Thời gian trẻ dùng các thiết bị màn hình cầm tay tăng thêm 30 phút mỗi ngày, nguy cơ chậm phát triển ngôn ngữ sẽ tăng thêm 49%.
Sử dụng điện thoại, iPad ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của trẻ
Hanen, trung tâm phát triển văn hóa và kỹ năng ngôn ngữ của trẻ ở Canada, dẫn một nghiên cứu từ Bệnh viện Nhi (HSC) nước này, theo dõi gần 900 trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi. Kết quả cho thấy những đứa trẻ tiếp xúc nhiều nội dung trên thiết bị di động (điện thoại thông minh, iPad...) có nguy cơ cao bị chậm phát triển kỹ năng biểu đạt ngôn ngữ, khả năng nói các từ và câu kém.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu thời gian trẻ dùng các thiết bị màn hình cầm tay tăng thêm 30 phút mỗi ngày, nguy cơ chậm phát triển ngôn ngữ sẽ tăng thêm 49%.
Một nghiên cứu khác, khảo sát hơn 1.000 cha mẹ có con dưới 2 tuổi, cho hay trẻ xem càng nhiều video thì càng kiệm lời. Với mỗi giờ xem thêm video hàng ngày, trẻ từ 8 đến 16 tháng tuổi trung bình sẽ nói ít hơn từ 6 đến 8 từ.
Những nghiên cứu mới này chỉ ra rằng việc cho trẻ xem nội dung trên các thiết bị cầm tay mà không được kiểm soát dẫn đến các nguy cơ chậm phát triển ngôn ngữ và hậu quả là trẻ nói ít hơn.
Hiệp hội Nhi khoa Canada khuyến cáo với trẻ dưới 2 tuổi, người lớn không nên cho tiếp xúc các thiết bị di động. Trẻ 2-5 tuổi, mỗi ngày, chỉ nên sử dụng không quá 60 phút.
Smartphone có thể làm thay đổi mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái
Trong độ tuổi từ 0 đến 2, não của trẻ sẽ phát triển gấp 3 lân về kích thước. Trong thời gian này, giọng nói của cha mẹ, những cái chạm và chơi đùa cùng nhau sẽ giúp xây dựng một nhận thức trong não của trẻ để giúp trẻ học được cách gắn kết tình cảm với người khác, đặc biệt những người chúng thường xuyên tiếp xúc.
Tuy nhiên với những đứa trẻ thường xuyên tiếp xúc với màn hình smartphone hay máy tính bảng, nhận thức của chúng sẽ khác.
“Liên kết thần kinh của trẻ sẽ thay đổi và sẽ tạo ra những nhận thức khác”, chuyên gia tư vấn và y tá nhi khoa Denise Daniels cho biết. “Smartphone sẽ ảnh hưởng đến sự tập trung, lòng tự trọng và trong nhiều trường hợp sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ sâu sắc giữa trẻ và cha mẹ”.
Smartphone và máy tính bảng có thể “gây nghiện”
Smartphone và máy tính bảng cho phép một đứa trẻ có được bất cứ thứ gì chúng muốn chỉ bằng một cú nhấp tay. Tuy nhiên những điều này không dạy trẻ cách sử dụng điều độ, kiểm soát xung đột hoặc tự thử thách chính mình, đó là đăc điểm của một tính chất “gây nghiện”
“Một trong những điều tuyệt vời của smartphone và máy tính bảng đó là luôn có những điều mới mẻ để khám phá và sự mới mẻ đó gần như vô hạn”, tiến sĩ Gary Small, Giáo sư tâm thần học và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thần kinh và Hành vi con người thuộc Đại học California (Los Angeles, Mỹ) cho biết. “Vì lý do đó, rất khó để từ bỏ và ngưng sử dụng smartphone hay máy tính bảng”.
Nguyên nhân của những lần “ăn vạ”
Nếu đã nghiện một thứ gì đó, nó sẽ ám ảnh và sẽ gây nên cơn thịnh nộ cho “con nghiện” nếu lấy đồ vậy gây nghiện ra xa người đó. Điều này xảy ra với mọi lứa tuổi.
Ở trẻ em, nhiều bậc phục huynh thường sử dụng smartphone và máy tính bảng như một cách để “dụ dỗ” trẻ em khi chúng đang giận giữ hoặc “ăn vạ”, tuy nhiên đây hoàn toàn không phải là một ý tưởng hay.
“Nếu sử dụng smartphone và máy tính bảng như một phương pháp chủ yếu để đánh lạc hướng trẻ em, chúng có thể phát triển cơ chế tự điều chỉnh để thích nghi với điều này, từ đó chúng sẽ càng trở nên “nghiện” và “ăn vạ” để được phép sử dụng các thiết bị này”, Tiến sĩ Jenny Radesky, Giảng viên bộ môn Phát triển - Hành vi Nhi khoa thuộc trường Đại học Boston (Mỹ) nhận xét.
Năm 2013, Common Sense Media, một tổ chức phi lợi nhuận cũng đã thực hiện một khảo sát liên quan đến việc sử dụng các thiết bị di động ở trẻ em. Kết quả chỉ ra rằng 40% trẻ dưới 2 tuổi đã được tiếp xúc với các thiết bị này. Đáng chú ý, con số trong năm 2011 chỉ là 10% và tốc độ tăng này là đáng lo ngại.
Nhận xét về kết quả mới của bác sĩ Birken, Michael Robb, giám đốc nghiên cứu của Common Sense Media nói rằng: “Đây là một nghiên cứu quan trọng để làm nổi bật thêm các nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến việc sử dụng các phương tiện truyền thông, đặc biệt là thiết bị di dộng cầm tay. Điều gì đang tạo ra những tác động, chúng rất quan trọng. Chẳng hạn như ảnh hưởng tiêu cực có thể đến từ việc thời gian sử dụng màn hình đã làm mất đi cơ hội tương tác với bố mẹ của trẻ (ví dụ hoạt động chơi đùa, nói chuyện, học đọc, hát…). Tất cả đều rất quan trọng cho sự phát triển lành mạnh của trẻ”.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)