+Aa-
    Zalo

    Thanh Hóa: Tiếng kêu cứu dưới chân danh thắng lịch sử Ngàn Nưa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Năm 2009, khu di tích đền Nưa - Am Tiên đã được Bộ VHTT-DL công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Thế nhưng danh thắng naỳ đang bị bủa vây bởi ô nhiễm nghiêm trọng.

    Đền Nưa - Am Tiên (hay còn gọi là dãy núi Ngàn Nưa) thuộc làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Đây là dãy núi cao nhất ở vùng đồng bằng châu thổ phía nam Thanh Hoá, cũng là dãy núi chạy theo hướng Tây Bắc đến Đông Nam, được bắt đầu từ Nghệ An qua các huyện Như Xuân, Như Thanh đổ về. Núi có chiều dài tới gần 20 km, làm nên bức trường thành Đông Nam tự nhiên, với một thung lũng rộng lớn, phía đông núi Nưa là đồng bằng châu thổ, đất đai màu mỡ, từ xa xưa đã là vùng dân cư trù mật.

    Nơi đây có huyệt đạo thiêng liêng cũng nơi trời đất giao thoa (hay còn gọi là cổng trời) có giếng Tiên trên đỉnh núi Ngàn Nưa, nước nơi đây không bao giờ vơi cạn, múc bao nhiêu đầy bấy nhiêu.

    Theo lịch sử, vào năm 248 tại đỉnh núi Am Tiên - Ngàn Nưa hùng vĩ này, bà Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) đã chiêu mộ binh sỹ và rèn luyện nghĩa quân, phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Ngô.

    Năm 2009, khu di tích đền Nưa - Am Tiên đã được Bộ VHTT-DL công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

    Đến nay, hào khí anh hùng đó vẫn là niềm tự hào trong các lớp lớp các con cháu noi theo. Thế nhưng, giờ đây dưới chân núi này, rất nhiều hộ dân đang phải tận mắt chứng kiến hậu quả khủng khiếp từ việc đầu độc, bức tử môi trường sống  từ hoạt động sản xuất Công nghiệp.

    Và một sai lầm nếu không kịp sửa chữa, sẽ chôn vùi mãi mãi một  vùng đất lịch sử địa linh nhân kiệt.

    Một góc của Công ty Nam Việt

    Tiếng kêu cứu sau 10 năm "đắp chiếu"

    Năm 2009, Tập đoàn Nam Việt đã chọn khu vực thung lũng núi Nưa (thuộc địa phận thôn 11, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn) để đầu tư xây dựng nhà máy tinh luyện quặng FeroCrom. Tuy nhiên, khi xây dựng xong, nhà máy này đã đóng cửa, do sản xuất không hiệu quả. Sau gần 10 năm “đắp chiếu”, đầu năm 2018, Tập đoàn Nam Việt cho một Công ty luyện kim khác của Trung Quốc thuê lại để tinh luyện kim loại nhưng vẫn dưới tên của Tập đoàn Nam Việt.

    Khoảng tháng 5/2018, nhà máy này đã hoạt động rầm rộ mà không có sự kiểm soát của bất kỳ cơ quan chức năng nào. Chính vì sự buông lỏng quản lý trên đã “tạo điều kiện” cho Công ty này vô tư xả thải trực tiếp ra môi trường, đồng thời xe trọng tải lớn, ngày đêm phá nát con đường trục chính của xã Vân Sơn.

    Bên trong Công ty có rất nhiều thùng, bao tải đựng hóa chất

    Theo người dân địa phương, nhà máy này đã đi vào hoạt động từ nhiều tháng nay. Qúa trình hoạt động đã gây ra khói, bụi và mùi khó chịu. Sau khi tiếp cận với loại khí thải này, nhiều người dân trong vùng đều có các triệu chứng như: Khó thở, chóng mặt, buồn nôn; trẻ em và người già ho nhiều mà không rõ nguyên nhân; nhiều mô hình trang trại trên địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng. Theo phản ánh của người dân, từ khi nhà máy đi vào hoạt động, nhiều gia cầm như gà, vịt đều ốm và chết, nhiều dê, bò, lợn nái không thể sinh sản...

    "Bắt đầu nhà máy đi vào nấu từ tháng 5 đến giờ dân người ta ốm đau và khó chịu lắm, đến giờ phút này người dân phẫn nộ nhưng không làm gì được". Anh Lê Trọng Văn, thôn 11 xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn bức xúc nói.

    Trước đó, vào ngày 21/12  nghi ngờ Công ty này chở các loại hóa chất độc hại và gây ô nhiễm môi trường khi vận hành các dây chuyền sản xuất, hàng trăm người dân xã Vân Sơn đã chặn đường không cho xe Container chở hàng vào nhà máy.

    Ông Lê Trọng Sơn, sống gần nhà máy cho biết: Người dân chúng tôi không biết cụ thể Công ty Nam Việt nấu gì, họ không mua quặng Crom ở đây mà hàng đêm hàng chục container chở hàng vào nhà máy.  Mỗi khi sản xuất thì bốc lên một mùi rất thối, nếu hít phải thì lập tức chóng mặt, đau đầu, buồn nôn. Có những hôm khói từ nhà máy phủ xuống thôn 11 như một lớp sương mù.

    Nhà máy chạy thử nghiệm khi chưa báo cáo tỉnh

    Công ty CP Cromit Nam Việt được thành lập ngày 23/09/2008 theo Giấy Chứng nhận ĐKDN số 2801172029 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cấp. Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là: Khai thác các quặng kim loại cromit và sản xuất chế biến ferocrom và đi vào hoạt động vào tháng 3/2011 và đến ngày 22/10/2012 đơn vị có văn bản gửi UBND tỉnh xin dừng hoạt động nhà máy.

    Công ty này đã chạy thử nghiệm khi chưa báo cáo tỉnh, ngày đêm xả khói bụi gây ô nhiễm ảnh hướng trực tiếp đến đời sống người dân trong vùng.

    Về hồ sơ hoạt động của Công ty ông Quốc cho hay; Công ty đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho chuyển đổi mục đích sản xuất và cũng có đánh giá tác động môi trường (ĐTM).Liên quan vấn đề này, ông Lê Phú Quốc-Trưởng phòng TN&MT huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) cho biết: “Vừa rồi, đơn vị Nam Việt có liên kết cổ phần với đối tác đến từ Trung Quốc (hơn 30%, của Nam Việt hơn 60%,) để tiến hành nấu ra thành phẩm các loại nguyên liệu như Niken, Coban, Molipden và Volfram..., chứ không sản xuất quặng ra sản phẩm FeroCrom như trước đây nữa”.

    "Qua kiểm tra về chất thải rắn thì chưa có nhiều mà chỉ có một ít đang tập kết, có một số thùng phi đựng hóa chất, bụi khi lắng đọng khí tích tụ lại ít. Chúng tôi cũng hướng dẫn đơn vị ký hợp đồng với công ty môi trường để xử lý chất thải" ông Quốc cho biết thêm.

    Cũng theo ông Quốc, tại thời điểm kiểm tra, công ty này đã cho chạy thử nghiệm, tuy nhiên, công ty đã không báo cáo đến UBND tỉnh. Sau khi kiểm tra, đoàn đã yêu cầu công ty tạm dừng hoạt động 2 dây chuyền đang chạy thử nghiệm, hoàn tất thủ tục theo quy định.

    Như vậy có thể thấy rõ, Công ty Nam Việt đã cho nhà máy hoạt động khi chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép. Đặc biệt, nhiều hộ dân xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn vô cùng bức xúc khi công ty này hoạt động gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

    Kì 2: Kẻ ám sát nguồn nước

    Báo Đời sống và Pháp luật sẽ thông tin tiếp vụ việc này.

     

    Thiên Anh - Doãn Tài

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thanh-hoa-tieng-keu-cuu-duoi-chan-danh-thang-lich-su-ngan-nua-a263010.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan