+Aa-
    Zalo

    Tiếng kêu cứu dưới chân danh thắng lịch sử Ngàn Nưa - Kỳ 2 : "Kẻ ám sát" nguồn nước

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Người dân xã Vân Sơn, Triệu Sơn, Thanh Hóa tố cáo Công ty CP Cromit Nam Việt liên kết với đối tác Trung Quốc vận hành sản xuất xả khí thải ra môi trường gây ô nhiễm

    Theo phản ánh của người dân xã Vân Sơn, Triệu Sơn, Thanh Hóa, công ty CP Cromit Nam Việt liên kết với đối tác nước ngoài vận hành sản xuất, xả khí thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

    Như đã thông tin; Năm 2009, Tập đoàn Nam Việt đã chọn khu vực thung lũng núi Nưa (thuộc địa phận thôn 11, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn) để đầu tư xây dựng nhà máy tinh luyện quặng FeroCrom.

    Tuy nhiên, khi xây dựng xong, nhà máy này đã đóng cửa, do sản xuất không hiệu quả. Sau gần 10 năm “đắp chiếu”, đầu năm 2018, Tập đoàn Nam Việt cho một Công ty sản xuất hóa chất của Trung Quốc thuê lại để tinh luyện kim loại nhưng vẫn dưới tên của Tập đoàn Nam Việt.

    Xóa lịch sử, bức tử môi trường

    Núi Nưa hay còn gọi là ngàn Nưa, Na Sơn thuộc khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Quần thể khu di tích này bao gồm “Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên”. Nơi đây vào mùa hè trời hanh thông, quang đãng, mùa đông thường có mây mù bao phủ tạo cho ngàn Nưa một vẻ đẹp hoang sơ, u tịch và đầy huyền bí.

    Cũng trên đỉnh Ngàn Nưa linh thiêng này, năm 248, Bà Triệu cùng người anh trai Triệu Quốc Đạt đã tập hợp nghĩa sĩ, luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Đông Ngô vì sự trường tồn của non sông đất Việt.

    Công ty CP Cromit Nam Việt liên kết với đối tác Trung Quốc vận hành sản xuất xả khí thải ra môi trường gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

    Không gian núi Nưa, nơi Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa, nơi xuất hiện nàng Tiên núi Nưa xinh đẹp, Bà Triệu - Bà Chúa Thượng Ngàn...cho chúng ta thấy rõ dòng chảy của lịch sử gắn liền với văn hoá dân gian đem đến cho hình tượng Bà Triệu vừa thiêng liêng lại vừa lung linh sắc màu huyền thoại.

    Thế nhưng, giờ đây dưới chân núi này, rất nhiều hộ dân đang phải tận mắt chứng kiến hậu quả khủng khiếp từ việc bức tử môi trường sống từ hoạt động sản xuất công nghiệp.

    Và cũng không hiểu vì lý do nào đó mà ngay trong hồ nước dưới chân núi Am Tiêm, một trong những địa điểm lịch sử được UBND tỉnh Thanh Hóa bảo tồn lại tồn tại một bãi thải với khối lượng hơn 50 nghìn tấn của nhà máy Cromit Nam Việt.

    Qúa bức xúc với những gì đang diễn ra, ông Nguyễn Văn Thịnh, sống ở thôn 11, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn cho biết: Điều đáng lo ngại nhất là nguồn nước đầu nguồn, không chỉ riêng xã Vân Sơn mà các xã lân cận như Thái Hòa, Tân Ninh đều dùng chung một nguồn nước chính từ hồ Hương Sơn, nhưng đến nay, hồ Hương Sơn đã bị ô nhiễm nặng do nhà máy Nam Việt xả thải trực tiếp ra đó nên người dân phải đi mua từng thùng nước lọc về làm nước sinh hoạt hằng ngày.

    "Đời chúng tôi coi như đã hết nhưng còn con, còn cháu chúng tôi nữa, bọn trẻ cũng cần được sống." - Ông Thịnh nói.

    Bà Phạm Thị Chiến luộc rau và thấy nước ra đen như nước cống

    Còn với bà Phạm Thị Chiến, ở thôn 11 xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, hằng ngày hai ông bà với đứa cháu mới lên bảy phải sử dụng nguồn nước này dẫu biết rằng nó độc hại, bởi theo bà Chiến, bà từng nhiều lần thấy nước rau luộc chuyển màu đen như màu nước cống.

