Các nhà khoa học đã tìm thấy tinh trùng hóa thạch lâu đời nhất trên thế giới, 17 triệu năm tuổi trong vết tích còn lại của một loài giáp xác cổ xưa ở miền bắc Australia.
Theo báo cáo nghiên cứu, tinh trùng hóa thạch khổng lồ được phát hiện trong một hang động từng chìm ngập dưới nước ở bang Queensland. Nó dường như được bảo quản rất tốt nhờ photpho trong phân của loài dơi ở hang động.
"Chưa có ai từng được chứng kiến tinh trùng hóa thạch giống như vậy trước đây. Đây là tinh trùng cổ nhất thế giới. Chúng tôi đã quen với các mẫu xương và răng hóa thạch, nhưng không hy vọng tìm thấy các mô mềm được lưu giữ suốt 17 triệu năm", giáo sư Mike Archer, một chuyên gia cổ sinh vật học đến từ Đại học New South Wales, cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy tinh trùng và các cơ quan sinh dục bên trong khác ở những hóa thạch bọ hạt (ostracod hay seed shrimp), một loại giáp xác tí hon đã tồn tại trên Trái đất 500 triệu năm. Bọ hạt chỉ có kích thước cơ thể vài millimet, nhưng tinh trùng của chúng cso thể đạt tới 1cm chiều dài. Tinh trùng của bọ hạt cũng khá dị thường, vì không có đuôi và chỉ bao gồm một cái đầu lớn.
Nhà sinh vật học Renate Matzke-Karasz thuộc Đại học Ludwig-Maximilian (Đức) nhận định, điểm gây sửng sốt nhất trong khám phá mới là nó cho thấy, cách sinh sản ở loài giáp xác tí hon trên gần như không thay đổi cho tới ngày nay.
5 mẫu bọ hạt được phát hiện trong hang động ở Queensland với "con giống" được tin là tinh trùng hóa thạch cổ nhất từng được tìm thấy từ trước tới nay. Mẫu tinh trùng lâu đời nhất từng được con người phát hiện có niên đại 40 triệu năm, được bảo quản trong hổ phách và thuộc về một bọ đuôi bật giống côn trùng.