(ĐSPL) - Từ khi đứa con trai qua đời do tai nạn nghề nghiệp, cuộc sống của chị như rơi vào vực thẳm, không lối thoát. Ít lâu sau mẹ chị cũng qua đời vì tuổi cao sức yếu. Nỗi đau chồng chất, cộng với bệnh tật đang hành hạ thân xác chị từng ngày khiến cuộc sống càng đi vào ngõ cụt.
Đó là hoàn cảnh thương tâm của chị Lê Thị Nhung (SN 1964), trú tại xóm Thái Cát, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc (Nghệ An).
Hai lần nỗi đau cùng giáng xuống
Men theo con hẻm tận cuối xóm, chúng tôi tìm về nhà chị Nhung không quá khó, bởi ở xóm nghèo này không ai là không biết tới chị với câu chuyện thương tâm. Một người phụ nữ nằm cô quạnh trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ đến cô độc là cảnh tượng đầu tiên chúng tôi bắt gặp.
Cũng như bao người phụ nữ khác, trước đây chị Nhưng rất khỏe mạnh và chịu thương, chịu khó. Đến tuổi lấy chồng, chị kết hôn với anh Hồ Văn Hồng (SN 1962), người cùng địa phương, có một đời vợ (đã mất) cùng ba người con trai. Hạnh phúc mỉm cười với hai vợ chồng khi chị sinh được một cậu con trai ngoan hiền, khỏe mạnh tên Phú.
Những tưởng rồi đây gia đình, vợ chồng con cái sẽ thêm hạnh phúc đầm ấm. Thế nhưng, cuộc sống hôn nhân không như chị mong muốn, những quan điểm sống riêng của mỗi người dần đưa gia đình đi vào bế tắc, hai người quyết định li thân. Chị mang con trai về sống cùng tại nhà mẹ đẻ.
Từ ngày hai mẹ con về ngoại, cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn nay lại thêm phần nặng trĩu khi không có người đàn ông trụ cột trong nhà. Để mưu sinh, kiếm sống, chăm sóc mẹ già và con trai học hành, chị phải bươn chải, tất bật đủ việc, tuy vất vả nhưng cuộc sống cũng tạm gọi là đủ. Dù vậy, Phú vẫn thường xuyên nhận sự giúp đỡ từ bố.
|
Chị Nhung nằm một mình lẻ loi |
Khoảng giữa năm 2009, sau một lần ngã quỵ vì tai biến mạch máu não, chị Nhung bị liệt nửa người và mất luôn khả năng lao động. Từ ngày nằm một chỗ, không thể đi lại và cần sự giúp đỡ của người khác trong vấn đề vệ sinh cũng như ăn, uống, Phú trở thành chỗ dựa tinh thần, cũng như vật chất duy nhất đối với chị. Gia đình khó khăn là vậy, nhưng chị vẫn muốn cho Phú được học hành tới nơi tới chốn. Năm Phú học lớp 9, nhìn mẹ đau ốm thường xuyên, cộng thêm nhiều chi phí cần phải lo, em đã quyết định bỏ học xin đi làm thuê để giảm bớt ghánh nặng. Gần cũng như xa, hễ chỗ nào có việc, Phú đều xin theo phụ giúp để kiếm tiền. Cứ thế đã được ba năm, Bắc hay Nam đều là những chuyến đi không được định trước. Nhưng đi được vài tháng, em phải về để thăm tình hình sức khỏe của mẹ và bà ngoại.
Đầu tháng 1/2015, chị Nhung như sét đánh ngang tai khi hay tin con mình bị chết đuối trong một lần đi làm việc ở Lào Cai. Chưa thể tin nổi đứa con trai duy nhất đã mất thì ít lâu sau mẹ chị vì tuổi cao sức yếu cũng lặng lẽ ra đi. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, mất con, mất mẹ gần như hành hạ thân xác chị từng ngày.
Nỗi lòng cô đơn của người mẹ
Trong căn nhà xi măng, lợp mái tôn, chỉ có chiếc ti vi đã cũ là tài sản giá trị nhất. Nhìn chuồng gà Phú nuôi để đón Tết thi nhau kêu cục tác, chị lại thấy tủi trong lòng. Từ nhỏ, Phú đã biết phụ giúp mẹ bằng việc mò cua, bắt ốc, mót lạc, gặt lúa thuê. Trong mắt bạn bè, thầy cô, Phú luôn là cậu học trò chăm ngoan, hiền lành và biết cố gắng. Biết nỗi khổ của cái nghèo sẽ còn tiếp diễn, mẹ và bà sẽ không được chăm sóc một cách tốt nhất, em đã quyết định bỏ học để lao động kiếm tiền.
“Trước hôm đi Lào Cai một ngày, nó vào xin ngủ cùng mẹ. Chị bảo ngủ với mẹ hôi, thối lắm, sang bên giường bên kia mà ngủ thì nó lại bảo hôi thối gì cũng từ mẹ mà chui ra mà. Rồi nó nằm úp mặt xuống giường khóc, chị hỏi sao thế? Nó bảo nhìn nhà ta khổ quá mẹ ạ! Rồi nó chui rúc vào người chị cọ xát như mấy con gà con vậy. Nó bắt chị kể lúc mang thai nó, lúc nó 4 tuổi thì thế nào? chị bảo chị quên rồi, nó năn nỉ rồi bỗng dưng cắn một miếng vào vú chị chạy máu. Chị tức giận đuổi nó ra thì nó nói, căn miếng mần kỉ niệm, cắn miếng cho nhớ chi, rồi nó ôm chị ngủ”, câu chuyện của chị dường như bị ngắt quãng khi nước mắt cứ liên tục ứa ra, chảy dài trên gò má.
|
Chị Nhung (bên tay trái) cùng người chị dâu kể lại |
Chị Nguyễn Thị Hương, chị dâu của chị Nhung chia sẻ: “Phú hiền lành, chịu khó lắm các cô ạ! Nó ngoài đời trắng trẻo, đẹp trai, cao to như trấy bù rứa. Em nó khổ từ nhỏ, làm nhà này đã năm năm rồi mà giờ vẫn đang thiếu nợ người ta cô ạ! Nó đi vào Nam rồi ra Bắc suốt nhưng chỉ tầm 3 đến 4 tháng lại phải về để chăm mẹ. Lúc đi Lào Cai, nó còn dặn chị chăm sóc bà cho tốt, thỉnh thoảng để ý tới mẹ em nữa nha. Em có nhờ người lo cho mẹ rồi. Em đi chuyến ni về được bao nhiêu thì em chia ba, mẹ một phần, mự một phần, người lo một phần. Từ lúc Phú mất, cứ nửa đêm chị Nhung lại la hét đánh thức cả xóm làng, việc nhang khói cho Phú cùng đành để bố Phú lo liệu”, nước mắt vô thức rơi khi chị kể.
Trong căn nhà rộng tầm mười mấy mét vuông nồng nặc mùi nước tiểu, tiếng khóc, tiếng sụt sịt của chị Nhung càng khiến không gian ảm đạm, thê lương hơn.
Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình chị Nhung, ông Trần Quốc Khánh, Xóm trưởng xóm Thái Cát nói: “Gia đình chị Nhung thuộc diện hộ nghèo nhất xóm, lúc cháu Phú còn đi học, chị bị bại liệt, xóm cùng hội phụ nữ đã từng kêu gọi, vân động bà con trong xóm ủng hộ hai lần để giúp đỡ chị. Tới khi cháu Phú đi làm thì thôi không kêu gọi nữa, chỉ thỉnh thoảng giúp đỡ chị thôi. Khi biết chuyện cháu Phú gặp nạn, chúng tôi bàn nhau kêu gọi giúp đỡ, chỉ chưa đầy một ngày đã ủng hộ được hơn 8 triệu đồng. Cả xóm thương chị lắm”.
|
Căn nhà nhỏ giữa không gian ảm đạm |
Ngày 4/1/2015, khi nghe tin em Phú mất từ Lào Cai báo về, mọi người như lặng đi và không tin đó là sự thật. Chị lại càng không tin, chị bảo nó vừa đi hôm qua sao hôm nay có thể chết vô lí như vậy được. Xác của em cũng mất tích 5 ngày, anh Hồng và 3 người con trai phải ra Lào Cai thuê người tìm kiếm và đưa về quê tổ chức tang lễ. Đau đến tê tái, người đầu bạc tiễn người đầu xanh, Phú còn quá trẻ, thậm chí còn chưa đủ tuổi vị thành niên nữa.
Rồi đây, chỉ còn lại mình chị Nhung lẻ loi trong căn nhà nhỏ, liệu ai sẽ thường xuyên bóp dầu, ai sẽ cõng chị đi dạo? Nước mắt của chị có thôi rơi, thôi mong nhớ, thôi la hét hằng đêm. Số nợ còn sót, tiền thuốc thang, chi phí sinh hoạt đến bao giờ mới trả hết khi mà niềm hy vọng duy nhất đã bị chôn vùi.
Mọi sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm, đồng hành Nhịp cầu Hồng Đức xin gửi về: Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung: Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, tỉnh Nghệ An ĐT: 0388903176; Fax: 038.8601010; Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; Chủ tài khoản: Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tieng-khoc-xe-long-trong-dem-cua-nguoi-me-bai-liet-a82714.html