+Aa-
    Zalo

    Tiến sĩ trẻ với niềm đam mê nghiên cứu nhân trắc học ứng dụng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau nhiều công trình đăng tải trên các tạp chí y học danh tiếng, TS Nghĩa cho rằng việc ứng dụng các chỉ số khoa học của cơ thể người trong cuộc sống

    Sau nhiều công trình đăng tải trên các tạp chí y học danh tiếng, TS Nghĩa cho rằng việc ứng dụng các chỉ số khoa học của cơ thể người trong cuộc sống, đặc biệt là trong ngành Thẩm mỹ là rất có giá trị.

    TS. Nguyễn Đức Nghĩa - Chuyên gia nhân trắc học ứng dụng - Giảng viên, Phó trưởng bộ môn Giải phẫu trường Đại học Y Hà Nội. Anh từng 7 năm giữ chức vụ Bí thư đoàn Trường Đại học Y Hà Nội. Thời hoạt động Đoàn sôi nổi, hàng năm, anh và các bác sĩ trẻ nhiệt huyết tổ chức rất nhiều chuyến khám bệnh và phát thuốc miễn phí đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trên mọi miền của tổ quốc. Những chuyến đi ấy đã góp phần nào đó cho những người nghèo được tiếp cận với nền y học hiện đại, được các chuyên gia hàng đầu khám và chữa bệnh. Mỗi chuyến đi trở thành một trải nghiệm thú vị và là bài học vô giá đối với cuộc sống cũng như sự nghiệp của anh. Trong công tác chuyên môn, TS. Nguyễn Đức Nghĩa có rất nhiều đóng góp trong lĩnh vực Giải phẫu với nhiều bài giảng được chia sẻ trên mạng xã hội và những công trình nghiên cứu rất có giá trị, đặc biệt là các nghiên cứu về chất liệu phẫu thuật tạo hình và nhân trắc học. Với Nhân trắc học, bằng niềm đam mê, sau nhiều công trình đăng tải trên các tạp chí y học danh tiếng, TS Nghĩa cho rằng việc ứng dụng các chỉ số khoa học của cơ thể người trong cuộc sống, đặc biệt là trong ngành Thẩm mỹ là rất có giá trị.

    Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa với vai trò làm một Giảng viên

    Nhân trắc học là gì?

    Nhân trắc học là ngành khoa học về phương pháp đo các kích thước cơ thể người và sử dụng toán học để phân tích những kết quả đo được nhằm tìm hiểu các quy luật về phát triển hình thái người, mối tương quan giữa các kích thước và từ đó vận dụng vào việc giải quyết những yêu cầu thực tiễn của khoa học kỹ thuật, sản xuất và đời sống. Hệ phương pháp nghiên cứu này cho phép tìm hiểu được những đặc trưng số lượng về những biến dị của cá thể tùy thuộc vào giới tính, lứa tuổi, dân tộc, nghề nghiệp cũng như các yếu tố tự nhiên khác. Khoa học nhân trắc học được hình thành và phát triển song song với lịch sử phát triển của nhân học. Người được coi là đặt nền móng cho ngành Nhân trắc học là nhà nhân học nổi tiếng người Đức, Rudolf Martin. 

    Ứng dụng của nhân trắc học và phép đo vẻ đẹp con người

    Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa “Một người phụ nữ được cho là đẹp và thu hút người khác phải đạt các chuẩn mực nhất đinh theo nhân trắc học”.

    Từ xa xưa, con người đã biết nhìn nhận cái đẹp cơ thể mình thông qua các con số định lượng rất khoa học. Những người Ai Cập cổ đại xưa đã dùng tỉ lệ Phi (φ) để đánh giá vẻ đẹp, một phụ nữ được cho là đẹp nếu có tỉ lệ các phần trên gương mặt bằng với tỉ lệ Phi. Leonardo Da Vinci khi vẽ một hình chữ nhật quanh gương mặt nàng Mona Liza, tỉ lệ giữa chiều dài và chiều rộng của hình chữ nhật theo quan điểm của ông là bằng 1,618. Ông cũng cho rằng một khuôn mặt hài hòa phải có “khoảng cách từ cằm đến mũi, và từ chân tóc đến lông mày hoặc tai là bằng nhau và bằng một phần ba chiều dài mặt”. Và qua nhiều thời đại, vẻ đẹp của nàng Mona liza vẫn được toàn nhân loại công nhận và sẽ trở thành một vẻ đẹp trường tồn mãi với thời gian.

    Vẻ đẹp của Mona liza một vẻ đẹp trường tồn mãi với thời gian

    Khách quan mà nói tất cả phụ nữ ai cũng muốn mình trở nên xinh đẹp. Vậy thế nào được cho là đẹp?

    TS Nghĩa cho rằng, “để nhận định vẻ đẹp khách quan, từ lâu con người đã dùng đến các thuật nhân trắc học, theo đó có các phép đo chiều cao cơ bản như cao đứng, cao ngồi, các vòng đặc trưng như vòng ngực, vòng hông, vòng mông, vòng cánh tay, vòng đùi… và đánh giá mối tương quan giữa các số đo ấy. Do đó, phụ nữ được cho là đẹp phải là người có các kích thước và tỉ lệ ở mức hài hòa nhất, thường gọi là chỉ số vàng”.

    Ví dụ như Phụ nữ Việt Nam hiện nay có chiều cao trung bình là 156 – 160cm nên vòng 1 sẽ đẹp nếu có số đo là 79 - 85cm và số đo lý tưởng của ba vòng sẽ khoảng 82cm – 60cm – 84cm. Nếu chiều cao từ 1m70 trở lên, số đo vòng 1 hài hòa sẽ ở khoảng 91 - 93cm và số đo lý tưởng 3 vòng là 92cm - 65cm - 94cm. Nếu lấy số đo của vòng 2 chia cho số đo vòng 3 ta sẽ có được chỉ số tương quan giữa hai vòng và chỉ số này nằm trong khoảng 0,67 – 0,80 là lý tưởng nhất.

    Ngày nay trong bất kỳ cuộc thi sắc đẹp nào các thí sinh cũng đều phải trải qua vòng đo các chỉ số nhân trắc học. Và thí sinh đạt vương miện trong các cuộc thi sắc đẹp đó cũng là người nằm trong nhóm có số điểm nhân trắc học cao nhất.

    Người tiên phong ứng dụng nhân trắc học trong phẫu thuật thẩm mỹ

    Trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ thì việc áp dụng Nhân trắc học ít được chú ý cho dù các đánh giá khoa học về mức độ hài hòa của khuôn mặt hay cơ thể đều dựa trên các quan điểm của xã hội. Vì thế, những phụ nữ làm đẹp thường có khuôn mặt hao hao giống nhau và giống một trào lưu nào đó trong cuộc sống.

    Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa, mỗi người sở hữu tỷ lệ gương mặt khác nhau nên sẽ có chỉ số nhân trắc học không giống nhau.

    Mỗi người đều sở hữu một vẻ đẹp riêng biệt

    Việc đánh giá khuôn mặt đẹp không chỉ căn cứ vào các kích thước và chỉ số của khuôn mặt mà còn liên quan đến các kích thước khác của đầu và một số kích thước lớn của cả cơ thể. Việc đánh giá các kích thước và mức độ hài hòa của khuôn mặt cũng không chỉ là các quan sát và đo đạc trực diện mà còn ở nhiều góc quan sát. Ví dụ, từ số đo chiều dài bề rộng khuôn mặt, có thể tính được bề rộng cánh mũi, tuy nhiên, việc đánh giá chiều cao mũi có hài hòa hay không lại phải quan sát nghiêng để đánh giá góc mũi-trán, khoảng cách gốc mũi với một số mốc (đồng tử, nếp sụn mi trên, bờ mi trên…) và chiều cao đỉnh mũi-chân mũi.

    TS Nghĩa cho rằng, để có được vẻ đẹp hoàn hảo nhất có thể thì phải hướng tới sở hữu các chỉ số vàng và mỗi người phụ nữ có một chỉ số vàng cho riêng mình. Đó chính là vẻ đẹp riêng biệt, vẻ đẹp sống mãi với thời gian.

    Phong Đỗ 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tien-si-tre-voi-niem-dam-me-nghien-cuu-nhan-trac-hoc-ung-dung-a246593.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan