(ĐSPL) - Với việc cơ quan công an công bố đã tìm thấy xác chị Lê Thị Thanh Huyền - nạn nhân trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, liệu tội danh của 2 bị cáo là Nguyễn Mạnh Tường - chủ thẩm mỹ viện Cát Tường và Đào Quang Khánh - bảo vệ TMV Cát tường có thay đổi không? Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn LS. Nguyễn Duy Hữu – Đoàn luật sư TP.HCM xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa luật sư, việc tìm thấy xác chị Huyền có giá trị như thế nào trong vụ án này?
LS. Nguyễn Duy Hữu: Có thể nói, việc tìm thấy xác nạn nhân trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường chính là chìa khóa của vụ án. Đây là một tình tiết rất quan trọng, qua đó cơ quan chức năng có thể xác định được nguyên nhân cái chết của chị Huyền, do Tường làm sai quy trình phẫu thuật dẫn đến nạn nhân bị chết hay nạn nhân chưa chết nhưng Tường nghĩ là đã chết và vứt xác xuống sông, hay cố tình thủ tiêu, v.v… Việc này có thể làm thay đổi tội danh của các bị cáo.
PV: Thưa luật sư, trong trường hợp cơ quan công an chứng minh là nạn nhân chưa chết trước khi vứt xuống sông thì tội danh của các bị cáo sẽ ra sao?
LS. Nguyễn Duy Hữu: Trong trường hợp này theo tôi Tường sẽ bị xử về tội giết người theo Điều 93 BLHS và có 2 tình huống xảy ra: Thứ nhất là Tường cho rằng nạn nhân đã chết và đem vứt xác xuống sông, Tường có thể bị xử theo Khoản 2 Điều 93, hình phạt cao nhất là 15 năm tù. Còn trường hợp Tường biết rõ nạn nhân chưa chết, nhưng do lo sợ tìm cách phi tang để khỏi trách nhiệm, Tường đã ném nạn nhân xuống sông, khi đó Tường sẽ bị truy tố theo Điều 93 BLHS “Tội giết người”. Nếu thực sự điều này xảy ra, Tường có thể bị quy vào điểm g “Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác” (trong trường hợp này là để che dấu việc Tường không có giấy phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ) hoặc điểm q “Vì động cơ đê hèn” của Khoản 1. Hình phạt cao nhất là tử hình.
|
Tội danh của bác sỹ Tường có thay đổi?
|
PV: Thưa luật sư, quy tội giết người cho Tường trong trường hợp Tường cho rằng nạn nhân đã chết mà đem vứt xác xuống sông thì có khiên cưỡng không, vì anh ta không cố tình?
LS. Nguyễn Duy Hữu: Dù anh ta có nghĩ là nạn nhân đã chết và đem vất xác phi tang thì anh ta vẫn bị quy vào tội giết người, vì chính hành động ném xác xuống sông là nguyên nhân gây ra cái chết, chứ không phải là do nguyên nhân khác.
PV: Thưa luật sư, nếu bị xử về tội giết người thì bị cáo có bị xử thêm về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 242) và Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (Điều 246) như cáo trạng của Viện kiểm sát trước kia nữa không?
LS.Nguyễn Duy Hữu: Một hành vi chỉ bị xử về một tội. Nếu quy tội giết người thì 2 tội danh kia sẽ hủy bỏ.
PV: Xin cảm ơn luật sư!
Điều 93. Tội giết người 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. |
PV (thực hiện)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tim-duoc-xac-chi-huyen-toi-danh-cua-bac-sy-tuong-co-thay-doi-a44885.html