    "Từ ngày Công ty Nam Việt về đây họ làm bịt nguồn nước tự nhiên trên rừng, còn lấy nước chứa trong hồ dùng để nung nấu kim loại xong rồi thải ra đây cho chúng tôi ăn, vì không có tiền mua nước sạch nên đành để lắng cặn rồi mới ăn" - Bà Chiến cho hay.

    Dẫn chúng tôi một vòng men theo bức tường bao quanh của Công ty Nam Việt, anh Lê Kim Bôi - người sống quanh khu vực nhà máy này chỉ tay vào một bụi cây trước mặt nói: "Người dân ở đây  ít ai biết phía trong bụi cây kia là đường ống mà khi hoạt động sẽ xả thải trực tiếp ra ngoài con suối. Tôi đi thả dê ngày nào cũng đi qua đây nên biết; có một hệ thống ống ngầm chôn dưới đường được đấu thẳng trực tiếp với một cái khe nhỏ chảy thẳng ra suối. Nước xả ra môi trường lúc màu trắng đục, lúc thì đen ngòm, sau đó chảy xuống hồ Hương Sơn, nơi mà người dân chúng tôi dùng nguồn nước này để sinh hoạt."

    Khắp nơi là chất thải nguy hại

    Không chỉ xả khí thải độc hại trực tiếp ra môi trường, sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, phía trong khuôn viên của nhà máy này đã xuất hiện hàng nghìn tấn chất thải màu trắng đục, nằm lộ thiên mà không có bất cứ biện pháp bảo quản an toàn nào. Bên cạnh đó, nguồn bao bì, đồ vật chứa đựng hóa chất cũng không được nhà máy này thu gom, xử lý mà thay vào đó là đem cho một số người làm nghề đồng nát thu gom chở đi rao bán khắp nơi.

    Vận hành thử khi chưa được cấp phép

    Như thông tin trước đó; ngày 21/12, hàng trăm người dân tại các thôn 11, 4, 5, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã dùng các loại tre, luồng để chặn đoàn xe chở hóa chất, nguyên liệu sản xuất của nhà máy tinh luyện quặng Nam Việt (đóng tại thôn 11, xã Vân Sơn), vì nghi nhà máy này dùng hóa chất độc hại để luyện quặng và xả thải ra môi trường. Chỉ sau khi chính quyền đến giải quyết, người dân mới chịu giải tỏa.

    Vì quá bức xúc nên người dân đã căng băng rôn kêu gọi, cầu cứu cơ quan chức năng, lập chốt chặn những đoàn xe chở hóa chất vào trong công ty.

    Ông Lê Quang Hải – Chủ tịch UBND xã vân Sơn cho biết: Trước khi xảy ra sự việc người dân đem chướng ngại vật chặn đoàn xe chở nguyên liệu, hóa chất của Công ty Nam Việt, đoàn liên ngành của tỉnh đã về làm việc và yêu cầu nhà máy dừng mọi hoạt động để rà soát lại các trình tự, thủ tục cấp phép cho nhà máy.

    Ông Lê Phú Quốc – Trưởng phòng TN&MT huyện Triệu Sơn cũng cho biết: Sau khi đoàn liên ngành của tỉnh Thanh Hóa về làm việc, nhà máy đã cho công nhân nghỉ việc và tạm dừng mọi hoạt động để hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải và chờ các cơ quan chức năng của tỉnh rà soát, đánh giá lại tác động môi trường cũng như quy trình cấp phép. “ Trong hồ sơ cấp phép của nhà máy, họ mới chỉ có đánh giá tác động môi trường và chủ trương chuyển đổi công nghệ sản xuất. Việc vận hành thử nghiệm là không hợp lý. Đúng ra, Công ty Nam Việt phải xin phép từ phía UBND tỉnh Thanh Hóa!” – ông Quốc bức xúc nói.  

    Kỳ 3: Nỗi thống khổ của người dân sống chung cùng sự ô nhiễm kinh hoàng

    Báo Đời sống và Pháp luật tiếp tục thông tin vụ việc này.

    Thiên Anh - Doãn Tài

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tieng-keu-cuu-duoi-chan-danh-thang-lich-su-ngan-nua---ky-2-ke-am-sat-nguon-nuoc-a263475.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan