Ai ngược miền biên viễn cực Bắc - Hà Giang những sớm mùa xuân có lẽ chẳng thể nào không ghé khu di tích nhà Vương – một công trình riêng có và đầy độc đáo của đồng bào dân tộc cao nguyên đá Đồng Văn.
“Khu di tích văn hóa nghệ thuật lịch sử Nhà Vương” theo cách gọi quy phạm (Quyết định số 937-QĐ/BT ngày 23/7/1993 của Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)) hay “Dinh thự vua Mèo” theo cách gọi dân gian là khu tư gia của Vương tộc, dòng họ đã thống lĩnh và cát cứ toàn bộ vùng Cao nguyên đá rộng lớn trong suốt thời kỳ phong kiến – thực dân đầy biến động cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Lật lại quá khứ của vùng đất phên dậu “đầu trời ngất đỉnh Hà Giang” hơn một trăm năm trước, bằng thao lược, uy tín và uy dũng, vị thổ hào tài trí Vương Chính Đức đã thống nhất quyền lực, xác lập địa vị thủ lĩnh tối cao trên xứ sở biên viễn điệp trùng núi đá tai bèo và cũng ngập tràn những nương đồi Anh túc, ly khai chính quyền trung ương, hình thành nên một vương triều độc lập với cương vực bao gồm địa giới 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn.
Với nguồn thu vô tận từ thuốc phiện, thứ hàng hóa quý giá, đắt đỏ bậc nhất của thuở “khai hóa văn minh” nhưng lại sẵn đầy như xa số những vỉa đá tai bèo ở trên cao nguyên cực Bắc, đầu thế kỷ XX, để khẳng định vai trò và uy quyền của mình, “vua Mèo” Vương Chính Đức đã bỏ ra số tiền khổng lồ ước tính lên đến 150.000 đồng bạc trắng (tương đương với 150 tỷ đồng tiền Việt Nam lúc bấy giờ) và 8 năm dòng dã, niêm cẩn khởi xây để dựng nên một khu tư dinh, hay cũng có thể gọi là lâu đài Vương tộc theo đúng lối kiến trúc Trung Hoa cổ với những tòa ngang, dãy dọc bề thế, quy mô cùng hàng loạt công trình phụ trợ khác làm nổi bật lên nét vương giả giữa vùng cao nguyên hiểm trở, hút heo.
Ngay việc chọn đất bỏ nền của Dinh cũng đã là cả một truyền kỳ giai thoại. Theo đó, trước khi bắt tay vào xây dựng dinh thự đồ sộ này, “vua Mèo” Vương Chính Đức đã sang tận Trung Quốc rước thầy phong thủy khảo khắp lãnh địa của mình ngắm thế đất, tìm linh địa. Dừng chân tại chính giữa thung lũng mây Sà Phìn nhìn gò đất mai rùa nổi cao, tựa dáng kim quy, thầy địa lý tham vấn đó chính là vị thế đắc địa mà tìm kiếm bấy lâu vẫn chưa ra, nếu xây dựng dinh thự tại đây thì sự nghiệp Vương tộc sẽ mãi truyền đời mà hanh phát về sau, “vua Mèo” nghe vậy mà ưng ý, thuận lời.
Sau khi chọn được linh địa, Vương Chính Đức đã cho mời những người thợ giỏi nhất ở vùng Vân Nam (Trung Quốc) về xây dựng; cầu kỳ, kiên nhẫn và tinh tế theo đúng mô hình phủ đệ Trung Hoa.
Vật liệu dựng Dinh cũng được lựa chọn kỹ lưỡng từ đá xẻ, gỗ quý, ngói lợp âm dương… Kết cấu kiến trúc gồm hai tầng, sàn nhà lát gỗ. Phía ngoài gian chính giữa có treo một bức hoành phi bằng chữ Hán do vua triều Nguyễn phong tặng “Biên chinh khả phong”.
Dinh thự vua Mèo có ảnh hưởng kiến trúc của 3 nền văn hóa: Trung Quốc, người Mông và Pháp.
Nhìn tổng thể, toàn dinh thự có 3 cung Tiền, Trung, Hậu với 64 gian phòng khác nhau gồm nhà khách, phòng làm việc, phòng ngủ cho các thành viên trong dòng họ, phòng ở của các gia nhân giúp việc và quân lính, nhà kho lương thực, kho vũ khí, phòng bếp đặc biệt có một kho riêng để chứa thuốc phiện…
Khu Tiền cung là nơi ở của lính bảo vệ, gia nhân. Trung cung và Hậu cung là nơi ở, làm việc của con cháu dòng họ Vương. Toàn bộ gỗ của ngôi nhà trước đây đều được làm từ gỗ thông đá. Kể từ khi trở thành tài sản của Nhà nước, tất cả các vật liệu gỗ của ngôi nhà đã bị thay đổi khoảng 60\% bằng gỗ lim và gỗ nghiến.
Quan sát, thấy hai viên đá ở khu tiền có độ bóng nhất định, đó là do đồng bạc trắng Đông Dương mài vào đá mà thành. Để đánh được một chân cột đá như thế, cụ Vương Chính Đức đã phải bỏ ra 900 đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương với 1 tỷ đồng tiền Việt Nam. Đó chỉ mới là tiền đánh bóng, chưa kể tiền đục đẽo, vận chuyển hai chân cột đá từ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) về Đồng Văn.
Bao quanh dinh thự là khu tường đá cao dày, có quân lính bảo vệ. Cách mỗi đoạn tường lại được bố trí các lỗ châu mai và chòi canh để bảo đảm an ninh cho cả khu nhà. Phía sau nhà có một bể chứa nước lớn được xây dựng toàn bộ bằng đá, thiết kế hứng nước mưa từ trên các dãy nhà xuống. Do nằm trong vùng thường xuyên khô hạn nên ngày nay chiếc bể nước này là nguồn cung cấp nước chính cho nhân dân ở Sà Phìn. Nội thất bên trong nhà Vương hiện còn lưu giữ được khá nhiều như đồ dùng sinh hoạt, tư trang cá nhân… Ngoài ra, Bảo tảng tỉnh Hà Giang còn trưng bày thêm các hiện vật tiêu biểu phản ánh đời sống văn hóa và lao động sản xuất của dân tộc Mông vùng cao nguyên đá. Khuôn viên khu dinh thự rộng rãi và thoáng đoãng, được họ Vương trồng các loại cây ăn quả như lê, đào, mận…
Ngày nay, khu tư dinh của vua Mèo xưa đã được Nhà nước xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia nên không có ai ở đó mà chủ yếu để phục vụ khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu. Các hậu duệ của họ Vương đều sinh sống quanh khu vực lân cận.