Báo Tiền Phong dẫn lời ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho hay, dự báo từ nay đến hết năm 2024 còn khoảng 6-8 cơn bão/ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, trong đó khoảng 3-4 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Theo ông Khiêm, với ảnh hưởng của La Nina, những tháng cuối năm 2024, trên Biển Đông có thể xuất hiện bão dồn dập, dẫn đến mưa chồng mưa, lũ chồng lũ ở khu vực miền Trung nước ta, không loại trừ khả năng tháng 1/2025 vẫn còn xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực nam Biển Đông.
Miền Bắc nước ta vừa hứng chịu cơn bão mạnh nhất 30 năm qua đổ bộ. Đến sáng nay (8/9), áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão YAGI tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực tỉnh Sơn La, dự báo tan dần trong đêm nay.
Dù bão tan nhưng mưa lớn còn kéo dài ở miền Bắc, nhất là các tỉnh trung du, vùng núi phía Bắc. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng sâu và kéo dài ở nơi trũng thấp.
Cụ thể, các sông nhỏ ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình lũ có thể lên mức báo động 2 đến báo động 3. Lũ trên sông trên các sông Ngòi Thia (Yên Bái), Sông Bôi (hòa Bình), Hoàng Long (Ninh Bình) lên trên mức BĐ3; hạ lưu sông Lục Nam lên mức báo động 2.
Bên cạnh đó, cũng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, thành phố và các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ do mưa lớn, đặc biệt tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội.Cùng với đó, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đối với các tỉnh: Quảng Ninh (12 huyện/thị xã), Lạng Sơn (11 huyện), Bắc Kạn (06 huyện), Thái Nguyên (09 huyện), Bắc Giang (08 huyện), Vĩnh Phúc (05 huyện), Hòa Bình (11 huyện), Phú Thọ (09 huyện), Tuyên Quang (06 huyện), Yên Bái (09 huyện), Sơn La (08 huyện), Lai Châu (03 huyện), Lào Cai (04 huyện), Thanh Hóa (10 huyện).
Ông Khiêm cũng khuyến cáo người dân cần đề phòng một số cây có thể vẫn chưa đứt hết chân trong đợt gió mạnh vừa qua, có thể đổ khi có tác động.
Thêm vào đó, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhấn mạnh lũ quét, sạt lở là điều đáng rất đáng lo, mưa nhiều nơi đã ở vào khoảng 200-300mm nên bà con cần chú ý các khu vực đã xác định nguy cơ cao, tạm thời không di chuyển qua, báo Vietnamplus đưa tin.
Philippines dự báo 2 cơn bão tiếp theo xuất hiện gần Biển Đông
Báo VTC News dẫn thông tin từ tờ Inquirer cho hay, Cục quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) cho biết, một vùng áp thấp có thể hình thành bão ở phía đông đảo Luzon trong khoảng thời gian từ cuối tuần này đến ngày 9/9. Dự kiến nhiễu động thời tiết này sẽ di chuyển theo hướng bắc, đi vào Philippines về phía đông bắc nước này.
Cũng theo PAGASA, trong 24 giờ tới, vùng áp thấp này khó có khả năng mạnh lên thành bão. Hiện vùng áp thấp này được đặt tên địa phương là Ferdie.
Vùng áp thấp thứ hai dự kiến hình thành ở phía đông đảo Mindanao, di chuyển về phía Tây và đi vào khu vực theo dõi của Philippines dưới dạng bão.
Theo nhà khí tượng học thuộc PAGASA Benison Estareja cho biết, nhiễu động thời tiết tiềm tàng này sẽ di chuyển vào PAR (PAR - khu vực ở Tây Bắc Thái Bình Dương nơi PAGASA theo dõi các hiện tượng thời tiết) vào cuối tuần tới và có thể mạnh lên thành bão nhiệt đới có tên là Gener.
Ông Estareja nói thêm, đường đi dự kiến của các nhiễu động thời tiết tiềm tàng này vẫn có thể thay đổi. Các vùng áp thấp có thể làm tăng cường gió mùa tây nam, mang theo mưa trên khắp Luzon, đặc biệt là ở Metro Manila và khu vực phía tây của hòn đảo.
Theo dự báo bão, áp thấp nhiệt đới của PAGASA, 2 vùng áp thấp gần Biển Đông có thể hình thành trong tuần từ ngày 9/9 đến ngày 12/9.