(ĐSPL) – “Các bác, các đồng chí đã về hưu, ai cũng cảm thấy hụt hẫng gọi điện hỏi thăm, tiếc nuối trước sự ra đi của anh”.
Tối muộn ngày 18/2, Thượng tướng Phạm Qúy Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) do lâm bệnh hiểm nghèo.
Trước khi qua đời, tâm nguyện cuối cùng của Thượng tướng là mong muốn được an nghỉ tại quê nhà xã Đông Cường, Đông Hưng, Thái Bình. Lễ tang Thượng tướng Phạm Qúy Ngọ được tổ chức theo nghi lễ Lễ tang cấp cao, do Bộ Công an chủ trì.
Ngôi nhà của ông Ngọ nằm lặng lẽ bên cánh đồng lúa thuộc xã Đông Cường, huyện Đông Hưng. Theo người dân, gia đình Thượng tướng chuyển lên Hà Nội sinh sống đã nhiều năm nay nhưng thỉnh thoảng ông Ngọ vẫn về thăm nhà, thăm quê hương. Khi hay tin tướng Ngọ mất, những người dân nơi quê hương ông Ngọ không nguôi nuối tiếc xót thương.
“Ông Ngọ là niềm tự hào của bà con chúng tôi, một người con của Đông Cường luôn cống hiến hết mình vì công việc, vì nhiệm vụ. Bà con nơi quê nhà ai cũng buồn đau trước sự ra đi của ông”, một người dân cho hay.
“Trước đây, anh Ngọ còn khỏe, anh ấy cũng hay về thăm nhà. Mặc dù công việc của anh rất bận rộn, nhưng mỗi lần về anh luôn dành sự quan tâm tới địa phương”, ông Nguyễn Hữu Hưởng, Chủ tịch xã Đông Cường buồn bã chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Văn Tân, trưởng công an huyện Quỳnh Phụ chia sẻ về tướng Ngọ. |
Tốt nghiệp trường Đại học cảnh sát nhân dân, nơi khởi nghiệp đầu tiên của tướng Ngọ là công an huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. Đối với các cán bộ chiến sĩ ở Quỳnh Phụ, tướng Ngọ như người anh cả mẫu mực.
Đại tá Nguyễn Văn Tân, Trưởng cổng an huyện Quỳnh Phụ tâm sự: “Từ khi là cán bộ chiến sỹ, anh Ngọ luôn tận tụy, hết mình trong công việc, luôn đi sâu đi sát vào quần chúng nhân dân.
Làm trình sát tại đội hình sự công an huyện Quỳnh Phụ, anh Ngọ đã tham gia phá nhiều vụ án trên địa bàn Thái Bình nói chung và huyện Quỳnh Phụ nói riêng.
Năm 1984, trên địa bàn xã An Vinh, nạn cắt trộm dây chằng cột điện diễn biến phức tạp, kẻ trộm không những ăn trộm dây điện mà còn phá hỏng, làm đổ cột điện cao thế khiến người dân hết sức hoảng loạn.
Trước nạn trộm cắp hoành hành gây xáo trộn vùng quê, anh Ngọ luôn xông xáo tham gia mật phục, tìm cách bắt gọn đối tượng. Với sự hăng say và tránh nhiệm nghề nghiệp, về đơn vị hai năm, anh đã được giao làm đội trưởng hình sự, bốn năm được bổ nhiệm làm Phó trưởng công an huyện.
Đặc biệt, năm 1997, tình hình an ninh thôn của Quỳnh Phụ xảy ra nhiều biến động, anh Ngọ lúc bấy giờ là lãnh đạo công an tỉnh trực tiếp đến hiện trường vận động nhân dân không được phá kích, giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nhất là bà con ở Quỳnh Khôi, Quỳnh Giao, những nơi anh hay xuống để giải quyết các vụ việc về an ninh trật tự, được người dân rất ủng hộ.
Từ khi lên công an tỉnh, rồi lãnh đạo bộ, anh Ngọ luôn nhớ về quê hương. Quỳnh Phụ là nơi đầu tiên anh Ngọ công tác sau khi ra trường. Sau này dù đã chuyển công tác, giữ những chức vụ cao hơn nhưng anh luôn luôn quan tâm đến tình hình chung của công an huyện và đặc biệt là cơ sở vật chất, đời sống của anh em đồng đội.
Khi nhận được tin anh Ngọ mất, anh em cán bộ chiến sĩ chúng tôi rất tiếc thương. Không chỉ riêng đơn vị chúng tôi, các bác, các đồng chí đã về hưu, ai cũng cảm thấy hụt hẫng gọi điện hỏi thăm, tiếc nuối trước sự ra đi của anh”.
Đỗ Việt – Đỗ Đức