(ĐSPL) – Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn cho biết, ước tính có 300 người có thể đã thiệt mạng trong những thảm kịch chìm tàu ở Địa Trung Hải.
Thông tin từ Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 11/2 cho biết, hơn 300 người di cư có khả năng đã chết đuối trong thảm kịch chìm tàu ở biển Địa Trung Hải, trên đường từ châu Phi đến Italy.
Được biết, nạn nhân chủ yếu là người châu Phi vùng hạ Sahara. Những người này xuất phát từ bờ biển Tripoli (Libya) hồi cuối tuần trên bốn chiếc tàu nhỏ nhưng sau vài ngày lênh đênh trên biển, họ đã gặp nạn. Theo BBC, hầu hết những người di cư trên đang trốn chạy khỏi vùng chiến sự ở Trung Đông hoặc Đông Phi thông qua các băng nhóm buôn người ở Libya.
Hôm 9/2, ít nhất 29 người di cư tử nạn sau khi chiếc tàu bơm hơi chở họ bị lật úp do sóng lớn. Cảnh sát tuần duyên của Italy đã cứu được 105 người.
Hai ngày sau, hai chiếc thuyền khác (mỗi chiếc chở hơn 100 người) cũng gặp nạn. Những nạn nhân sống sót cho biết, còn một chiếc tàu thứ 4 chở ít nhất 100 người di cư cũng đã bị mất tích.
Lực lượng tuần duyên Italy giúp một người sống sót cập cảng Lampedusa. (Ảnh: Reuters) |
Bà Vincent Cochetel đến từ UNHCR gọi đây là “một thảm kịch khủng khiếp”.
Trong khi đó, Reuters đưa tin, sau nỗ lực cứu hộ mới nhất của lực lượng tuần duyên Italy hôm 11/2, có 9 người được cứu sống. Họ đến từ nhiều nước châu Phi như Senegal, Niger, Mali, Gambia…
Các nhân chứng sống sót cho biết, ban đầu, khoảng 420 người nhập cư, đa số là người Châu Phi vùng Nam Sahara, đi trên nhiều thuyền. Mặc dù thời tiết rất xấu, sóng cao tới 8 m và gió thổi với tốc 120 km/giờ, nhưng những kẻ tổ chức đưa người nhập cư trái phép đã ép buộc mỗi thuyền phải chở tới 100 người.
UNHCR và Tổ chức Dân Quốc tế (OIM) cho hay, có thể thấy trước được thảm họa này. Tuy nhiên, do thiếu tài chính nên kế hoạch theo dõi và cứu vớt thuyền nhân mang tên Mare Nostrum đã ngừng hoạt động từ cuối tháng 10/2014 và được thay thế bằng việc gia tăng tuần tra dọc bờ biển của Italy.
Trước đó, trong năm 2014, khoảng 3.500 người chết đuối khi cố từ châu Phi vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), con số người chết vì vượt Địa Trung Hải có thể sẽ tăng cao trong năm 2015.