(ĐSPL) - Nhạc sĩ An Thuyên bất ngờ ra đi để lại bao tiếc thương cho người nhạc sĩ tài ba này.
Tin tức trên Tuổi trẻ, khoảng 16h20 chiều ngày 3/7, nhạc sĩ An Thuyên đã qua đời vì bị nhồi máu cơ tim tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Hà Nội.
Theo nhạc sĩ Lân Cường cho biết, sáng nay (3/7) nhạc sĩ An Thuyên vẫn đến làm việc bình thường tại văn phòng Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Đến trưa, sau khi ăn cơm xong thì ông thấy mệt. Mọi người bảo đưa đi cấp cứu nhưng ông không chịu, bảo đợi bác sĩ riêng đến. Thế nhưng lúc sau thấy ông đau quá, mọi người vội đưa đi bệnh viện trung ương quân đội thì không kịp...
Được biết, cách đây vài ngày nhạc sĩ An Thuyên nhập viện để chuẩn bị cho một ca mổ. Ông vẫn đi lại giữa bệnh viện và nhà riêng. Sau khi về nhà, ông mới nhập viện trở lại ngày hôm qua.
Nhạc sĩ An Thuyên. |
Nhạc sĩ An Thuyên tên thật là Nguyễn An Thuyên (SN 1949, trú tại xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Năm 11 tuổi ông đã đàn hay, sáo giỏi và là người chơi các nhạc cụ dân tộc rất có duyên cho "gánh hát" của gia đình. Ca khúc đầu tiên đó chính là bài hát "Nối gót anh hùng", nhân dịp vài người dân quê đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm 1967, nhạc sĩ An Thuyên bắt đầu công tác ở Ty Văn hoá Nghệ An. Năm 1975, ông vào bộ đội. Năm 1977, ông trở thành nhạc công của Đoàn Văn công Quân khu IV. Năm 1981, ông được cử đi học ở Nhạc viện Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông về Phòng Văn nghệ Quân đội, nay là Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, công tác ở đó cho đến tận lúc về hưu.
Đến giờ, công chúng biết và yêu mến ông với rất nhiều bài hát như: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Khi xe tăng qua miền quan họ, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Neo đậu bến quê, Mẹ Việt Nam anh hùng, Ca dao em và tôi...
Tuy nhiên, An Thuyên chiếm trọn được trái tim của mọi người yêu nhạc Việt Nam là nhờ vào những bài viết nặng lòng với quê hương như Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi. Tình yêu quê hương đập rộn ràng trong các ca khúc của ông, và dường như nó cũng hóa thân vào những xúc cảm thẩm mỹ khi ông viết về những vùng quê khác, những đề tài khác.
THIÊN AN (Tổng hợp)