ ngập đến nóc nhà dân ở Yên Bái
Từ đêm 6/9 đến sáng 6/9, huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) mưa to, lượng mưa phổ biến từ 120-250mm, nhiều nơi có lượng mưa lớn như: xã Làng Nhì 250mm, Phình Hồ: 235mm, Tà Xi Láng 230mm…
Mưa lớn gây ảnh hưởng và thiệt hại đến nhiều công trình công cộng, nhà dân và diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Ông Giàng Trang, Chủ tịch UBND xã Bản Mù (huyện Trạm Tấu) thông tin trên VTC News, tính đến sáng 8/9 trên địa bàn xã có khoảng gần 20 hộ bị thiệt hại nhà do mưa lũ, trong đó, thôn Mảnh Tào nhiều nhà bị ngập tới nóc.
"Trời đang mưa rất to, xã tiếp tục đôn đốc các thôn báo cáo tình hình, có thể nhiều hộ bị thiệt hại hơn nữa", ông Trang nói.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Trạm Tấu, mưa bão làm 9 căn nhà bị sạt taluy ở các xã Túc Đán, Pá Hu và Tà Xi Láng. Trung Tâm Y tế huyện bị sạt ta luy dương khối lượng đất đá ước tính 2.000m3, gây thiệt hại 1 lò đốt rác, 1 phần nhà kho của trung tâm.
Đặc biệt, tỉnh lộ 174 (từ thị xã Nghĩa Lộ đi Trạm Tấu) bị sạt lở đất đá nhiều điểm, khiến việc lưu thông qua lại khó khăn, một số điểm ách tắc cục bộ; các ngành chức năng đang triển khai công tác khắc phục để đảm bảo lưu thông trên tuyến.
UBND huyện Trạm Tấu đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện sơ tán, di rời 138 hộ trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Trên địa bàn huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái), mưa lớn khiến nhiều tuyến đường nông thôn sạt lở, nước trên các sông, suối dâng cao, gây thiệt hại nhiều về hoa màu, các địa phương đang rà soát, lên phương án kịp thời khắc phục.
Ngay trong đêm 7/9 và rạng sáng 8/9, các địa phương của huyện di dời, sơ tán 1.229 người dân sống trong khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn.
Trong đó có 111 người sống trong khu vực ngập lụt trên báo động 3 và 209 người sống trong khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, 994 người sống trong khu vực nguy cơ cao sạt lở đất, nâng số dân được di dời đến nơi an toàn lên 1.319 người.