+Aa-
    Zalo

    Thuyền viên mất tích cùng tàu cá Đài Loan để lại số nợ “khủng”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Kể từ ngày nhận tin chồng mình mất tích cùng tàu cá Hsiang Fu Chun của Đài Loan, chị Nguyễn Thị Thơm ngất lên ngất xuống, không chịu ăn uống gì.

    (ĐSPL) - Kể từ ngày nhận tin chồng mình mất tích cùng tàu cá Hsiang Fu Chun của Đài Loan, chị Nguyễn Thị Thơm (SN 1978) xóm Bắc Thịnh, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) ngất lên ngất xuống, không chịu ăn uống gì, tinh thần suy sụp.
    Dù đã nghe thông tin về vụ mất tích nhưng chị không thể ngờ chồng mình là một trong những nạn nhân xấu số đó. Người chồng mất tích để lại cho người vợ ốm yếu đàn con thơ dại và số nợ “khủng” khiến  nhiều người xót xa.
    Mất tích giữa biển khơi
    Mấy ngày nay, căn nhà nhỏ của mẹ con chị Thơm khi nào cũng chật kín người. Nghe tin chồng chị Thơm là anh Nguyễn Văn Thuận (SN 1975) mất tích, anh em, hàng xóm đến động viên và chia sẻ với gia đình. “Tôi không thể tin chồng mình lại mất tích trên con tàu ấy. Trước đó chúng tôi cũng đã nghe thông tin tàu Hsiang Fu Chun của Đài Loan mất tích nên cứ thấp thỏm lo âu và hy vọng không có chồng mình trong đó. Khi ông chủ tịch xã đến thông báo chúng tôi mới thực sự sốc. Không tin vào tai mình chúng tôi đã gọi điện cho công ty mới biết đó là sự thật.

    Chị Thơm đã nhiều ngày không ăn uống, tinh thần suy sụp.


    Mấy ngày hôm nay chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Đã gần 20 ngày trôi qua rồi mà vẫn chưa tìm thấy tung tích con tàu. Chỉ mong một phép màu xảy ra để chồng tôi trở về với mẹ con tôi thôi”, nói xong chị Thơm lại lịm đi.
    Được biết, vợ chồng anh Thuận kết hôn  từ năm 2000. Do gia đình làm nghề chài, anh Thuận theo thuyền đánh cá, còn vợ ở nhà chăm sóc con, thu nhập bấp bênh nên gia đình lúc nào cũng trong tình cảnh thiếu thốn. Cuộc sống gia đình quá khó khăn nên anh quyết định vay tiền đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Số phận thật trớ trêu, 3 lần đi là 3 lần anh phải về nước sớm, số nợ vay để đi không ngừng tăng lên, cuộc sống vốn khó khăn lại càng thêm túng bấn. Anh quyết định đi thêm lần nữa với mong muốn có chút tiền gửi về cho vợ để trả nợ và nuôi con.
    “Tội nghiệp chú ấy lắm. Ngôi nhà cũ quá dột nát, lại ở gần biển, sợ đến mùa mưa bão sẽ đổ, vợ con không có nơi trú ngụ nên cuối năm 2013, chú ấy vay mượn một số tiền để xây ngôi nhà cấp 4, hai gian được lợp bằng prô xi măng. Làm nhà xong chú ấy mới an tâm đi xuất khẩu lao động. Nợ chưa trả hết thì gia đình nhận được hung tin này. Giờ đây mẹ con Thơm không biết nương tựa vào ai nữa”, chị Nguyễn Thị Tình - chị dâu anh Thuận cho biết.

    Đầu năm 2014, anh Thuận được công ty môi giới đưa sang Đài Loan làm việc khi con gái út mới được 5 tháng. Theo hợp đồng ký kết giữa anh Nguyễn Văn Thuận và công ty TNHH một thành viên Đào tạo và Cung ứng nhân lực quốc tế Nosco (có địa chỉ tại đường Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội) thì mức lương của anh Thuận là 500 USD/tháng, trừ 50 USD tiền tiêu vặt nên mỗi tháng chỉ thực nhận 450 USD. Công việc chủ yếu của anh Thuận là đi câu mực.
    Ba tháng đầu đi làm, anh Thuận không gửi được đồng nào về cho gia đình. Đến tháng thứ tư trở đi, mỗi tháng anh gửi về nhà được 8 triệu đồng. Sau hơn 1 năm làm việc, anh gửi về cho vợ con được 70 triệu đồng. Số tiền trên chủ yếu để lo toan trong gia đình và trả một ít nợ nần. Còn số nợ mấy lần xuất khẩu lao động vẫn còn trên 100 triệu đồng.
    Mong có phép màu
    Những người thân của anh Thuận vẫn đang cầu nguyện để có một phép màu đến với gia đình mình. Gạt nước mắt, chị Thơm cho biết, vợ chồng chị chỉ có thể liên lạc được với nhau khi nào anh vào bờ. Tối 28 Tết, anh Thuận gọi điện về, động viên vợ chăm lo cho các con đón tết vui vẻ và đầm ấm. “Ở nhà em cố gắng lo cho các con. Tết đến lấy một số tiền lương anh gửi về mua quà cho hai bên nội ngoại và gửi lời chúc mừng của anh tới họ.

