(ĐSPL) - Dự án lấp sông Đồng Nai để xây dựng khu phức hợp bao gồm cao ốc văn phòng, nhà biệt thự, chung cư, và khách sạn 4 đến 5 sao, công viên của đại gia Toàn Thịnh Phát được thứ trưởng Bộ TN-MT xác định đã sai lệch về bản chất...
Chiều 25/4, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai cho biết sau chuyến đi thị sát hiện trường dự án lấp sông Đồng Nai và làm việc với địa phương về, ông đã chủ trì cuộc họp báo cáo kết quả vào chiều 24/4. Đây mới chỉ là báo cáo trong lĩnh vực TN-MT, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT và Bộ NN-PTNT sẽ có những đánh giá riêng theo chuyên ngành.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai, các thành viên thuộc Bộ TN-MT tham gia đều có chung quan điểm là Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án lấp sông Đồng Nai rất sơ sài, cần phải làm lại. Có 3 vấn đề lớn cần phải làm rõ ở dự án này là tác động dòng chảy, thoát lũ, ổn định lòng sông. Việc làm kè trên sông Đồng Nai đoạn đang thi công dự án của Công ty Toàn Thịnh Phát cũng có nguy cơ làm sạt lở Cù Lao Phố nếu không tính toán kỹ.
Qua xem xét hồ sơ dự án cũng thấy rõ các tài liệu về địa hình, khảo sát đa số căn cứ trên số liệu từ năm 2008 và có bổ sung thêm. Việc lấy mẫu nước phân tích cũng thể hiện số lượng rất ít trong ĐTM. Đặc biệt, ĐTM không làm rõ được việc thi công bờ kè tác động đến môi trường thủy sinh, nước như thế nào. Các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình thi công bờ kè cũng đề cập rất chung chung mà không nói cụ thể.
Đoàn công tác liên bộ thị sát tại dự án lấp sông Đồng Nai vào ngày 21/4. (Ảnh: Thanh niên). |
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Bộ TN-MT, việc UBND tỉnh Đồng Nai lý giải không lấy ý kiến cộng đồng khi làm ĐTM cho dự án là vì trong quá trình lập quy hoạch chi tiết đã lấy ý kiến cộng đồng là không đúng. Theo quy định, với dự án quy mô lớn như vậy, việc lấy ý kiến cộng đồng khi làm ĐTM là điều bắt buộc.
“Nghiêm trọng nhất là ĐTM của dự án được lập theo phương án thi công khác hoàn toàn với cách dự án đã triển khai. UBND tỉnh Đồng Nai cần yêu cầu chủ đầu tư làm lại ĐTM chi tiết. ĐTM phải nêu rõ những tác động của việc kè bờ và các rủi ro có thể tác động đến môi trường thủy sinh, nước và phải có những giải pháp cụ thể khắc phục tốt. Đồng thời, ĐTM chắc chắn phải đưa ra lấy ý kiến cộng đồng, các thành viên trong Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai”, ông Lai cho hay.
Ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cũng cho biết, sau khi thị sát về đã báo cáo lãnh đạo Bộ việc dự án lấp sông Đồng Nai đã lấn ra mặt sông phần diện tích rất lớn. Việc lấn ra mặt sông này đã làm sai lệch bản chất dự án theo quy hoạch thủy lợi, ban đầu chỉ là chỉnh trị dòng sông và cải tạo cảnh quan ven bờ, nhưng xem hồ sơ và hiện trường thì thấy rõ bản chất là kết hợp chỉnh trị sông và phát triển đô thị.
Video: Dân mất ăn mất ngủ vì dự án lấp sông Đồng Nai
Đại gia muốn lấp sông Đồng Nai
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp nhận dự án đầu tư “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” của công ty Toàn Thịnh Phát (thuộc tập đoàn Thành Thành Công). Dự án có tổng diện tích hơn 80.000 mét vuông, trong đó phần đất lấn ra sông Đồng Nai là hơn 70.000 mét.
Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát khởi công "Dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai" hồi tháng 9/2014 với tổng vốn đầu tư 3.200 tỷ đồng.
Theo chủ đầu tư, sau khi hoàn thành nơi này sẽ là khu phức hợp bao gồm cao ốc văn phòng, nhà biệt thự, chung cư, và khách sạn 4 đến 5 sao, công viên.
Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng việc “lấp” sông Đồng Nai làm dự án sẽ làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiện trạng sông Đồng Nai.
Phối cảnh khu thương mại được xây dựng trên sông Đồng Nai (ảnh internet). |
Ông Huỳnh Phú Kiệt, Chủ tịch HĐQT Công ty Toàn Thịnh Phát - chủ đầu tư dự án khu đô thị 8,4 ha lấp sông Đồng Nai cho biết: "Chúng tôi làm dự án không phải vì lợi nhuận, đầu tiên là vì mục tiêu cải tạo cảnh quan dòng sông. Báo cáo tác động môi trường do Sở TN-MT thực hiện cho thấy không ảnh hưởng đáng kể đến dòng chảy”.
Ông Kiệt nói thêm: "Chúng tôi đã tổ chức nhiều hội thảo để lấy ý kiến của các chuyên gia, gặp nhiều chuyên gia, kiến trúc sư để xin ý kiến. Đến nỗi trạm bơm phải vẽ, lên phương án thiết kế 18 lần. Dự án rộng 8,4 ha, trong đó chỉ hơn 30\% là khai thác thương phẩm, còn lại hơn 60\% là cây xanh, hạ tầng. Hồi nhỏ tôi hay tắm con sông này. Nên tôi muốn tạo trạm bơm như một điểm nhấn, là một khán đài xem bơi thuyền, lễ hội ven sông. Tôi muốn làm dự án cho nó đẹp hơn."
Theo báo cáo thường niên năm 2013 của công ty CP Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát, việc thực hiện triển khai giai đoạn 1 gồm các hạng mục như Xây dưng tuyến kè, san lấp, di dời trạm bơm. Thi công hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông, cấp thoát nước, điện và thông tin liên lạc. Bên cạnh đó là thi công 108 ăn phần thô nhà phố thương mại, cây xanh. Kế hoạch doanh thu cho 108 căn phố liền kề (bán hầm, trệt, lửng và 3 lầu) ước đạt 555 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận 200 tỷ đồng trong vòng 3 năm kể từ 2015 – 2017.
Giai đoạn 2 từ 2017 – 2020 gồm căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ (đất thương phẩm 15,4 ha), khách sạn 4-5 sao (đất thương phẩm 4,3 ha) và văn phòng kết hợp thương mại dịch vụ (đất thương phẩm 6,8ha) với mức lợi nhuận kỳ vọng là 260 tỷ đồng (trên giá bán bình quân 30 triệu đồng/m2).
Sau khi hoàn thành, khu vực này sẽ hình thành khu khách sạn, nhà phố thương mại, siêu thị, chung cư, cao ốc văn phòng, công viên trên sông.
Trong tổng diện tích 84.042 m2 của dự án, phần lấn sông là 77.217 m2; phần đất hiện hữu chỉ khoảng 6.825 m2. Đặc biệt, đoạn lấn ra sông xa nhất đến hơn 100 m.
Tuy nhiên, ngày 23/3, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai rút giấy phép dự án do lo ngại những ảnh hưởng của nó.
Ngọc Anh (Tổng hợp)