Theo đó, vụ tai nạn trong hoạt động bay huấn luyện phi công cơ bản đối với máy bay Diamond DA20-C1 của Công ty cổ phần Trường hàng không New Zealand xảy ra ngày 12/1/2022 tại sân bay Chu Lai.
Cụ thể, tàu bay VN-C869 thực hiện chuyến bay VNC869 huấn luyện bay đơn vòng kín tại sân bởi 1 học viên bay, cất cánh lúc 13h35 (giờ địa phương). Lúc 13h41, học viên đã thực hiện tốt hạ cánh và thực hiện tiếp đất và cất cánh lần 1.
Lúc 13h47, khi học viên bay điều khiển tàu bay hạ cánh và thực hiện tiếp đất và cất cánh lần 2, tàu bay đã bị lao ra ngoài đường cất hạ cánh 32.
Sau khi sự cố xảy ra, nhân viên điều phối huấn luyện của Trường Hàng không New Zealand phối hợp với Đài kiểm soát không lưu Chu Lai kích hoạt tình huống khẩn nguy và thông báo các bên liên quan tại sân bay Chu Lai để tiếp cận hiện trường máy bay tai nạn lúc 14h.
Học viên đã tự thoát ra khỏi máy bay bị nạn, không bị thương hay có vấn đề liên quan sức khỏe, tinh thần có đôi chút lo lắng.
Tại hiện trường, máy bay bị nạn nằm tại khu vực bãi bên ngoài đường CHC, cách tim đường CHC32 khoảng 62m về bên trái, cách đầu đường CHC 32 khoảng 420m, đầu máy bay hướng về phía đường băng, tình trạng máy bay gãy cánh quạt động cơ, gãy càng trước, đuôi máy bay và bộ phận thăng bằng ngang bị gãy gập, không có hiện tượng cháy nổ.
Được biết, thời tiết tại thời điểm xảy ra sự cố đảm bảo đủ tiêu chuẩn cho hoạt động bay huấn luyện bằng mắt. Trời không mưa, hướng gió 10 độ, tốc độ gió 9 knót, tầm nhìn trên 10km.
Theo kết luận điều tra nguyên nhân, học viên bay tập trung vào xử lý máy bay bị nhảy cóc khi tiếp đất, xử lý nhiều thao tác cùng lúc: kiểm soát công suất, kiểm soát hệ thống điều khiển lái chính, hệ thống điều khiển thứ cấp... Nên khi quyết định bay lại không thực hiện chống yếu tố P, chân trái vẫn giữ ở bàn đạp trái làm máy bay càng quay nhanh sang trái dẫn đến máy bay bị nghiêng trái, cánh trái máy bay quệt xuống đường cất hạ cánh và nhanh chóng xông ra phía trái đường băng.
Học viên cũng chưa đủ năng lực để thực hiện kỹ thuật bay lại và chưa được huấn luyện đầy đủ kỹ năng xử lý bay lại ở các độ cao khác nhau, đặc biệt khi bay lại ở độ cao thấp hoặc khi tàu bay chạm đường cất hạ cánh. Hồ sơ huấn luyện thực hành bay lại 4 lần đều chưa đạt năng lực và đều có nhận xét cần khắc phục.
Đáng chú ý, các quy trình thực hiện các bài huấn luyện chưa được tiêu chuẩn hoá đầy đủ trong tài luyện huấn luyện, khai thác tiêu chuẩn (SOP) của trường hàng không New Zealand.
Cục Hàng không khuyến cáo trường Hàng không New Zealand phải xây dựng quy trình đánh giá hồ sơ huấn luyện của học viên để đảm bảo đạt yêu cầu của tất cả các về kỹ thuật bay yêu cầu trong quá trình huấn luyện trước khi thả bay đơn; cập nhật, sửa đổi đảm bảo tất cả các nội dung hướng dẫn thực hiện kỹ thuật ở các bài bay phải được chuẩn hóa và đưa vào tài liệu SOP của trường. Nhà trường cũng cần giảng bình vụ việc với toàn bộ đội ngũ giáo viên và học viên bay.
Việt Hương (T/h)