    Anh Nguyễn Văn Thuận - thuyền viên mất tích cùng với tàu đánh cá Đài Loan.


    Cuộc điện thoại cuối cùng trước khi mất tích, anh ấy vẫn bảo rằng tháng Tư sẽ về hẳn bởi cuộc sống bên ấy quá vất vả và khắc nghiệt, về hai vợ chồng cố gắng làm lụng để trả nợ. Chuyến này anh ấy còn bảo sẽ đi thời gian dài khoảng 6 tháng. Khi nào tàu cập vào bờ mới có thể liên lạc với gia đình được.
    Mẹ con tôi cứ từng ngày ngóng tin chồng nhưng không ngờ anh ấy lại mất tích. Đến bây giờ nhà chức trách Đài Loan vẫn chưa tìm thấy chiếc tàu ấy, chồng tôi không biết sống chết như thế nào. Nghe qua báo chí thông tin, chúng tôi lo lắng lắm. Chỉ cầu mong có một phép lạ sẽ đến với gia đình”, nói trên đây chị Thơm òa khóc nức nở.
    Cùng đi xuất khẩu lao động với anh Thuận còn có anh Nguyễn Văn Sơn, trú xóm Bắc Thịnh, xã Nghi Thiết. Sau khi đi được gần 1 năm, vì không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt ở trên tàu nên anh Sơn đã xin về nước trước. “Chúng tôi phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt lắm. Thông thường, mỗi chuyến đi biển kéo dài từ 5-6 tháng mới cập bờ một lần. Khi làm việc, chủ tàu ra sức bóc lột sức lao động của thuyền viên. Đến giờ ăn chỉ cho nghỉ được 30 phút, ai chậm là không còn thức ăn. Ăn xong là phải ra làm việc liền, không có thời gian để nghỉ ngơi.
    Nặng nhọc, vất vả là thế nhưng mỗi tháng chủ tàu chỉ trả cho lao động 500 USD. Trừ đi số tiền ăn uống, tiền đặt cọc thì chỉ gửi về cho gia đình khoảng 300- 400 USD. Hai anh em cũng đã bàn bạc với nhau là sẽ về nước. Nhưng nghĩ đến số tiền nợ lớn ở nhà vẫn chưa trả được nên anh ấy nén lại thêm mấy tháng nữa, ai ngờ lại gặp chuyện không may như vậy. Chỉ mong cơ quan chức năng Đài Loan sẽ tìm thấy con tàu và anh Thuận được an toàn trở về nhà thôi”.
    Ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó trưởng Công an xã Nghi Thiết cho biết: “Chính quyền cũng đã nắm sơ bộ về tình hình anh Thuận mất tích trên biển. Hoàn cảnh gia đình anh Thuận rất khó khăn. Năm ngoái gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, còn năm nay là cận nghèo. Chúng tôi mong cơ quan chức năng có trách nhiệm sớm tìm kiếm và cập nhật thông tin liên tục để gia đình không phải sống trong tình cảnh thấp thỏm như hiện nay”.
    Hiện tại, cơ quan Ngoại giao Đài Loan thông báo đang tìm kiếm chiếc tàu cá chở 49 người mất tích ngoài khơi phía Đông Nam Argentina. Thành viên trên tàu gồm có 2 người Việt Nam, 2 người Đài Loan, 11 người Trung Quốc, 13 người Philippines và 21 người Indonesia. Chiếc tàu được cho là mất liên lạc từ ngày 26/2. Hải quân Argentina và các cơ quan chức năng được yêu cầu trợ giúp tìm kiếm. Đài Loan cũng đề nghị nhà chức trách Anh cùng hải quân Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ. 
    Vẫn đang tích cực tìm kiếm
    Tàu cá Hsiang Fu Chun là loại tàu câu mực có tải trọng 700 tấn. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, phía Đài Loan đang tích cực tìm kiếm, huy động các tàu quanh đó cùng tham gia. Hiện tại, họ vẫn chưa xác định được nguyên nhân tàu cá mất tích. Khu vực thuyền viên mất tích là ngư trường truyền thống của tàu cá Đài Loan, khá an toàn, trước nay không có cướp biển.

    HÀ HẰNG

    Xem thêm video: Máy bay AirAsia QZ8501 chở 162 người mất tích bí ẩn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuyen-vien-mat-tich-cung-tau-ca-dai-loan-de-lai-so-no-khung-a87667.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan