Lắp van khóa giếng nước phun cao 30m
Ngày 12/10, ông Hòa, làng Klă, xã Ia Kly cho biết trên VnExpress giếng nước tự phun cách nhà khoảng 100 m. Sau hơn hai tháng, hiện tượng này vẫn không có dấu hiệu dừng lại.
Vì vậy gia đình ông đã thuê người xây một bệ xi măng bao quanh và lắp đường ống bằng sắt, có van khóa nhằm ngăn chặn dòng khí phun cao. "Về lâu dài, gia đình vẫn mong muốn có thể đưa dòng khí này vào phục vụ cho khoa học", ông Hoà nói.
Trước đó, hồi cuối tháng 7, cần nước tưới cho cây nên ông Hòa đã khoan giếng cũ của gia đình sâu hơn 100 m nhưng không có nước. Sau đó, ông khoan thêm chừng 90 m thì bộ dụng cụ khoan nặng khoảng 21 tấn có dấu hiệu bị đẩy lên. Khi kéo máy khoan lên, giếng nằm ở trên đồi xảy ra hiện tượng phun khí cao hàng chục mét.
Qua kết quả khảo sát, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung nhận định hiện tượng trên xảy ra có thể do quá trình khoan đã chạm một túi khí (độ sâu 186 m trở xuống). Nước phun từ giếng rất trong, không mùi, có vị the, hơi ngọt, nhiệt độ bình thường, không nguy hại đến sức khỏe người sử dụng.
Theo ông Hoàng Văn Long, chuyên gia Viện Dầu khí Việt Nam, trong lòng đất hoặc vùng ngập nước có nhiều vi sinh vật, khi chết sẽ lắng xuống trầm tích, làm lớp này giàu chất hữu cơ (bùn đất và xác sinh vật).
Ở nhiệt độ và áp suất nhất định, chất hữu cơ phân hủy thành các hydrocacbon phần lớn là khí metan (khí đốt bếp gas) và một số loại khác (H2S, CO2). Lượng khí nạp vào lòng đất càng nhiều thì áp suất càng tăng, túi khí sẽ giải phóng khi có vật tác động.
TP.HCM: Ô tô lật ngửa giữa đường, 3 người thoát chết
Ngày 12/10, Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) đang điều tra vụ ô tô lật ngửa giữa đường.
Thông tin ban đầu, khoảng 5 giờ 30 phút, ô tô mang biển số tỉnh Tiền Giang gồm tài xế và hai khách chạy trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, hướng từ quận 1 về cầu Sài Gòn.
Khi đến địa chỉ số 91 Nguyễn Hữu Cảnh (thuộc phường 22) thì bất ngờ tông vào dải phân cách cứng khiến lật “phơi bụng” giữa đường.
Giải cứu cá thể sơn dương quý hiếm dính bẫy trong rừng sâu
Ngày 12/10, ông Nguyễn Thành Dũng – Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương (Nghệ An) cho biết trên Tiền phong, đơn vị vừa phát hiện và giải cứu một cá thể sơn dương quý hiếm dính bẫy rồi thả về tự nhiên.
Trước đó, ngày 11/10, trạm quản lý bảo vệ rừng Tam Hợp thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương tổ chức tuần tra kiểm tra rừng theo kế hoạch tại khoảnh 10 thuộc tiểu khu 697. Khi đi qua khu vực bụi rậm, tổ tuần tra phát hiện một cá thể sơn dương đực, chân trái phía trước bị dính bẫy dây (loài bẫy thường được sử dụng để săn bắt động vật hoang dã).
Sau khi tháo bẫy, lực lượng nhận thấy con sơn dương đã bị trầy xước ở phần chân do dây bẫy siết chặt. Để đảm bảo con vật không bị nhiễm trùng, các thành viên trong đội đã nhanh chóng sử dụng cồn y tế để sát trùng vết thương. Việc sát trùng được thực hiện kỹ lưỡng nhằm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn cho con vật trong môi trường rừng hoang dã. Sau đó, cá thể sơn dương được thả trở lại môi trường tự nhiên.