+Aa-
    Zalo

    Tiết lộ về nữ điệp viên một chân nguy hiểm nhất Thế chiến thứ II mang mật danh “Chó sói”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Phía sau cuộc chiến khốc liệt ở tiền tuyến, cống hiến lặng lẽ của những siêu điệp viên tài năng đã góp phần làm nên chiến thắng của quân Đồng minh trong Thế chiến thứ II.

    Phía sau cuộc chiến khốc liệt ở tiền tuyến, cống hiến lặng lẽ của những siêu điệp viên tài năng đã góp phần làm nên chiến thắng của quân Đồng minh trong Thế chiến thứ II.

    Trong Thế chiến II, các quan chức Đức Quốc xã liên tục săn lùng những chiến binh kháng chiến và các điệp viên đồng minh trợ giúp họ. Tuy nhiên, có một người nước ngoài mà Phát xít Đức đặc biệt không chú ý nhưng lại mang đến những mối nguy hiểm đáng kể cho chúng. Bà là Virginia Hall - một phụ nữ chịu trách nhiệm trong nhiều vụ “bẻ khóa, phá hoại và làm rò rỉ” các phong trào của quân Đức Quốc Xã nhiều hơn bất cứ gián điệp nào ở Pháp.

    Mật vụ Gestapo khét tiếng của Phát xít Đức cũng phải thốt lên kinh ngạc rằng bà Hall là nữ điệp viên nguy hiểm và lợi hại nhất trong Thế chiến II. Mặc dù vậy, vào lúc bấy giờ, tất cả những gì mà các quan chức dưới quyền Hitle biết về nữ điệp viên này chỉ là: “có một người phụ nữ chân khập khiễng”.

    Bà Virginia Hall. Ảnh: Getty

    Huyền thoại về nữ anh hùng chân gỗ

    Bà Virginia Hall sinh ngày 6/4/1906 tại Baltimore, Maryland (nước Mỹ), trong một gia đình giàu có, phóng khoáng. Khỏe mạnh, sắc sảo và hài hước, bà Hall từng được bình chọn là cô gái tuyệt vời nhất trong lớp khi còn học trung học. Bà bắt đầu học đại học tại Barnard và Radcliffe (Mỹ), nhưng kết thúc ở Paris (Pháp) và Vienna (Áo). Bà thông thạo tiếng Pháp, Đức và Ý, cùng với một chút tiếng Nga.

    Sau khi tốt nghiệp, bà Hall nộp đơn cho Bộ Ngoại giao Mỹ, trình bày mong muốn được khám phá thế giới thực và phục vụ cho đất nước của mình. Tuy nhiên, bà đã bị sốc khi đọc thư từ chối: "Không tiếp nhận phụ nữ, điều đó sẽ không xảy ra" - Judith Pearson, tác giả của cuốn tiểu sử về bà Hall tiết lộ.

    Không nghĩ đến việc từ bỏ, bà Hall quyết định con đường chính trị của mình "qua cửa sau", bằng cách nhận một công việc thư ký tại Đại sứ quán Mỹ ở Warsaw (Ba Lan), và sau đó chuyển đến Lãnh sự quán Mỹ ở Smyrna (Thổ Nhĩ Kỳ).

    Trong chuyến đi săn chim với những người bạn Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1933, bà Hall leo qua hàng rào dây và trong lúc loạng choạng, bà vô tình bắn khẩu súng ngắn vào chân trái của chính mình. Tai nạn khiến bà phải cắt cụt phần phía dưới đầu gối ở chân trái. Từ đó, hai chân bà Hall khập khiễng rõ rệt và khiến bà phải mang một chiếc chân gỗ, được bà yêu thương đặt tên là Cuthbert.

    Dù gặp tai nạn phải sử dụng chân gỗ, song bà Hall vẫn giữ vững quyết tâm cống hiến cho đất nước và nền hòa bình thế giới. Ảnh: Getty

    Hồi phục trở về nhà ở Maryland, bà Hall đã nộp đơn xin vào Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa, nhưng tiếp tục bị từ chối với lý do bà là người phụ nữ chỉ có một chân. Bà đã đến thủ đô Paris của nước Pháp như một dân thường vào năm 1940 và làm công việc lái xe cứu thương cho quân đội Pháp. Sau đó, bà chạy sang Anh khi Pháp đầu hàng Phát xít Đức, làm việc tại Tùy viên Quân sự Mỹ ở Anh.

    Tại một bữa tiệc cocktail ở London, bà Hall đã nhận được danh thiếp của một người lạ cùng với câu nói: "Nếu bạn thực sự quan tâm đến việc ngăn chặn Hitler, hãy đến gặp tôi". Người phụ nữ xa lạ đó không ai khác mà chính là Vera Atkins - một siêu điệp viên người Anh chịu trách nhiệm tuyển dụng gián điệp cho Cơ quan tình báo Anh (SOE) mới được thành lập. SOE được cho là bị ấn tượng với kiến ​​thức của bà Hall về vùng nông thôn Pháp, khả năng sử dụng ngôn ngữ đa dạng, lưu loát và bản lĩnh, trí tuệ của bà.

    SOE là tổ chức lập ra nhằm đào tạo những điệp viên có bản lĩnh và năng lực vượt trội để có thể xâm nhập vào sâu lòng địch. Bà Hall đã nhanh chóng hoàn thành đợt huấn luyện và quay trở lại Pháp hoạt động dưới vỏ bọc một phóng viên.

    Siêu điệp viên Virginia Hall

    Năm 1941, bà Hall trở thành nữ điệp viên đầu tiên của SOE cư trú ở Pháp với một cái tên giả mạo và danh tính như một phóng viên người Mỹ của tờ New York Post. Sau đó, bà nhanh chóng tỏ ra là người có kỹ năng đặc biệt trong việc gửi thông tin thu thập được về tổ chức, liên quan tới các phong trào của Phát xít Đức và các quan chức quân sự của họ. Ngoại ra, bà Hall đã tự mình tuyển mộ, xây dựng một mạng lưới điệp viên trung thành ở miền Trung nước Pháp.

    Bà Virginia Hall được coi là nữ điệp viên huyền thoại trong Thế chiến thứ II. Ảnh: Getty

    Nhiệm vụ của SOE là phá hoại du kích và sử dụng chiến thuật để lật đổ lực lượng Đức Quốc xã. Tuy nhiên, trong những năm 1940, nhiệm vụ gián điệp vẫn sử dụng công cụ thủ công, thiếu công nghệ và sự tinh tế nhưng lại thúc đẩy sự sáng tạo.

    Vào lúc bấy giờ, BBC sẽ chèn các thông điệp được mã hóa vào các chương trình phát sóng tin tức hàng đêm. Bà Hall sẽ gửi những câu chuyện “tin tức” tới biên tập viên của bà ở New York, sau đó, các tài liệu được mã hóa tiếp tục được chuyển về cho cấp trên của bà tại SOE ở London, nước Anh.

    Bà Hall tham gia các hoạt động ngầm với hàng loạt mật danh khác nhau như Marie, Philomene, Le Contre, Germaine nhưng điệp viên phát xít Gestapo khét tiếng của Đức đã có được thông tin chỉ điểm về bà. Bà nhanh chóng rơi vào tầm ngắm của phe Phát xít và nằm ở đầu danh sách truy nã, có cả một chiến dịch quy mô để lùng bắt và lấy mạng bà như tuyên bố của Gestapo: "Sẵn sàng đổi mọi thứ để tóm được ‘con sói’ Virginia". Bà phải rất khó khăn mới có thể thoát được sự truy lùng ở Pháp và về Anh. Sau đó, bà lại tiếp tục vỏ bọc phóng viên để tới Tây Ban Nha hoạt động.

    Bản lĩnh và trí tuệ đã giúp bà Hall thoát khỏi sự truy lùng ráo riết ngay trong lòng địch. Những đóng góp lặng lẽ trong việc nghiên cứu, xác định địa điểm đổ bộ, vẽ bản đồ của bà đã giúp quân Đồng minh thuận lợi tổ chức tấn công và giải phóng nước Pháp. Ngoài ra, bà cũng từng tới Áo để phá hủy đường dây liên lạc, giao thông của địch, cùng với các đồng nghiệp, bà đã bắt sống và tiêu diệt hàng trăm tên địch.

    Những đóng góp ấy đã giúp bà Hall trở thành người phụ nữ duy nhất được phong tặng danh hiệu chữ Thập trong Thế chiến thứ II. Sau khi cuộc chiến kết thúc hoàn toàn, bà quay trở lại Mỹ, làm việc trong tổ chức tình báo CIG. Bà qua đời vào ngày 8/7/1982, khoảng 10 năm sau khi nghỉ hưu. 

    Với những đóng góp to lớn trong cuộc đời hoạt động tình báo, đặc biệt là trong những năm tháng khói lửa diễn ra Thế chiến thứ II, bà Virginia Hall đã nhận huân chương cao quý của chính phủ Pháp và Anh, được coi là nữ anh hùng của phe Đồng minh.

    PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo History, Lazerhorse)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tiet-lo-ve-nu-diep-vien-mot-chan-nguy-hiem-nhat-the-chien-thu-ii-mang-mat-danh-cho-soi-a239076.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan