Năm 2007, anh thanh niên Nguyễn Xuân Hải ngày đó mới ngoài 20 tuổi, một mình xách balo lên vùng cao làm dự án du lịch cộng đồng cho bà con Pù Luông, huyện Bá Thước ( tỉnh Thanh Hóa). Lần đầu tiên trong đời, anh mới thấm thía cái nghèo cái khổ của những người đồng bào thiểu số làm lụng cả ngày mà chẳng có nổi kế sinh nhai. Trải qua nhiều năm thăng trầm với “cái nghề cái nghiệp” của phát triển du lịch địa phương, giờ đây chàng trai năm nào đã trở thành Tiến sĩ Du lịch thứ 5 của Việt Nam được công nhận.
Day dứt phát triển du lịch nông thôn
Theo chia sẻ của vị tiến sĩ trẻ tuổi, hầu hết đây đều là những vùng người dân tộc thiểu số như: người Thái, người Mường, người Dao, người Mông, người Tày, người Nùng,… và chưa có nhiều kiến thức về phát triển du lịch.
Từ xưa đến nay, người dân ở các địa phương này chỉ dựa vào rừng với các hoạt động nông nghiệp, tới bữa ăn còn không đủ no, “có khi một ngày các đồng bào không kiếm nổi 15.000 đồng”, trong khi đó nguồn tài nguyên ngoài tự nhiên luôn sẵn có.
Chính vì lẽ đó, ngay khi PV Đời sống & Pháp luật đặt câu hỏi “Tại sao thầy quyết định đi theo con đường này cùng bà con?”, anh Hải không ngần ngại mà trả lời ngay “Vì muốn tạo công ăn việc làm cho bà con, giúp bà con có kế sinh nhai bền vững và hỗ trợ công tác bảo tồn thiên nhiên”.
Bằng vốn kiến thức và trải nghiệm thực tế của mình, anh Hải cho rằng chính câu chuyện làm kinh tế từ du lịch cộng đồng sẽ giúp bà con có công ăn việc làm ngay tại chỗ, hạn chế tối đa việc tác động đến tài nguyên rừng, không còn nạn phá rừng và biết cách bảo vệ rừng tốt hơn.
Khi tiếp cận với người dân vùng cao, anh Hải nhận ra người dân địa phương tại các bản, làng sẽ có cơ hội và điều kiện để vận dụng kiến thức “sẵn có” về văn hóa địa phương, phong tục tập quán và những đặc trưng của vùng.
Mỗi người dân địa phương là một đại sứ du lịch để quảng bá hình ảnh du lịch và nét đẹp con người của Việt Nam đến với du khách, bạn bè trong và ngoài nước. Từ đó, góp phần chung cho câu chuyện bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số, bảo tồn đa dạng sinh học, cũng như quảng bá hình ảnh con người Việt Nam ra thế giới.
"Và đó là những ý nghĩa to lớn khiến mình day dứt, phải đi, phải tìm tòi, phải học hỏi, tìm mọi mô hình phát triển du lịch đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp nông thôn,...sao cho phù hợp với thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên,văn hóa, của từng địa phương từng điểm đến. Để mỗi điểm đến du lịch sẽ là sự trải nghiệm khác nhau cho du khách.”, anh Hải chia sẻ thêm.
Khó khăn thay đổi tư duy "vào rừng hái măng"
Ngồi trầm ngâm nhớ lại những ngày đầu tiên trong cuộc hành trình đem “cần câu cơm” tới cho người dân vùng cao, anh Hải xúc động kể lại: “Mình hồi đó chỉ là cậu bé vừa tốt nghiệp, chân ướt chân ráo vác balo đi theo con đường phát triển du lịch, chưa biết gì nhiều. Đi và mang theo nhiều hy vọng, ước mơ, hoài bao của tuổi thanh xuân và cả nỗi sợ. May mắn, lần đó lên huyện Bá Thước ở Thanh Hóa quê mình, được các bác UBND xã Thành Lâm đón tiếp nhiệt tình."
Bạn bè, người thân đều tỏ ra lo lắng ngay sau khi nghe anh Hải tâm sự sẽ lên vùng cao để thực hiện đam mê. Nhưng bằng tất cả sự quyết tâm và lòng yêu nghề, anh đã thuyết phục được gia đình và đặt niềm tin, sự an tâm vào chàng trai ấy.
Bồi hồi nhớ lại những ngày đầu lên vùng cao, anh Hải chia sẻ, kỷ niệm khiến anh nhớ nhất có lẽ là câu chuyện trên Pù Luông. 1h sáng, trên con đường đất khúc khuỷu, anh đi bộ từ trên bản cao xuống mất khoảng 4 tiếng đồng hồ, "giữa đường bị ngã, chiếc laptop đắt tiền vỡ tan. Lúc ấy, vừa lo vừa sợ, đường thì tối nhưng cuối cùng mọi lo sợ đều trở thành động lực, niềm tin du lịch nơi đây sẽ phát triển và thực sự mình rất vui khi mà dự án của mình với bà con đều hoàn tất.”, anh Hải vừa cười vừa kể tiếp.
Thời điểm đó, điều kiện sống của người dân vùng cao rất khó khăn, "cơm chưa no, lo chưa tới" thì lấy đâu ra sự tiện nghi hằng ngày. “Có những giai đoạn, những vùng mình đi hoàn toàn còn không có điện, xa gia đình nên phải viết thư tay gửi về.", anh Hải xúc động nói.
Khó khăn về mặt vật chất có thể khắc phục đươc nhanh chóng nhưng hơn tất cả là thay đổi suy nghĩ ngay từ khi sinh ra của người dân nơi vùng cao.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải, trên chặng đường giúp đỡ bà con, mỗi người dân đều được hướng dẫn một cách bài bản, cầm tay chỉ việc để họ hiểu được bên cạnh việc phát triển du lịch thì bảo vệ môi trường sống và văn hóa cũng là trách nhiệm cao cả.
“Điều khó khăn nhất đó là thuyết phục bà con, đưa bà con vào một nghề hoàn toàn mới”. Nhận định, đây đều thuộc những vùng kinh tế khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, vị tiến sĩ này mang quyết tâm giúp bà con thay đổi nhận thức để tiếp cận tri thức mới.
“Họ đã say mê với nghề truyền thống và để thay đổi tư duy của họ chuyển từ ‘vào rừng hái nông sản’ sang vừa làm du lịch vừa làm nông nghiệp mất khá nhiều thời gian”, anh Hải nói thêm.
Ban đầu người dân luôn liên lạc hỏi anh “Liệu làm như thế này có khách không?”, “Tôi làm như thế này liệu có phát triển thật hay không? Tại sao anh bắt chúng tôi ngày nào cũng mỉm cười, ngày nào cũng phải vệ sinh nhà cửa gọn gàng sạch đẹp,…”. Đặc biệt là những ngày đầu. “Thời đó ít mô hình, học tập kinh nghiệm rất khó, bây giờ mọi nơi đều có mô hình du lịch này rồi, người dân sẽ dễ dàng nhìn và học tập hơn.”, thầy nói tiếp.
Tuy nhiên, những điều này vốn chẳng phải rào cản để vị tiến sĩ chùn bước trên con đường thực hiện đam mê.
Hy vọng vào lớp sinh viên trẻ
Điều may mắn trên con đường giúp người vùng cao làm du lịch, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải luôn có những "liền anh, liền chị" giúp đỡ, có những vị cộng sự tận tâm với nghề và người. Họ cũng góp phần không nhỏ vào công cuộc thành công dự án của bà con.
Thực tế, rất nhiều khách du lịch đã đến và trải nghiệm những sản phẩm du lịch và văn hóa bản địa tại các vùng mà Tiến sĩ Hải cùng bà con địa phương và các cộng sự đã phát triển lên.
Với hoài bão của tuổi trẻ là đem du lịch Việt quảng bá tới trong và ngoài nước, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải hiện đang giữ vai trò giám đốc của một công ty du lịch và là cố vấn cao cấp, chuyên gia du lịch cho các tổ chức trong và ngoài nước.
Ngoài ra, còn trực tiếp tham gia giảng dạy tại các trường đại học như: Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Nguyễn Trãi, Đại học Phương Đông, Học viện phụ nữ,.. và nhiều trường quốc tế khác.
Đối với các sinh viên, vị tiến sĩ ấy chính là người thầy tận tâm và là người khơi nguồn cảm hứng để các bạn sinh viên cố gắng từng ngày với niềm đam mê mà bản thân đã lựa chọn. Người thầy ấy luôn đong đầy những hy vọng đặt vào thế hệ trẻ rằng các bạn sẽ đi theo con đường phát triển du lich cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp nông thôn,...cùng bà con, có tri thức, có đạo đức và kinh nghiệm để đưa đất nước đi lên.
Mỗi khoảnh khắc bước trên bục giảng là mỗi lần mang theo hy vọng, mang theo giá trị để truyền lại động lực cho sinh viên.
“Dù có những cái bước đầu mình hạnh phúc với nó, nhưng tương lai về lâu dài mình chưa bao giờ bằng lòng với những cái mình làm. Vì vậy mình luôn luôn tìm tòi, học hỏi, khiêm tốn và nhìn nhận vấn đề 1 cách đa chiều để những dự án của mình mang đến sẽ phù hợp với điều kiện thực tế và với bà con.”, Tiến sĩ Hải nhấn mạnh.
Hiện tại, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải đang là Cố vấn của Tổ chức AOP (Action on Poverty) - Tổ chức du lịch của Australia và làm chuyên gia cho một số tổ chức quốc tế khác như: Tổ chức Bảo vệ Động thực vật hoang dã FFI (Fauna & Flora International), Dự án “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam” (gọi tắt là Dự án VFBC) là dự án hỗ trợ kỹ thuật, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ,… |
*Ảnh do nhân vật cung cấp
Nguyễn Linh